Tơ Lụa Việt Nam: Dốc hết toàn lực cho cuộc hóa thân mới

Nhiều nhà máy phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, một diện tích lớn vườn dâu bị chặt phá và công nhân bỏ nghề. Ấy vậy, gần 10 năm trở lại đây, vùng tơ lụa Bảo Lộc đã trở mình với những đơn hàng xuất đi những thị trường khó tính, trở thành nguyên liệu cho những sản phẩm thời trang cao cấp. Có những người đã dựng lại đống sắt ấy thành nhữn cơ ngơi, lấy lại phần nào danh tiếng cho vùng lụa Bảo Lộc.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 1.

Từ những giàn máy ươm tơ hen gỉ mua lại từ một công ty đang khó khăn, ông Huỳnh Tấn Phước dựng nên một cơ ngơi ươm tơ có sản lượng hàng đầu Việt Nam.

Sau khi học xong Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1992, chị Hà Thị Hoa về Bảo Lộc làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty dâu tằm tơ và được cử đi Hàn Quốc, Nhật học công nghệ dệt nhuộm và ươm tơ. Những nốt trầm của công ty cũng khiến chị lay lắt hơn 10 năm. Nhưng lỡ học nghề, lại chạm vào chuyên môn sâu nên chị Hoa không muốn bỏ nghề.

Năm 2009, chị vay mượn 500 triệu mua lại một dàn máy cũ hen gỉ của một công ty đang thua lỗ và bắt đầu làm lụa tơ tằm nguyên chất. Xưởng ươm tơ dệt lụa Hà Bảo của chị Hoa ban đầu chỉ bán được cho một số đầu mối ở Trung Quốc, Campuchia và một số cơ sở làm nội thất trong nước. Xác định, muốn tham gia cuộc chơi với thị trường lớn hơn phải có đối tác uy tín, chị Hoa mang lụa của mình đi các hội chợ tơ lụa lớn tổ chức ở Trung Quốc và giới thiệu với các nhà thương mại từ Nhật Bản, châu Âu. Và một ngày đối tác người Nhật đến thăm.

“Nhìn hệ thống máy đã cũ dù vẫn còn chạy rất êm, họ không nói năng gì, chỉ để lại một tấm vải chuyên dùng may kimono do đối tác của họ ở nước khác dệt rồi nhắn, đại ý nếu làm được thì sẽ gặp lại”, chị Hoa kể.

Nhìn tấm vải, chị Hoa biết phải chỉnh sửa hệ thống máy của mình nhiều nhưng chị đoán chắc sẽ làm được vì chính bản thân chị đã từng học công nghệ dệt của Nhật Bản. Một thời gian ngắn sau, tấm lụa kimono hàng mẫu và tấm lụa do chính xưởng Hà Bảo thực hiện được gửi đến tận tay đối tác. Và họ đã quay lại Việt Nam sau đó, bàn tính với chị Hà những hợp đồng dài hạn.

Đưa chúng tôi vào khu dệt lụa rộng với tiếng khung cửi va đập liên hồi theo một trật tự, chị Hoa bảo rằng nhà xưởng với hệ thống máy mới mới nhập từ Hàn Quốc là kết quả của những chuyến đi tìm đối tác từ các thị trường khó tính. Chị nói: “Họ tin kỹ thuật dệt lụa của mình nhưng mình cần ở họ sự lâu dài nên phải đầu tư bài bản để tránh rủi ro gây thiệt cho cả đôi bên. Lúc đó, không biết cứu sao cho nổi”. Từ một nhà dệt chắp vá, lụa Hà Bảo hiện đã có mặt tại Trung Quốc, Brazil, Anh. Có những đơn đặt hàng làm lụa pha giữa tơ tằm và sợi tổng hợp, chị Hoa từ chối.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty xe tơ dệt lụa Hà Bảo, cùng công nhân kiểm tra lại chất lượng tơ trước khi bắt đầu quy trình dệt lụa xuất đi Nhật Bản và nhiều nước châu Âu

Ở vùng lụa Bảo Lộc, nhắc đến ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc công ty Tơ tằm Nhật Minh là nhắc đến ông “vua” tơ. Cách nay ngót nghét 20 năm, ông Phước làm một nhân viên khối văn phòng của một công ty dệt lụa đang lay lắt. Cỗ máy ươm tơ vài tỉ đồng phơi nắng phơi mưa đã khiến ông Phước xót xa.

Với ông Phước, rước cỗ máy lớn đó về nhà là điều quá sức, nhưng bỏ mặc nó tiếp tục hư hại thì ngủ không yên. “Cứ đi đã, hạ hồi phân giải”, ông tính. Ông mất hơn 2 năm để cỗ máy đó vận hành trở lại. Trong hai năm sửa máy, ông đi tìm khách hàng khắp nơi và hứa “gửi mẫu khi có đợt hàng đầu tiên”. Và từ đống sắt đó, ông Phước đã có hơn 30 tấn tơ/tháng, chiếm phần nhiều trong tổng sản lượng tơ của TP. Bảo Lộc.

Không chỉ chị Hoa, anh Phước dựng nghiệp trên một đống sắt, ở xứ Bảo Lộc, câu chuyện tương tự như những người này có ở hơn 20 nhà xưởng tơ lụa do chính những người công nhân tơ lụa từng lay lắt với ngành dệt lụa lập ra.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 3.

Ông Phước có một điều lạ, không bán tơ sợi cho thương lái, chỉ bán cho những cơ sở làm lụa trong nước và ngoài nước. Nhà thiết kế Minh Hạnh kể: “Tôi mang lụa dệt từ sợi anh Phước làm giới thiệu ở APEC 2017. Ngay lập tức có một thương lái người Trung Quốc muốn tìm chủ sản xuất tơ. Tôi chỉ anh Phước. Sau khi họ làm việc xong xuôi, tôi nghe anh Phước lắc đầu, bảo không bán vì họ muốn mua tơ loại tốt nhất về bán cho các cơ sở sản xuất lụa chuyên xuất đi Châu Âu.

Tôi hỏi thêm, Phước nói cơ sở chỉ liên kết sản xuất chứ không bán sợi đơn thuần. Tức anh chỉ bán sợi cho nhà dệt làm ăn lâu dài, chứ không bán sợi theo kiểu từng đơn hàng dù họ trả giá cao hơn nhà dệt trong nước nhiều. Ông Phước làm thương lái ấy bất ngờ, vì tôi biết, giá tơ họ đưa ra là mong ước của nhiều cơ sở ươm tơ”.

Nhắc lại chuyện này, ông Phước cười hào sảng: “Nói chuyện này ai cũng kêu mình chảnh, thiệt tình không có. Chẳng qua mình chỉ làm chung, là liên kết với nhà dệt năm dài tháng rộng. Mình làm tơ cho tốt, họ lấy tơ làm lụa sao cho tốt. Sợi tốt mình bán cho nhà dệt của vùng Bảo Lộc, Quảng Nam và nhiều tỉnh phía Bắc còn không hết, ai đâu đi đóng thùng bán cho thương lái theo từng đơn hàng. Giờ họ gom hàng giá cao vậy, nhưng khi đủ rồi họ không mua nữa mình bán cho ai. Chắc đóng cửa nhà ươm”.

Quan điểm của ôg Phước rất rõ ràng, chỉ liên kết làm ăn chứ không bán nguyên liệu. “Không xuất khẩu nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu loại tốt nhất mình làm được”, ông Phước khẳng định.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 4.

Chỉ sau mấy năm cựa mình, vùng lụa Bảo Lộc trở thành vùng lụa xuất khẩu cho những thị trường quan trọng có mức chi tiêu cao. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Tơ lụa Viet Silk nhìn nhận, ngay từ đầu người làm lụa đã đặt mục tiêu phải xuất khẩu. Không phải chê thị trường trong nước, nhưng xuất khẩu để khẳng định lụa mình tốt và tranh thủ học hỏi công nghệ qua những yêu cầu khắc khe của khách.

Lý giải về sự phát triển mau lẹ của vùng lụa Bảo Lộc, so với năm 2010 thì chỉ sau 7 năm quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu tăng gấp 4 lần, ông Dũng nói: “Bài học sụp đổ của ngành lụa được làng lụa Bảo Lộc nhận diện rõ, do mạnh ai nấy làm, một mình ôm hết việc. Hồi đó, nhà nào cũng muốn làm đủ quy trình ươm tơ dệt lụa. Nhà nuôi tằm lớn lớn cũng cố làm thêm ươm tơ và dệt lụa dù không rành kỹ thuật. Thành thử lụa làm ra nhiều mà không bán được do chất lượng không đồng đều, không đúng ý người mua. Mà hồi đó người mua ít còn tìm tới chứ người mua nhiều, hoặc nhà sản xuất ngoài nước không đoái hoài gì đâu. Chuyện này cả vùng lụa này thấm rồi.

Bây giờ mình làm lụa như làm rau vậy, phải có liên kết bốn nhà: nhà may mặc –  nhà dệt lụa  – nhà ươm tơ – nhà trồng dâu nuôi tằm. Ông may mặc trong nước ngoài nước mang mẫu vải mong muốn đặt hàng mình, ông dệt lụa nhận hợp đồng rồi tính toán lao động, nguyên liệu, sau đó chuyển hợp đồng tiếp cho nhà ươm tơ sản xuất sợi đúng quy cách và số lượng, nhà ươm tơ thì tuỳ tình hình mà tổ chức cùng sản xuất kén tằm với nông dân để có kén đúng yêu cầu”. Ông Dũng cho rằng nhờ vòng tròn khép kín này mà làng lụa Bảo Lộc sớm sống lại, chuyện nổi danh sẽ tính tiếp sau.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam – Viseri, cho biết một phương thức làm ăn khác đang được áp dụng tại Bảo Lộc và tạo ra an toàn trong sản xuất trước mắt và giúp nâng cao công nghệ cho vùng lụa. Ông nói: “Đối tác sản xuất mang máy móc công nghệ đủ để làm ra loại lụa tơ tằm họ mong muốn đến Bảo Lộc. Phần mình sẽ lo tổ chức vận hành”. Ở Bảo Lộc, có 20 xưởng dệt lụa, ươm tơ và quá nửa số này đã áp dụng phương thức hợp tác công nghệ để làm ra lụa tốt. Cuối năm 2017, lụa Bảo Lộc đã có những đơn hàng đầu tiên xuất đi Ý, Pháp. “Các đối tác từ Nhật Bản tiếp nhận và đặt hàng mình thực hiện những đơn hàng cầu kỳ này”, ông Định nói.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 6.

Lụa Việt Nam được trưng bày và bán tại Vietnam Silk House (xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Nhà thiết kế Minh Hạnh, trong một cuộc trao đổi với người sản xuất tơ lụa Bảo Lộc, nhấn mạnh: “Lụa Bảo Lộc rất tốt, đó là giá trị cạnh tranh nhưng giá trị cạnh tranh tốt nhất khiến đối tác tìm tới là làng lụa này chưa có điều tiếng gì. Chúng tôi hay gọi đó là ‘lụa quân tử”. Sống chết cũng phải giữ cái phần thanh sạch mà phát triển. Lụa tơ tằm là ngành kinh doanh “nhạy cảm” vì nhắc đến nó là nhắc đến sản phẩm thuần tự nhiên, nằm trong ngành may mặc nhưng liên quan đến câu chuyện sức khoẻ. Chỉ cần một chút không tự nhiên xuất hiện, sự sụp đổ sẽ lại bắt đầu”.

Tơ lụa Việt Nam: Dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới - Ảnh 7.

Từ ý tưởng có một nơi để lụa Việt Nam tụ hội và tạo cơ hội cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận nhiều thương hiệu lụa khác nhau từ đó có thể chọn lựa, nhà thiết kế Minh Hạnh và các doanh nghiệp tơ lụa tại TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã thành lập Vietnam Silk House (Nhà tơ lụa Việt Nam).

Vietnam Silk House có 2 cơ sở tại TP. Đà Lạt (đường Trần Phú) và TP. Bảo Lộc (672 Quốc lộ 20, xã Đại Lào). Vietnam Silk House trước tiên trưng bày sản phẩm của 6 doanh nghiệp ở Bảo Lộc và nhiều địa phương khác: Hà Bảo, Bảo Lộc Silk, Lụa Việt, Thái Nam Silk (Hà Nam), Đũi Nam Cao (Thái Bình), Minh Trang (Ninh Bình). Nhà thiết kế Minh Hạnh cho hay, Vietnam Silk House có chức năng quảng bá cho lụa tơ tằm Việt Nam nhiều hơn là kinh doanh tơ lụa, do đó Vietnam Silk House được thiết kế vừa trưng bày tơ lụa, vừa có những tư liệu, mô phỏng để khách hàng hiểu hơn về lụa Bảo Lộc và lụa Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là sân chơi để các đơn vị sản xuất tơ lụa có thể trông vào mà học hỏi lẫn nhau, tạo sự đa dạng cho sản phẩm về sau.

Để có thể “sống lại” một cách mau chóng sau cơn sụp đổ, làng lụa Bảo Lộc tập trung xuất khẩu. Do đó, dù chiếm 80% sản lượng tơ lụa Việt Nam và có chứng nhận độc quyền “Tơ lụa Bảo Lộc” nhưng lụa Bảo Lộc cũng không mấy tiếng tăm. Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty xe tơ dệt lụa Hà Bảo, một đơn vị đầu tư vào Vietnam Silk House, cho biết: “Làng lụa Bảo Lộc mới chỉ bán những tấm lụa tốt đi để phát triển, mà bán vải thì hiển nhiên có số phận vô danh. Vietnam Silk House là khởi động để những doanh nghiệp làm lụa đưa ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng để định danh với người tiêu dùng”.


 MAI VINH
 NGUYỄN HOÀNG
 BẢO SUZU