Sài Gòn ma mị nhưng đầy tình người qua góc nhìn của ‘Hai Phượng’

Những góc phố thân quen của Sài Gòn, hiện lên ma mị và lạ lẫm trong ánh sáng xanh – đỏ của “Hai Phượng”, nhưng Sài Gòn thì vẫn vậy thôi, vẫn toàn là những con người tốt, hào sảng; chỉ cần thấy có người gặp khó tự khắc ra tay cứu nguy.

 Khi mới bắt đầu phim, chúng ta được biết Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) từng là một chị đại đã về vườn. Chính vì có con nên cô không thể nào tiếp tục ở lại chốn xô bồ như Sài Gòn để tiếp tục kiếm sống và nuôi dạy con mình. Nhưng quá khứ nào có buông tha cho ai bao giờ, số phận đưa đẩy, con của cô là bé Mai (Cát Vy) bị bắt cóc bởi một đường dây buôn bán trẻ em, và rồi cuộc hành trình tìm lại con mình đã đưa cô quay lại Sài Gòn.

Một Sài Gòn đầy bí ẩn và hiểm nguy

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua thời sinh viên phải lên Sài Gòn học. Cái thời vừa đặt chân xuống mảnh đất xô bồ, lúc nào cũng đông nghịt người, khói bụi, rồi tiếng còi xe, tiếng chợ búa không khỏi khiến chúng ta sợ nơi đây. Khi xem Hai Phượng chắc chắn nhiều người sẽ có lại cảm giác đó khi qua từng khung hình, bộ phim đã khắc họa lại một Sài Gòn đầy bí ẩn và vô vàn hiểm nguy rình rập, đặc biệt là về đêm khi phố đã lên đèn.

Hai Phượng lạc lõng giữa một con hẻm Sài Gòn.

Sài Gòn về đêm như nguy hiểm và đầy rẫy những mối đe dọa đối với người mẹ đi tìm con như Hai Phượng. Qua ánh đèn xanh và đỏ đánh vào mọi ngóc ngách của những con phố, những sợi dây thần kinh của khán giả như căng thẳng hơn nhiều. Những góc phố, căn nhà của Sài Gòn trông hoàn toàn khác lạ dưới ánh đèn kỹ thuật của Hai Phượng.

Ánh đèn xanh-đỏ phủ kín những cảnh con hẻm nhỏ của Sài Gòn, khiến cảnh vật trở nên ma mị và bí ẩn.

Người mẹ tìm con như lạc vào một “mê cung” của những con hẻm Sài Gòn với những biển số nhà chồng chéo lên nhau, cô phải lang thang mất khá lâu mới có thể tìm tới ngôi nhà của Trực, manh mối đầu tiên chỉ lối cho người mẹ tìm đến với con mình. Căn nhà nằm lọt thỏm trong vô vàn hẻm hóc, lộ giới của con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người đi.

Căn nhà của gã Trực, người mà Hai Phượng đang tìm kiếm, nằm lọt thỏm trong một con hẻm.

Các phân đoạn hành động võ thuật cũng được nhúng trong thứ ánh sáng đó, khiến người xem không ngừng cảm thấy bất an. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cách sử dụng ánh sáng trong Hai Phượng có phần tương đồng với một tác phẩm hành động đình đám những năm gần đây đó là John Wick.

Ngoài ra, ánh đèn vàng vọt trong phim cũng được vận dụng rất tốt để miêu tả sự cô đơn của Hai Phượng, khi mà giữa Thành phố mà cô từng sống lại chẳng có một người quen nào sẵn lòng giúp đỡ cô tìm lại đứa con bị bắt cóc. Từ người đàn em năm xưa, cho đến người anh ruột trong nhà cũng hắt hủi cô vì những lỗi lầm cô gây ra trong quá khứ.

Ánh sáng vàng đôi lúc được dùng để miêu tả sự cô đơn, lạc lõng của Hai Phượng.

Tuy nhiên Sài Gòn vẫn thấm đẫm tình người

Xô bồ và hiểm nguy là thế ấy vậy mà những con người nơi phố thị Sài Gòn vẫn rộng mở vòng tay giúp đỡ những người cần kíp. Người Sài Gòn hào sảng thấy ai cần là giúp thôi, không cần phải suy nghĩ nhiều. Khi Hai Phượng bị đau bụng ở đồn cảnh sát, anh văn thư đã hối hả đi lấy thuốc cho cô uống ngay lập tức, hay cô đàn em cũ của Hai Phượng ở vũ trường, miệng nói không muốn dính dáng gì đến chị đâu vì sợ bị liên lụy, nhưng sau đó vẫn: “Em họ tui làm ở đồn công an, để tui giới thiệu cho chị!”. Hai Phượng tuy một mình trên chặng đường đi cứu con, nhưng cô không hề bơ vơ. Nhiều người lạ mặt hoàn toàn vẫn sẵn sàng trợ giúp cô mỗi khi nguy khốn. Cô ý tá tên Trang (Lê Trang) cũng là một bà mẹ, nhưng vẫn sẵn sàng lao vào rắc rối, giúp Hai Phượng trốn khỏi sự kiểm soát của công an và tiếp tục chặng đường tìm con.

Cô y tá dũng cảm giúp Hai Phượng thoát khỏi vòng vây của những cảnh sát.

Cảnh sát Lương lần đầu gặp cô nhưng lại sẵn lòng một thân một mình lao vào vòng nguy hiểm, chiến đấu cùng cô bất chấp hiểm nguy. Đặc biệt hơn đến cả một kẻ thù gián tiếp, một thành viên cũ trong băng nhóm buôn bán trẻ em đã “giải nghệ”, gã Trực (Phạm Anh Khoa) cũng đã động lòng và cho cô biết điều manh mối tìm đến hang ổ của bọn bắt cóc.

Trực tuy mới đầu gặp nhau đã đánh nhau với “mẹ Phượng”, nhưng sau đó cũng chỉ đường cho cô đến hang ổ của bọn bắt cóc.

Cảnh sát Lương tuy không có nghĩa vụ bảo Hai Phượng, nhưng vẫn cùng cô lao vào vòng nguy hiểm và nhiều lần giải vây cho cô.

Tạm kết

Sau cùng, khi bộ phim kết thúc chúng ta lại được thấy tình người tràn ngập, tình mẫu тử giữa cô và bé Mai càng thêm bền chặt, tình thân ruột thịt trong gia đình giữa Hai Phượng và anh trai cũng được hàn gắn. Tình bạn mới giữa bé Mai và các cô cậu bé bị bắt cóc được hình thành và còn cả cậu bé trước đó mấy ngày còn bắt nạt Mai vì cho rằng cô bé không có cha, nay đã quay sang ngưỡng mộ và cảm phục Mai vì lòng dũng cảm.

Ngoài những pha hành động mãn nhãn, võ thuật tuyệt đỉnh của môn võ cổ truyền Vovinam, Hai Phượng còn mang đến cho khán giả một câu chuyện tuyệt vời về đất Sài Gòn và tình người nơi đây, rằng cho dù cuộc sống có khó khăn thế nào, chỉ cần yêu thương và sống thật lương thiện, những điều tốt lành chắc chắn sẽ đến.

Hai Phượng hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Theo DN Express