Hy hữu ở Phú Quốc: Người đã chết vẫn ký giấy bán đất?

 

Mặc dù chủ đất đã chết từ lâu nhưng người mua đất vẫn

Tranh chấp đất từ chữ ký của người chết?

Trước đó, vào năm 2010, bà Lê Thị Ngọc Thu (trú Tổ 6, Khu phố 4, Thị trấn Dương Đông, Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho rằng, phần diện tích tranh chấp đất khoảng 101m2 (tại Khu phố 5, Thị trấn Dương Đông, Huyện Phú Quốc) vốn nằm trong khuôn viên của chùa Chuông Am, có hàng cây cổ thụ và hàng rào kẽm gai phân định với đất của người giáp ranh.

Theo bà Thu, năm 1993, bà có nhận chuyển nhượng khu đất rộng 1.840m2 của ông Trần Văn Đời tại Khu phố 5, Thị trấn Dương Đông, giáp ranh với chùa Chuông Am do ông Nguyễn Văn Mười quản lý, sử dụng. Năm 2004, bà Thu làm thủ tục hợp thức hóa chủ quyền diện tích khu đất này.

Ngày 5/4/2004, UBND huyện Phú Quốc cấp “sổ đỏ” cho bà với diện tích 1.518,5m2. Đến năm 2009 khi địa phương có chủ trương mở đường, khi đo đạc, bà Thu cho rằng, diện tích đất 101m2 trên bị ông Nguyễn Văn Mười lấn chiếm. Do vậy, ngày 12/2/2010 bà Thu làm đơn khởi kiện đòi lại phần đất 101m2 này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Hùng – người đại diện ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Mười cho rằng, nguồn gốc diện tích đất 96m2 như bà Lê Thị Ngọc Thu nói là do ông Nguyễn Văn Mười khai khẩn năm 1959, nằm trong khuôn viên chùa Chuông Am, giáp ranh với đất của bà Thu nhận chuyển nhượng. Phần ranh giới đất giữa hai bên là hàng cây cổ thụ và hàng rào kem gai được rào từ trước đến nay.

Ranh giới phần đất này đã được người dân địa phương cũng như những người từng nhận chuyển nhượng trước đó từ gia đình ông Trần Văn Đời đều biết. Tuy nhiên trong quá trình tranh chấp chờ giải quyết, bà Thu tự ý tháo dỡ hàng rào cũ di dời qua phần đất của ông Mười. Sau đó ông Mười có đơn báo chính quyền địa phương can thiệp, còn bản thân ông Mười không tự ý di dời hàng rào, lấn chiếm đất như bà Thu đã nêu ra.

Chưa hết, theo ông Nguyễn Minh Hùng, việc bà Thu trình bày nguồn gốc đất là không rõ ràng và hợp pháp. Cụ thể, phần diện tích bà Thu đang sử dụng vào năm 1978, vợ của ông Trần Văn Đời chuyển nhượng cho ông Có. Đến năm 1986, ông Có chuyển nhượng cho ông Hồ Văn Khương. Năm 1989, ông Khương tiếp tục chuyển nhượng phần đất này cho một người khác.

Năm 1991, người nhận chuyển nhượng này mới nhượng lại phần đất này cho Bà Thu. Tuy nhiên, sau đó ngày 9/10/1992, ông Thái Ngọc Lý (chồng bà Lê Thị Ngọc Thu) lập hợp đồng tay nhận chuyển nhượng nhà đất của ông Trần Văn Đời. Mặc dù ông Đời đã mất từ lâu (năm 1976) nhưng trong bản hợp đồng viết tay vẫn có chữ ký của ông Đời ký sang nhượng.

Thậm chí, để hợp thức hóa việc chuyển nhượng đất này, ngày 29/6/1993, bà Thu có đơn xin sang nhượng có xác nhận của chính quyền địa phương, người sang nhượng đất vẫn là ông Trần Văn Đời đứng tên ký bán.

Giấy chuyển nhượng đất không có căn cứ

Thế nhưng, tại bản án dân sự sơ thẩm số 26/2012/DSST ngày 17/9/2012, TAND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lại quyết định chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà Lê Thị Ngọc Thu và buộc ông Nguyễn Văn Mười tháo dỡ công trình trên đất và trả lại cho bà Thu diện tích đất 101m2.

Không chấp nhận quyết định trên, ngày 26/9/2012 ông Nguyễn Văn Mười có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 72/2013/DSPT và ngày 29/3/2013 TAND tỉnh Kiên Giang quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông Mười. Đồng thời, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 26/2012/DSST ngày 17/9/2012 của TAND huyện Phú Quốc.

Sau khi xét sử phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Mười có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại Kháng nghị số 27/2016/KN-DS ngày 1/3/2016, Chánh tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án phúc thẩm và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2012/DSST ngày 17/9/2012 của TAND huyện Phú Quốc. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Sau khi xem xét vụ án, Ủy ban thẩm phám – TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, việc bà Lê Thị Ngọc Thu xuất trình giấy chuyển nhượng đất được lập giữa ông Trần Văn Đời và bà Thu vào năm 1993 là không có căn cứ, bởi thời điểm lập giấy chuyển nhượng này thì ông Đời đã chết. Do đó, không thể căn cứ vào nội dung giấy chuyển nhượng đất nêu trên để xác định diện tích.

Đồng thời, theo Ủy ban thẩm phám – TAND cấp cao tại TP.HCM, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa yêu cầu bà Thu xuất trình chứng cứ để chứng minh những nội dung trên là chưa thu thập đầ đủ chứng cứ cho việc giải quyết vụ án.

Hơn nửa, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không thu thập chứng cứ, xác minh làm rõ sự tồn tại của ranh giới hàng cây cổ thụ và hàng rào kẽm gai mà chỉ căn cứ vào diện tích đất bà Thu đang sử dụng để buộc ông Mười trả lại phần đất là không có căn cứ.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 343, khoản 1 và khoản 2 Điều 345 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TAND tối cao, ngày 9/9/2016, Ủy ban thẩm phám – TAND cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định giám đốc thẩm số 230/2016/DS-GĐT về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Theo quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 27/2016/KN-DS ngày 1/3/2016 của Chánh TAND tối cao. Đồng thời hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 72/2013/DSPT ngày 29/3/2013 của TAND tỉnh Kiên Giang và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2012/DSST ngày 17/9/2012 của TAND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Ngọc Thu với bị đơn là ông Nguyễn Văn Mười; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Thái Ngọc Lý.

Ngoài ra, trong quyết định giám đốc thẩm còn nêu rõ giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Trung Cường/ DNTH