Nghệ sĩ Quế Trân, Đào Vũ Thanh, Võ Minh Lâm hội ngộ trong “Hai mảnh trăng tình”

Lấy chủ đề về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, “Hai Mảnh Trăng Tình” lại mang câu chuyện tình yêu thời cận đại. Vì hoàn cảnh đất nước chia cắt vào năm 1954, thời thế đưa đẩy, những người trẻ yêu nhau phải đứng ở hai bên chiến tuyến. Đến lúc gặp lại nhau, tình bạn chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khoảng cách và xóa nhòa “biên giới”. Đó là câu chuyện của ba người bạn học: Tấn Thanh, Thu Nguyệt và Thạch Hiếu.

Từ trái qua: Nghệ sĩ Võ Minh Lâm – NSƯT Quế Trân – NSƯT Đào Vũ Thanh

Tấn Thanh, vì “nợ nước thù nhà” còn mang nặng, phải gác tình riêng với Thu Nguyệt, sang sông vào chiến khu cùng đoàn quân giải phóng và có tin anh đã hy sinh. Thu Nguyệt và Thạch Hiếu ở lại hậu phương, duyên nợ thành đôi vợ chồng và làm việc cho chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

Một ngày nọ khi Tấn Thanh về lại hậu phương, gặp lại Thu Nguyệt và Thạch Hiếu, tưởng rằng hai bên khó ngồi lại với nhau, nhưng giữa họ đã cho nhau sự đồng cảm rất chí tình chí nghĩa. Họ đã chứng minh tình bạn của họ tồn tại mãi theo năm tháng.

NSƯT Quế Trân – NSƯT Đào Vũ Thanh trong “Hai mảnh trăng tình” (Ảnh chụp từ phim trường)

NSƯT Quế Trân – Nghệ sĩ Võ Minh Lâm trong “Hai mảnh trăng tình”

Lớp diễn của NSƯT Mỹ Thu cùng nghệ sĩ Võ Minh Lâm

“Hai Mảnh Trăng Tình” tuy là thể loại cải lương – nhưng được xây dựng bằng cách viết riêng, trong đó phần kịch được tô đậm ngang ngữa phần ca, và hoạt cảnh tiết tấu nhanh cũng được đạo diễn khai thác để điểm xuyết cho vở. Những bài ca vọng cổ trong vở diễn cũng được biên tập Đăng Minh điều tiết cho ngắn gọn lại nhằm làm mới theo cách dựng tuồng cải lương thời nay.

Nghệ sĩ Khánh Tuấn – Nghệ sĩ Võ Minh Lâm – Nghệ sĩ Lý Thu

Trong tuồng hầu như không có vai thừa. Tất cả các nhân vật đều có đất diễn, có giá trị gieo sinh khí cho tuồng, thể hiện đúng từng nhiệm vụ mà kịch bản giao phó, chính vì thế các lớp tuồng phụ cũng tạo ra được sự cuốn hút riêng.

Khi dàn tập, các nghệ sĩ đã phối hợp hết sức ăn ý, trau chuốt từng chi tiết nhỏ, mỗi lần xuất hiện đều nhịp nhàng tương tác nhau, tạo sức hút cho vai diễn.

“Mảnh trăng” trong kịch phẩm là vật hữu hình, nhưng khi khoác áo tình yêu, “Trăng Tình” hóa thành hình tượng để tác giả dựa vào mà tả ý. Lúc này, “Trăng” đã mang một sứ mạng khác nữa, là làm cầu nối giao thoa tâm tưởng của các nhân vật trong câu chuyện.

NSƯT Quế Trân và NSƯT Đào Vũ Thanh trong lớp ca diễn “Hai Mảnh Trăng Tình”

“Hai Mảnh Trăng Tình” được xác lập quay với màn hình led kết hợp cách dựng cảnh quen thuộc trong phim trường, cảnh động từ màn hình đã tạo hứng thú cho người xem và cũng đồng thời mang đến một sinh khí mới khi xem tuồng sân khấu với nền cảnh phim miêu tả làng quê Bình Dương hết sức quen thuộc và sống động.

Để làm được tròn trịa tất cả các khâu cho giai đoạn thu hình, ê kíp thực hiện đã bỏ nhiều tâm huyết, quên mình dưới gió mưa, bất chấp khó khăn, đi quay nhặt hình ảnh phù hợp từ các nơi mang về xử lý vi tính tại Đài. Quá trình thu hình đội ngũ ê kip đã thể hiện một cái tâm trong khi làm việc để đáp lại cái tâm của nghệ sĩ đến tham gia vở, nhờ vậy, vở diễn đã rở thành tác phẩm chung của tập thể.

Cảnh đưa thanh niên qua chiến khu D

Dù là một sản phẩm sân khấu truyền hình, nhưng “Hai Mảnh Trăng Tình” đã mang đến một kỷ niệm đẹp cho hoạt động nghề nghiệp vào những ngày cuối năm của đạo diễn Hồng Yến, cũng như các nghệ sĩ tham gia vào dự án. Đối với Đài Truyền Hình Bình Dương, khi có thêm vở nào được dàn dựng phục vụ khán giả thì đều là tín hiệu tốt, điều đó mang giá trị khơi gợi sự quyết tâm góp sức gìn giữ bộ môn sân khấu cải lương của quê nhà đang nguy cơ bị lãng quên dần trước khuynh hướng giải trí hiện nay của lớp khán giả trẻ so với các loại hình giải trí sân khấu khác.

“Hai mảnh trăng tình” với những lớp cảnh nhỏ

Vở cải lương Hai Mảnh Trăng Tình đã vinh dự được phát chiếu đúng 23 giờ 18 phút ngày 30-1-2018 vừa qua, nhằm kỷ niệm đúng thời khắc nổ súng cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 cách đây 50 năm trước. Cũng có thể xem đây là đánh dấu thú vị khó quên của dàn nghệ sĩ tham gia vở diễn này. Sắp tới, “Hai Mảnh Trăng Tình” cũng có lịch phát sóng phục vụ khán giả trong các ngày xuân Mậu Tuất (kênh BTV1 ngày 10-2-2018, lúc 22 giờ 45 phút; ngày 12-2-2018, lúc 21g 10 phút; ngày 24-2-2018, lúc 22g 45 phút).

Ê kip thực hiện tác phẩm đã gửi tâm huyết và tình cảm của mình trong khi thực hiện vở, vượt qua nhiều trở ngại để thành công vở diễn đúng dịp phục vụ kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Mậu Thân, những mong khán giả gần xa đón nhận câu chuyện trong vở – gắn liền với quê hương Bình Dương cũng như con người Bình Dương vào thời chiến.

Hoạt cảnh hành động của tuồng “Hai mảnh trăng tình”

Vừa qua, Đài PTTH Bình Dương cũng đã tổ chức buổi giao lưu cùng ông Nguyễn Thanh Bền – nguyên cán bộ Thông tấn xã Việt Nam – nhân vật tạo cảm hứng cho tác giả soạn vở cải lương “Hai Mảnh Trăng Tình”. Trong buổi giao lưu còn có sự tham gia của nghệ sĩ Đào Vũ Thanh, Võ Minh Lâm… – những nghệ sĩ đóng vai chính trong vở diễn trên và tác giả của kịch bản tuồng “Hai Mảnh Trăng Tình”.

Hình ảnh buổi giao lưu cùng Đài PTTH Bình Dương: Nghệ sĩ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Đào Vũ Thanh (bìa phải)

Ông Nguyễn Thanh Bền (áo trắng) cùng các nghệ sĩ

Theo chia sẻ của tác giả, ban đầu Thùy Yên chỉ dự định viết một câu chuyện tình bị chia cắt bởi chiến tranh. Nhưng trong quá trình thực tế cùng Hội Điện Ảnh và Hội Sân Khấu TP.HCM ở Chiến Khu D và Trung Ương Cục Miền Nam – chính khi hiểu những hoạt động của các chiến sĩ trong cuộc chiến – chị đã để dòng câu chuyện chảy theo mạch cảm xúc thật mà vốn dĩ phải có. Và với chất liệu có thật cùng những còn người có thật, tác giả có cơ hội xây dựng câu chuyện chắc tay và đầy cảm xúc. Đối với chị đây là một món quà ý nghĩa lớn nhất cho mùa sáng tác 2017 vừa qua.

Su Bi