Một nhân viên Google vừa phá kỷ lục thế giới cũ về đếm số pi, và dường như chưa đủ ấn tượng: cô phá kỷ lục để kỷ niệm ngày duy nhất trong năm liên quan tới số 3,14, tháng Ba ngày 14. Cô Emma Haruka Iwao mất 4 tháng để chuẩn bị và hoàn thiện màn biểu diễn. Hiển nhiên là cô thành công, ta mới có mẩu tin thú vị này, cô Iwao đã tính được 31,4 triệu triệu chữ số.
Trong Toán học, số Pi là một “nhân vật” đặc biệt. Nó là một hằng số vô tỷ không tuần hoàn, kéo dài tới vô tận. Người ta tính số Pi bằng cách chia chu vi một đường tròn cho đường kính của nó, được kết quả 3,1415926535897 … . Có nhà toán học nói rằng bất kỳ dãy số nào cũng có thể nằm trên dãy số vô tận của Pi, khả năng của Pi là vô tận.
Kỷ lục đếm số Pi được lập từ văn phòng của Google ở Osaka, Nhật Bản, nơi cô Iwao làm việc dưới danh nghĩa lập trình viên phần mềm cho dự án Google Cloud. Cũng là lẽ hiển nhiên, Iwao sử dụng 25 node mạng của dịch vụ điện toán đám mây Google Cloud để tính ra được con số khổng lồ. Đây cũng là số Pi đầu tiên được tính bằng cloud.
Hôm thứ Tư vừa rồi, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã chính thức xác nhận thành tựu của Emma Haruka, biến cô thành người phụ nữ thứ ba nhận được vinh dự này. Trong lần lập kỷ lục trước, Peter Trueb đã đếm số Pi lên được 22,4 triệu triệu chữ số.
Google công bố thông tin trên vào đúng ngày Pi, ngày 14 tháng Ba. “Đây là giấc mơ của tôi từ ngày bé, giấc mơ đeo đuổi suốt tháng ngày, được phá kỷ lục đếm số Pi“, Iwao trả lời phỏng vấn CNN. Cô đã rèn luyện từ năm 12 tuổi để có được ngày này. Năm 12 tuổi, cô lần đầu tiên tải về máy tính của mình phần mềm tính số Pi.
Iwao còn kể cô nhận được sự giúp đỡ từ Alexander Yee, người phát minh ra phần mềm “y-cruncher” để tính số Pe và nhiều hằng số khác. Giáo sư dạy dỗ cô và cũng là một người từng giữ kỷ lục quý báo trên, Daisuke Takahashi, đã giúp đỡ tận tình và chỉ ra các cách thức dễ nhất để đạt được kỷ lục.
Sự kiện này có ba điểm đáng chú ý:
– Cô Iwao lập được kỷ lục thế giới và đạt được giấc mơ thuở ấu thơ.
– Đây là một màn trình diễn sức mạnh Google Cloud ấn tượng.
– Đây là minh chứng cho thấy điện toán đám mây đã tiến xa mức nào.
Ngày nay, một người có thể tải về toàn bộ 31,415,926,535,897 chữ số để thử nghiệm thế nào tùy thích. Ngày “low-tech” của xưa kia, người ta đã phải cho nhau mượn cả ổ cứng để chứa vừa được một phần nhỏ của số Pi, một phần nhỏ của vô tận.
“Chúng tôi vẫn liên tục đầu tư vào điện toán đám mây, theo thời gian, dự án đã được cải thiện nhiều“, Iwao tự hào nói. “Mong trong tương lai, chúng tôi có thể đạt được sức mạnh xử lý còn lớn hơn nhiều ngày hôm nay“.
Bên cạnh tận mắt nhìn thấy số Pi trên màn hình, Google con cho bạn trải nghiệm một số dự án rất thú vị như nghe âm thanh Pi, xem Pi trình diễn dưới dạng hình ảnh ra sao.
Theo Genk.Vn