TS. Đào Lê Na ra mắt sách “Chân trời của hình ảnh, từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira”

Ngày 27/10/2017, tại Sân khấu chính đường sách Nguyễn Văn Bình đã diễn ra sự kiện giao lưu và ra mắt sách “Chân trời của hình ảnh, từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira” của tiến sĩ Đào Lê Na, do CLB Sân khấu và Điện Ảnh thuộc Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức.

Mặc dù ấn phẩm này là sách nghiên cứu và tổ chức trong khung giờ làm việc của một ngày trong tuần, nhưng buổi giới thiệu sách đã thu hút được hơn 60 người tham dự. Đây cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho sự quan tâm của độc giả đối với sách nghiên cứu, đặc biệt là sách liên quan đến điện ảnh.

Thành viên CLB Sân khấu và Điện ảnh hát ca khúc Ngồi hát đỡ buồn để mở màn

Khách mời danh dự của buổi trò chuyện là nhà văn Nhật Chiêu và nhà làm phim Phan Gia Nhật Linh. Cả ba diễn giả đã có sự hội ngộ trùng hợp bởi thời điểm này một năm trước, họ đã gặp nhau lần đầu tiên cũng trong toạ đàm về văn học và điện ảnh.

Tên sách là món quà mà nhà văn Nhật Chiêu gửi tặng tác giả Đào Lê Na. Chân trời của hình ảnh là ẩn dụ về sự đa nghĩa của hình ảnh mà người đọc cần phải tìm tòi khám phá. Chân trời là cái mà ai cũng hướng tới nhưng không ai xác định được nó có hình dạng ra sao. Hình ảnh trong phim cũng vậy. Người xem phải sử dụng rất nhiều kiến thức nhưng cũng chưa thể giải mã được hết ý nghĩa của nó.

Nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ về sách Chân trời của hình ảnh

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá rất cao ấn phẩm này. Anh cho rằng, bản thân mình cũng học hỏi được nhiều điều qua sự phân tích những tác phẩm điện ảnh trong công trình. Theo anh, đây là tư liệu quý giá cho cả khán giả xem phim thông thường lẫn các nhà làm phim và hoàn toàn phù hợp với Tủ sách điện ảnh của đạo diễn Việt Linh mà anh là một trong những người tham gia xây dựng.

Cả nhà văn Nhật Chiêu và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đều đồng ý rằng đây không phải là sách hoàn toàn dễ đọc đối với số đông độc giả nhưng cũng không phải là sách viết theo văn phong khô khan, học thuật, nặng về lý luận. Tác giả đã chỉnh sửa lại công trình bằng cách làm rõ những vấn đề lý thuyết thông qua những ví dụ cụ thể, cập nhật, được viết bằng văn phong trau chuốt, giàu chất thơ. Sự dung hoà giữa tính hàn lâm và tính đại chúng sẽ giúp cho tác phẩm tiếp cận được nhiều người đọc hơn và bản thân người đọc cũng có thể mở rộng sự hiểu biết của mình về cải biên học thông qua các lý thuyết: liên văn bản, giải kiến tạo, phiên dịch học, văn hoá học và thông qua phim của Kurosawa Akira.

Rất đông độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách

Trong buổi giao lưu, tác giả đã chia sẻ lý do mình lựa chọn theo đuổi lĩnh vực điện ảnh và lựa chọn Kurosawa Akira để nghiên cứu. Tác giả đồng thời giải thích lý do tại sao mình sử dụng thuật ngữ cải biên thay cho chuyển thể và khuyên bạn đọc không nên so sánh phim hay hơn hay truyện hay hơn bởi vì bộ phim thực tế chỉ là một cách đọc của đạo diễn mà thôi.

Tác giả Đào Lê Na chia sẻ về sách

Sách Chân trời của hình ảnh – Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề cải biên học, xem xét quá trình cải biên một tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh một cách triệt để từ phương diện lý thuyết. Tính trung thành trong nghiên cứu phim cải biên bị bác bỏ. Thuật ngữ chuyển thể được thay thế bằng thuật ngữ cải biên. Phương pháp so sánh truyền thống giữa một tác phẩm văn học và một tác phẩm điện ảnh cải biên từ văn học bị hoài nghi, chất vấn. Phim cải biên được nhìn nhận là một tác phẩm điện ảnh độc lập so với tác phẩm văn học mà nó cải biên. Sự sáng tạo của đạo diễn trong tác phẩm cải biên được đề cao. Tác phẩm điện ảnh cải biên thực chất là sự đối thoại lại với nhà văn của các nhà làm phim.

Sách được trưng bày tại khu vực giới thiệu

Sách được chia thành ba phần:

Phần 1: Sự phức hợp của các lý thuyết. Phần này sẽ nhìn nhận cải biên học trong sự phức hợp của các lý thuyết: liên văn bản, giải kiến tạo, văn hóa học và phiên dịch học. Liên văn bản cho thấy sự dịch chuyển các ký hiệu từ văn bản nguồn là tác phẩm văn học đến văn bản đích là tác phẩm điện ảnh. Từ góc nhìn giải kiến tạo, tác phẩm điện ảnh cải biên sẽ được trả lại vị trí của chính nó, tức là mối quan hệ thứ bậc của tác phẩm nguồn và tác phẩm phái sinh, văn bản trước và văn bản sau sẽ bị xóa nhòa, thay vào đó là mối quan hệ đồng đẳng của các loại hình nghệ thuật, của sân chơi liên văn bản. Từ góc nhìn văn hóa học sẽ cho thấy hệ tư tưởng mang tính thống trị xã hội tác động đến quan điểm của những nhà làm phim. Từ góc nhìn của phiên dịch học, việc cải biên tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh được xem là một kiểu dịch liên ký hiệu, do đó tính tương đương cũng được xem xét trong quá trình nghiên cứu cải biên.

Phần 2: Một góc nhìn mới từ văn học đến điện ảnh. Ở phần này, lần đầu tiên, cải biên học được giới thiệu và đề cập một cách toàn diện từ mối quan hệ của văn học và điện ảnh, từ tác giả cải biên, tác phẩm cải biên và người đọc, người xem. Những vấn đề, những quan niệm sai lầm khi nghiên cứu tác phẩm cải biên được giải thích trên cơ sở lý luận. Sự tiếp nhận tác phẩm văn học và quá trình tái sáng tạo được luận giải cặn kẽ.

Phần 3: Kurosawa Akira – nhà làm phim và nhà cải biên bậc thầy. Phần này nghiên cứu về Kurosawa Akira bằng lý luận cải biên thông qua những thể loại tiêu biểu được cải biên là: truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản văn học.

Bìa sách “Chân trời của hình ảnh – Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira” được trình bày đầy sáng tạo

Nhận xét về ấn phẩm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phát biểu: “Phim chuyển thể – từ chất liệu văn học, sân khấu, ngay cả từ một bộ phim khác – là một phần quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh. Bằng một góc nhìn học thuật chuyên môn, đào sâu vào thể loại này – mà Đào Lê Na đã gọi lại tên “phim cải biên” để sát với nghĩa hơn – cuốn sách “Chân trời của hình ảnh” còn độc đáo và thú vị khi phân tích dòng phim này qua các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa. Với một kho tư liệu đồ sộ cùng nhiều góc nhìn mới lạ về rất nhiều tác phẩm điện ảnh của thế giới, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, trải rộng từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á và cả đến Việt Nam, cuốn sách đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa rộng, vừa sâu về hai đề tài được hoà quyện một cách gắn bó đặc biệt: phim cải biên và những tác phẩm của Akira Kurosawa.”

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về sách

Từ góc độ văn học, nhà lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học Trương Đăng Dung đã đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của tác giả Đào Lê Na: “Đi từ diện đến điểm, từ hệ thống đến bộ phận, công trình đã xuất phát từ sự phức hợp của các lý thuyết đến cải biên học và cuối cùng là nhà cải biên bậc thầy, Kurosawa Akira. Tôi đánh giá cao khả năng diễn giải và lập luận của tác giả. Công trình có những trang viết sắc sảo thể hiện năng lực cảm thụ văn học và điện ảnh cùng những tri thức văn hoá đa dạng của người viết. Tác giả đã thuyết phục được người đọc rằng: đạo diễn điện ảnh cũng là một trong số những người đọc văn học, đã cải biên một văn bản văn học thành tác phẩm điện ảnh. Cải biên như thế nào là sự phản ánh một cách đọc và diễn giải văn bản của người đạo diễn với những công cụ đặc trưng của điện ảnh.”

Độc giả, tác giả, khách mời chụp hình lưu niệm

Về tác giả Đào Lê Na

Tác giả Đào Lê Na là giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV. Với luận văn Lý thuyết cải biên học: từ văn học đến điện ảnh – Trường hợp Kurosawa Akira, cô đã trở thành Tiến sĩ khi chỉ mới 29 tuổi. Cô chuyên nghiên cứu về nghệ thuật điện ảnh, lý thuyết nghệ thuật, nghệ thuật ứng dụng,… Bên cạnh đó, cô từng tham gia khóa Thạc sĩ Quản lý Nghệ thuật ở Đài Loan với luận văn tốt nghiệp “South Country – South of Country” và từng là học viên chuyên ngành Biên kịch của dự án điện ảnh, Quỹ Ford tại Hà Nội. Ngoài ra, cô còn viết kịch bản cho một số chương trình truyền hình, đặc biệt là kịch bản cho chương trình Chuyện bốn mùa trên HTV.

Chân dung tác giả Đào Lê Na

Năm 2016, cô sáng lập CLB Sân khấu và Điện ảnh tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh với mong muốn mang đến một sân chơi chuyên nghiệp về sân khấu, điện ảnh cho các bạn trẻ đồng thời cũng là nơi thực tập, hướng nghiệp cho các bạn sinh viên thông qua các kỹ năng được đào tạo, bồi dưỡng từ các chương trình của CLB và các buổi workshop. Tuy mới thành lập nhưng CLB Sân khấu và Điện ảnh đã thu hút hơn 100 thành viên đến từ các ngành học và các trường học khác nhau trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. CLB Sân khấu và Điện ảnh với định hướng theo đuổi nghệ thuật hàn lâm đã giành được nhiều thiện cảm từ những người làm nghệ thuật nghiêm túc.

Năm 2017, TS. Đào Lê Na sáng lập và là trưởng ban tổ chức cuộc thi làm phim ngắn FY dành cho các nhà làm phim trẻ trong cả nước. Liên hoan phim đã thu hút được hơn 50 phim ngắn đạt chất lượng tốt. Cuối năm 2017, TS Đào Lê Na và CLB Sân khấu và Điện ảnh sẽ ra mắt Sân khấu kịch Văn khoa và công diễn tác phẩm Chim hải âu của Chekhov với mong muốn đưa những tác phẩm kịch kinh điển lên sân khấu.

Tác giả Đào Lê Na ký tặng sách

Cũng trong năm 2017, TS Đào Lê Na đã trở thành học giả đầu tiên phát biểu về điện ảnh lịch sử Việt Nam tại Hội nghị thường niên châu Á lớn nhất thế giới. Đề tài: “Căn tính dân tộc trong mâu thuẫn – Vấn đề tái kiến tạo vua Lý Thái Tổ trên màn ảnh” đã thu hút sự chú ý của các thành viên tiểu ban. Tiếp theo đó, TS Đào Lê Na đã tham gia vào dự án nghiên cứu cộng sinh của Japan Foundation, đưa phim Kurosawa Akira đến giới thiệu tại Mỹ để tìm hiểu việc tiếp nhận Kurosawa Akira hiện nay.

Năm 2018, TS Đào Lê Na sẽ làm trưởng tiểu ban của một đề tài nghiên cứu Cải biên văn chương điện ảnh như là đối thoại xuyên quốc gia tại Hội nghị Thường niên châu Á lớn nhất thế giới AAS tổ chức ở Washington D.C, Mỹ. Tiểu ban thu hút sự quan tâm của các học giả đến từ các trường đại học lớn của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hongkong. Tại tiểu ban này, cô sẽ trình bày đề tài nghiên cứu về tính đối thoại xuyên quốc gia trong phim Kurosawa Akira.

Lăng Đức Lợi