10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam tiêu biểu 2018

Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu 10 sự kiện di sản văn hóa tiêu biểu năm 2018 do Tạp chí bình chọn.

1. Hoàng Hoa sứ trình đồ được ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO tại Gwangju, Hàn Quốc, đã nhất trí ghi danh hồ sơ Hoàng Hoa sứ trình đồ vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Hoàng hoa sứ trình đồ là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ XVIII, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

2. Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu

Vào 12h56 giờ Paris ngày 12-4 (17h56 giờ Việt Nam), Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.

Thác Bản Giốc – thắng cảnh đẹp nằm trong Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

3. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững.

Ngày 27-7-2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự, chủ trì và phát biểu tại Hội nghị. Hội nghị đánh giá tình hình di sản thế giới tại Việt Nam và công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

4. Chính phủ ban hành Nghị định mới về tổ chức và quản lý lễ hội

Ngày 29-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Nghị định gồm 4 chương, 24 điều, có hiệu lực từ ngày 15-10-2018.

5. Lần đầu tiên trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam.

Lễ trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được tổ chức vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11-2018. Đây là lần đầu tiên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam xét và trao tặng Kỷ niệm chương cho những người có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá Việt Nam và những người có đóng góp xuất sắc vào việc xây dựng và phát triển Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

6. Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di cốt người tiền sử trong hang núi lửa

Các nhà địa chất và khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện về di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, hang động núi lửa đã được các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu toàn diện bằng nhiều phương pháp, xác lập đầy đủ các giá trị di sản tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học) và văn hóa (khảo cổ học) cho loại hình di sản hang động núi lửa.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá đây là phát hiện chấn động, mở ra bước ngoặt mới trong ngành cổ nhân học của Việt Nam.

7. Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể châu Á – Thái Bình Dương 2018 được tổ chức tại TP Huế.

Từ ngày 06 – 08/11/2018, tại Thành phố Huế diễn ra Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể tại châu Á – Thái Bình Dương 2018 với chủ đề Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững. Đây là hội nghị thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju, Hàn Quốc, vào tháng 11-2016. Tham dự Hội nghị có đại diện của 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn tại Hội nghị.

8. UNESCO phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức công bố Báo cáo toàn cầu năm 2018.

Báo cáo toàn cầu của UNESCO là công cụ giám sát việc thực hiện Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đây là báo cáo lần thứ hai ghi nhận các kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, chia sẻ các bài học kinh nghiệm và các thực hành tốt của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như phân tích các khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại kể từ khi báo cáo lần thứ nhất được công bố vào năm 2015.

Báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018 có chủ đề: “Tái định hình các chính sách văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển”.

9. Dành khoảng 4.000 tỷ đồng để di dân, giải phóng mặt bằng Khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế.

Ngày 7-12, tại Kỳ họp thứ 7, khóa VII, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế với tổng kinh phí di dời khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đề án này được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2019 đến 2021 triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi Di tích Kinh thành Huế gồm: Tường thành, các eo bầu, hộ thành hào… với hơn 2.900 hộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022 đến 2025 di dời hơn 1.200 hộ dân ở các khu vực còn lại.

10. Số hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tăng đột biến so với nhiều năm gần đây, đặc biệt là từ các mô hình tư nhân, ngoài công lập thể hiện sự quan tâm đến di sản và ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ngày càng được cộng đồng quan tâm.

5 vấn đề “nóng” về di sản văn hóa tạo sự chú ý của dư luận trong năm 2018

1. Việc “cấp sổ đỏ” liên quan đến Di tích quốc gia Khu nhà Vương, tỉnh Hà Giang

Ngày 11-9-2012, tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với Di tích quốc gia Khu nhà Vương. Sáu năm sau, ngày 21-7-2018, đại diện dòng họ Vương đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ về việc này. Ngày 16-8-2018 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL báo cáo về vụ việc. Sau khi xem xét báo cáo của tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL, ngày 31-10-2018 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Giang thu hồi sổ đỏ đã cấp vì đã cấp sai quy định của pháp luật, đồng thời tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ cho dòng họ Vương theo đúng quy định của pháp luật.

2. Về vị trí của Ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 – Hà Nội

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ cuối 2008. Tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long, điểm cuối trên đường phố Huế. Trong số các ga ngầm thì ga C9 – ga hồ Hoàn Kiếm đã gây lên những ý kiến trái chiều.

Cuối tháng 8-2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN và NÐ của Quốc Hội) đã có Văn bản gửi UBTV Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm: Nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 đã xâm phạm vào di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Mặc dù  ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9 nhưng Bộ VHTTDL cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía đông của Hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích. UBND TP Hà Nội cũng đã có Văn bản số 4950/UBND-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình quy hoạch ga ngầm C9 và đề nghị xem xét lại ý kiến của Ủy ban VHGDTNTN và NÐ của Quốc hội, chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng VHTTDL tiếp tục xem xét, có văn bản đồng ý với quy hoạch ga ngầm C9. Được biết trước đó, ngày 29-5-2017 Bộ VHTTDL có văn bản đề nghị UBND TP HN báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

Hiện Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có quyết định về vấn đề này.

3. Xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) – thuộc vùng lõi quần thể Danh thắng Tràng An.

Sau khi báo chí phát hiện và đồng loạt lên tiếng về vụ Cty CP Du lịch Tràng An xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) thuộc vùng lõi quần thể Danh thắng Tràng An, các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL và Ninh Bình đã tiến hành thanh tra việc xây dựng này và kết luận: đây là hành vi xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định thuộc Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ rừng, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và quyết định phê duyệt về Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An – Ninh Bình của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận thanh tra buộc doanh nghiệp Cty Cổ phần Du lịch Tràng An phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép nói trên.

4. Phá dỡ hay bảo tồn Dinh Thượng Thơ (TP HCM)?

Tháng 4-2018, phương án thiết kế công trình mở rộng trụ sở HĐND và UBND TP. HCM được đưa ra triển lãm đã làm bùng lên một làn sóng ý kiến phản đối phá dỡ công trình kiến trúc cổ dinh Thượng Thơ. Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và nhiều văn nghệ sĩ TP. HCM đã cùng cộng đồng kêu gọi bảo tồn dinh Thượng Thơ. UBND TP. HCM  đã chỉ đạo việc tổ chức hội thảo xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình này. Hội thảo diễn ra cuối tháng 9-2018, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đề nghị cần bảo tồn nguyên vẹn công trình này bởi nó hội đủ các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan đô thị và thậm chí cả tính pháp lý. Tiếp nhận các kiến nghị, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo UBND TP. HCM.

Tuy nhiên, cho đến nay, dư luận vẫn chưa biết “số phận” của dinh Thượng Thơ sẽ được bảo tồn hay phá dỡ?

5. Đình cổ 300 tuổi bị xây mới

Cuối tháng 7-2018, đình Lương Xá 300 tuổi (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội) bị xây mới trở thành điểm nóng của dư luận. Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện ngành VHTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và đình chỉ thi công. Ngày 1-8-2018, UBND huyện Ứng Hòa lập biên bản kiểm kê, niêm phong toàn bộ hiện vật. Ngày 13-8-2018, UBND TP HN có Văn bản chỉ đạo việc kiểm điểm xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm quy định. Ngày 14-9, Sở VHTT Hà Nội đã phối hợp với  các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành kiểm kê, đánh giá và phân loại các cấu kiện, các mảng chạm, khắc của đình Lương Xá để giúp địa phương này xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ theo quy định.

Thế giới Di sản