Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho rằng trường hợp người dân phát hiện loại rắn hổ mây nằm trong diện tích đất đang thuộc quyền sở hữu nhưng vì sợ nguy hiểm đến tính mạng nên bắt rồi tự nguyện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì không có vấn đề gì phải xử lý họ.
Ngày 15-5, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh này để nơi đây xem xét xử lý những vấn đề có liên quan đến việc một doanh nghiệp đang nuôi nhốt 2 con rắn hổ mây tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm xác nhận đây là loại rắn hổ mây hay còn gọi là hổ mang chúa nhưng trọng lượng mỗi con chỉ khoảng 18 kg
Kết quả xác minh cho thấy tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp (thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có nuôi giữ 2 cá thể rắn. Trọng lượng mỗi con chỉ khoảng 18 kg chứ không như thông tin báo chí phản ánh trước đó. Theo nhận dạng của cán bộ chuyên môn thì đây là rắn hổ mây (hay còn gọi là hổ mang chúa) và nằm nhóm động vật quý hiếm thuộc nhóm 1b nên nghiêm cấm khai thác, buôn bán với mục đích thương mại. Qua làm việc với các ngành chức năng, đại diện phía doanh nghiệp cho rằng trong quá trình thi công hệ thống điện mặt trời tại khu vực dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thì nhóm kỹ sư và công nhân phát hiện 2 con rắn này nên đuổi đi để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do 2 con rắn này không “tự ý” rời đi nơi khác nên nhóm người này vây bắt rồi đem về Khu Du lịch Đồi Tức Dụp nuôi giữ nhưng chưa báo cáo vụ việc hay xin phép ngành chức năng theo quy định.
“Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp các tài liệu cùng các văn bản vi phạm pháp luật để làm báo cáo gửi UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến của các ngành chức năng có liên quan để nơi đây đưa ra hướng giải quyết vụ việc như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Cơ quan chức năng chỉ tịch thu khi nào có người đi săn bắt trái phép rồi đem về làm thịt hoặc bán lại cho người khác vào mục đích nào đó. Trường hợp người dân phát hiện loại rắn này nằm trong diện tích đất đang thuộc quyền sở hữu nhưng vì sợ nguy hiểm đến tính mạng nên bắt rồi tự nguyện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì không có vấn đề gì phải xử lý họ”, ông Hòa khẳng định.
Trong diễn biến khác có liên quan, ông Nguyễn Bảo Trung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang, cho biết mới đây lãnh đạo doanh nghiệp có gửi văn bản về UBND tỉnh đề nghị xin được tiếp tục nuôi giữ 2 cá thể rắn quý hiểm này để phục vụ du lịch tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp như hiện nay. Do đó, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xem xét báo cáo.
Như đã thông tin, vào ngày 14-5, các ngành chức năng ở tỉnh An Giang xác minh những vấn đề có liên quan đến việc một doanh nghiệp đang nuôi nhốt 2 con rắn hổ mây lớn tại Khu Du lịch Đồi Tức Dụp. Bước đầu, doanh nghiệp này khai nhận 2 con rắn hổ mây này được nhóm công nhân bắt trong quá trình thi công hệ thống điện mặt trời dưới chân núi Cấm rồi đem về đây nuôi nhốt để phục vụ du lịch. Tại thời điểm kiểm tra, phía doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định về nuôi nhốt động vật hoang dã mà lại trưng bày để thu hút khách du lịch đến xem.
Một lãnh đạo thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang khẳng định đối với loại rắn này thì ngành kiểm lâm cũng không được cấp phép cho cá nhân nào nuôi nhốt. Do đó, nếu doanh nghiệp không tự nguyện giao nộp 2 con rắn thì sẽ đề nghị UBND tỉnh ra quyết định tịch thu để giao cho trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) vì nơi đây mới có đủ điều kiện nuôi nhốt, bảo tồn theo quy định.