Ngoài yếu tố vốn, hợp tác với các nhà đầu tư ngoại doanh nghiệp trong nước không chỉ được tăng cường nguồn lực mà còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Thuận Nguyễn
Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng của năm 2018, TP.HCM đã thu hút 6,22 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 1 tỉ USD.
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM cũng chứng kiến những cái bắt tay nội ngoại trị giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ USD như Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi (Nhật Bản) để phát triển công trình xanh. Thủ Đức House hợp tác với Daewon (Hàn Quốc). Hay Frasers Property (Singapore) đã tham gia thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện để sở hữu 75% vốn cổ phần của Công ty bất động sản Phú An Khang.
Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, có nhiều lý do để các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng trưởng nhanh là một động lực.
Bên cạnh đó, lớp dân số trẻ có học thức cao đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo tiền đề giúp Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ này, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm 2018. Điều này giúp thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản đầy tiềm năng này.
Từ năm 2015, phần lớn những giao dịch M&A có giá trị lớn là các khu đất dự án bất động sản, tiếp sau mới là các khách sạn, chung cư và văn phòng. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Trong ba năm vừa qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
“Một phép nhìn đơn giản là khi nhìn vào sự tham gia của các nguồn vốn ngoài Việt Nam trong hầu hết những giao dịch chuyển nhượng bất động sản lớn nhất trong năm nay ở các phân khúc văn phòng, nhà ở và bán lẻ, chúng ta có thể cảm nhận được mức độ hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngôi sao mới nổi của châu Á”, Vikram Kohli, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của CBRE cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Sử Ngọc Khương nói thêm rằng các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam hiện có thể phân làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến các tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn. Đặc điểm chung của loại bất động sản này là đều nằm ở khu trung tâm, nhà đầu tư có thể mua và có thể khai thác ngay lập tức. Đây là hướng đi dành cho các nhà đầu tư tài chính vì họ không có kinh nghiệm đầu tư dự án.
Nhóm thứ hai tập trung vào phát triển, và đa số trong nhóm này hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để phát triển. Với các nhà đầu tư này, cái mà họ mang đến Việt Nam không chỉ là vốn mà còn là kinh nghiệm đầu tư phát triển dự án của họ ở nước sở tại.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận đinh, việc doanh nghiệp bất động sản trong nước bắt tay với doanh nghiệp ngoại cùng phát triển các dự án lúc này là cần thiết. Vì thị trường đang có nhiều biến động, nhất là việc tín dụng vào bất động sản đang bị siết chặt.
“Các doanh nghiệp địa ốc phải tìm kênh huy động vốn mới, trong đó bắt tay cùng doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài yếu tố vốn, hợp tác với các nhà đầu tư ngoại doanh nghiệp trong nước không chỉ được tăng cường nguồn lực mà còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp” ông Châu nói.
Theo CFland