Cuối năm là thời điểm hoạt động mua bán, sở hữu nhà riêng tăng lên. Đây cũng là giai đoạn các nhà đầu tư (NĐT) có sản phẩm bán ra chốt lời trước nhu cầu người mua người ở thực tìm kiếm chốn an cư ngày càng nhiều.
Thực tế tại thị trường khu ven, lân cận Tp.HCM, cho thấy, song song với phân khúc đất nền thì các căn nhà riêng lẻ được xây mới rồi chào bán cũng rộn ràng không kém. Các NĐT sở hữu loại hình này bắt đầu chốt lời khi chọn thời điểm cuối năm, gửi môi giới bán lại. Một căn nhà, chủ nhà có thể gửi từ 3-5 môi giới để chốt khách nhanh.
Ngoài hoa hồng chủ nhà trả cho môi giới thì đa số môi giới sẽ “tùy cơ ứng biến” với giá bán ra của căn nhà để “hưởng thêm”. Nếu so với bán đất nền, mặc dù khó chốt khách hơn nhưng mức hoa hồng của môi giới khi bán nhà riêng thường cao hơn từ 20-40 triệu đồng.
Do đó, đây cũng là sản phẩm mà các môi giới cạnh tranh nguồn hàng khá gay gắt từ nhà đầu tư khi gửi bán lại. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối năm, nhu cầu sở hữu nhà riêng của người mua ở thực tăng lên khiến hoạt động của môi giới ở phân khúc này cũng rục rịch.
Trên thị trường, không ít môi giới đã dùng “mánh khóe” để hốt bạc từ loại hình này khi chào bán cho khách mua ở thực. Dưới đây là những cách mà môi giới nhà riêng hay áp dụng để chốt khách hàng nhanh mà người mua cần lưu ý, tránh quá vội tin dẫn đến tình trạng bị “hớ” hoặc mua phải căn nhà không được như ý muốn.
Cho đồng nghiệp vào làm giá: Thực tế này hay xảy ra ở những căn nhà còn mới, tọa lạc ở những vị trí đẹp. Khi có khách vào xem nhà, môi giới dùng “chiêu” là nhờ một người khác (thông thường sử dụng đồng nghiệp) đến cùng lúc để trả giá căn nhà hoặc tranh giành nhau mua với khách đang hỏi nhằm tạo hiệu ứng “nóng”, kiểu như căn nhà đắt giá, nếu khách không mua ngay sẽ có người khác mua. Đây là chiêu trò không mới nhưng nếu khách mua ở thực không có kinh nghiệm rất dễ “dính” vì nghĩ rằng, nếu không mua ngay với giá này người khác sẽ mua mất và không còn giá mềm.
Tự chốt giá thu vào từ chủ nhà và nâng giá bán ra: Thông thường chủ nhà gửi lại môi giới bán và giao toàn quyền, chỉ gặp bên mua khi đi công chứng sang tên. Do đó, đây chính là lý do môi giới có thể “tự tung tự tác” đưa ra mức giá chốt mà chủ nhà thu về. Chẳng hạn, chủ nhà thu về mức giá 2.5 tỉ đồng/căn, trong đó có 40-60 triệu đồng tiền hoa hồng cho môi giới.
Nhưng hầu hết các môi giới khi nhận hàng đều đưa ra mức giá cao hơn, thậm chí chênh cả 100-150 triệu đồng/căn so với giá chủ nhà thu về. Mức chênh này môi giới sẽ nói lại với chủ nhà nếu khách đồng ý mua tránh bị “khớp”. Đa số chủ nhà sẽ để môi giới làm việc này miễn sao bán hàng được nhanh, đó là lý do nhiều khách mua không “tỉnh” sẽ chấp nhận bỏ số tiền cao hơn so với thực tế. Do đó, tìm hiểu kỹ mức giá của các căn nhà bên cạnh để đối chiếu là việc nên làm trong trường hợp này.
Tự vẽ quy hoạch đường: Đây cũng là một chiêu của môi giới hay áp dụng cho khách hàng là người mua ở thực. Đa số khách mua để ở ít tìm hiểu kỹ về quy hoạch đường xá, hạ tầng trong tương lai nên dễ bị “dụ” bởi môi giới. Đường trước nhà sẽ được mở rộng, trong tháng sau/năm sau hoặc trong thời gian tới… là cách môi giới áp dụng để tăng niềm tin, chốt giao dịch nhanh và cũng là cái cớ để tăng giá bán căn nhà. Trên thực tế, rất nhiều căn nhà đã ở vài năm nhưng chủ nhà không thấy đường xá được làm hay mở rộng như lời nói của môi giới cam kết trước đó.
Bán nhà dính quy hoạch giải tỏa: Thực tế có một số môi giới nhận sản phẩm từ chủ nhà mà căn nhà được xác định nằm trong diện giải tỏa trong vòng 2-3 năm tới. Không ít khách mua ở hoặc đầu tư đã “dính” vào những căn nhà như này đành “ngậm bồ hòn” vì giao dịch xong môi giới đó cũng “lặn mất tăm”. Tìm hiểu kỹ căn nhà trước khi xuống tiền theo các chuyên gia là không bao giờ thừa.
Bơm giá nhà theo giá đất và giá vật liệu xây dựng: Dù căn nhà được xây dựng với giá khoảng 500 triệu đồng, đã chốt giá chênh lên 200-300 triệu đồng trong vòng 2-3 tháng (giá phần căn nhà, chưa tính đất) nhưng đa số môi giới khi chào khách mua đều vin vào lý do giá đất khu vực và giá vật liệu xây dựng tăng nên giá căn nhà phải tăng.
Đa phần môi giới sẽ tách phần căn nhà ra ra khỏi phần đất để tính mức tăng cho tổng giá trị. Do đó, nếu khách mua không nắm kỹ càng mức giá khu vực rất dễ “dính bẫy” của môi giới và chủ nhà, chấp nhận mua phải giá đắt hơn nhiều so với giá thực tế.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ