“Chuyện nhà Dr. Thanh” gây xúc động về tình cảm gia đình và triết lý kinh doanh

[Doanhnhansaoviet] – Trần Uyên Phương tốt nghiệp quản trị kinh doanh tại Singapore, tham gia vào Tân Hiệp Phát từ những vị trí thấp nhất để vươn lên vị trí Phó Tổng Giám Đốc như hiện tại. Ít ai ngờ rằng, một doanh nhân như Trần Uyên Phương lại có thể trình làng một tác phẩm đầu tay đầy lôi cuốn và thú vị về những góc khuất của gia tộc, những chia sẻ về người cha về cuộc đời, về triết lý sống, triết lý kinh doanh.

Tác phẩm: “Chuyện nhà Dr. Thanh” của Trần Uyên Phương là một câu chuyện chứa đựng những bí mật của gia đình tác giả, được viết trong một khoảng thời gian khá dài gần 10 năm, cuốn sách gây được sự xúc động rất mạnh với ai đã từng đọc về nó. “Trên đời ai cũng có cha mẹ, và tôi muốn viết quyển sách này khi còn có thể làm được điều đó” – Trần Uyên Phương chia sẻ.

Cả nhà Dr. Thanh cùng có mặt giao lưu với tác giả “Chuyện nhà Dr. Thanh” – Từ trái qua: Trần Ngọc Bích (con gái thứ 2 của ông Trần Quí Thanh), bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh), ông Thanh, Trần Uyên Phương (con gái cả của ông Thanh) và vận động viên Thanh Vũ – một người bạn của gia đình.

Tại buổi giao lưu với tác giả cuốn tự truyện, NSND Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết mới hai ngày trước đó chính ông tự liên lạc với Trần Uyên Phương và đề nghị để ông bay vào TPHCM dẫn chương trình, chứ không phải được mời hay được trả catse. Lịch làm việc của NSND Chí Trung rất sát sao, ông phải bay từ Quảng Bình vào TPHCM và sau buổi giao lưu sẽ bay ra Vinh để tiếp tục lịch biểu diễn. NSND Chí Trung cho biết ông rất cảm động trước tình cảm của Trần Uyên Phương đã gửi gắm vào trong cuốn sách nhỏ giành cho ba má mình, và cũng thấy được nhiều bài học về công việc kinh doanh, điều hành, quản lý… từ gia đình Tân Hiệp Phát.

Các cây bút chuyên nghiệp như đại tá – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, nhà biên kịch Lê Chí Trung đều thích cuốn sách 

Đến giao lưu với tác giả Trần Uyên Phương còn có NSND Hoàng Dũng, NSND Thế Anh, NSƯT Thế Hiển, đại tá-nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, bà Nguyễn Thái Thảo Nguyên – đại diện NXB Phụ Nữ tại TPHCM… Mở đầu chương trình giao lưu là những ca khúc do ca sĩ, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Phi Nhung biểu diễn.

NSND Thế Anh đến giao lưu với tác giả trẻ Trần Uyên Phương

Ca sĩ – nhạc sĩ Thế Hiển

Ca sĩ Thụy Vân và con gái hát ca khúc “Nhật ký của mẹ”

Trần Uyên Phương tự sự, trong suốt quãng thời gian nửa đầu tuổi trẻ, tác giả luôn băn khoăn về tình cảm của những người trong gia đình, những giá trị nền tảng của chính ra đình mình. Có những điều hiển hiện trước mặt, nhưng hình như bản chất lại không phải như vậy.

Ông Trần Quí Thanh, nhân vật nguyên mẫu trung tâm của cuốn tư truyện là một người cha, nghiêm khắc, đôi khi đến mức nghiệt ngã khiến có lúc tác giả cảm thấy bị bị tổn thương, trong sách có đoạn “Trong quá khứ nhiều lúc tôi sợ ba, nhưng cũng ghét ba vì tôi chỉ quan tâm đến tính huyết thống và đinh ninh thế mới gọi là gia đình. Tôi thấy ba dành quá ít thời gian và tình thương cho chính gia đình thân yêu của mình”. Thế nhưng “Sống với ba, điều làm tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, không phải vì ba là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ba là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy cho tôi, mà vì chưa bao giờ tôi nghe ba kể lể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua trong cuộc đời ông. Đối với ba, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc, gian khó đối với ba là thứ rất quen thuộc, ông luôn nói một câu ngắn gọn: “Không gì là không thể”!”

        Tác giả Trần Uyên Phương ký tặng sách cho độc giả

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã đọc hết bản thảo và cuốn sách: Chuyện nhà Dr. Thanh, với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp, ông nhận xét: “Thường thì một quyển sách dở chỉ cần 10 đến 15 dòng là đủ đánh giá. Nhưng bản thảo này tôi đã đọc tới ba lần. Khó có thể xếp quyển sách vào thể loại gì, nó không chỉ là một tự truyện, mà là một dạng “siêu thể loại”. Vì nó chuyển tải quá nhiều thông điệp. Điều bất ngờ nhất là được viết bởi một doanh nhân trẻ. Người ta có thể viết một cuốn sách cực kì tâm ly bi thiết, nhưng nó không thể có tấm lòng của người con viết về cha mẹ mình. Chỉ vài phác họa cũng đủ mô tả được những nhân vật một cách đầy đủ, ấn tượng. Tôi rất ấn tượng chi tiết kể về ông nội lấy bà nội là một người phụ nữ đã có 2 con với người chồng trước, chi tiết đó Trần Uyên Phương đã làm rất tốt để thấy được sự dũng cảm rất lớn của người đàn ông trong giai đoạn đương thời. Khi Trần Uyên Phương viết về những mối tình của người cha mình, cô ấy có cách xử lý rất tinh tế, dù vẫn bảo vệ mối tình của ba đối với mẹ. Để viết những chi tiết như vậy không hề đơn giản, nhất là đối với một người không có nghề”.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nói thêm: “Về bối cảnh kinh tế, cuốn sách ra đời cũng vô cùng có ý nghĩa bởi đang có phong trào khởi nghiệp, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển dành cho kinh tế tư nhân, chứng minh giới trẻ thấy cái gì chỉ cần có ý chí, có quyết tâm thì mình sẽ làm được. Đặc biệt ấn tượng là cung cách quản trị, việc đối xử với con người trong phát triển. Đó là bài học cho mọi doanh nghiệp chứ không riêng cho giới trẻ”. Nhận xét chung về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng “Chuyện nhà Dr Thanh” sử dụng ngôn ngữ viết giản dị, không cầu kì nhưng lại rất có văn”.

Cuộc giao lưu rất xúc động

Chia sẻ cảm xúc của nghệ sĩ Lê Chí Trung: “Trong cuộc đời viết văn, tôi cũng có viết về cha mẹ, có cái dựng thành kịch, nên tôi cảm nhận được tâm nguyện của Trần Uyên Phương. Không chỉ dành riêng cho cha mình, mà còn dành cho mẹ, ông bà nội ngoại… Giá trị văn học thì dành cho bạn đọc đánh giá, riêng giá trị gia đình, tôi rất đề cao. Vì sao? Vì xã hội bây giờ đạo đức gia đình đang bị đe dọa, bởi sự thực dụng, bởi cuộc sống ảo, bởi sự tha hóa nhân cách con người. Nên cuốn sách viết về gia đình theo tôi là có giá trị rất lớn trong các tác phẩm hiện nay”.

Có mặt tại buổi giao lưu, á hậu Huyền My cho biết cô đến không phải với tư cách là á hậu mà là một người em của chị Uyên Phương. “Huyền My có khá nhiều cảm xúc và sự khâm phục. Đọc “Chuyện nhà Dr Thanh”, tôi thấy rất sống động và giống như chính bản thân mình cũng đang sống trong mọi diễn biến của câu chuyện. Đây không phải là một quyển sách lâm ly mà là mọi biến cố và bài học đều rất chân thực”.

Á hậu Huyền My và NSND Chí Trung

“Tôi nghĩ tôi sẽ còn đọc thêm nhiều lần cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” của chị Trần Uyên Phương (NXB Phụ Nữ). Đọc xong cuốn sách tôi thấy rất xúc động về hoàn cảnh chú Thanh từ lúc bé đến khi trưởng thành phải khổ sở , vất vả như thế nào. So với lớp trẻ bây giờ đấy là 1 tấm gương lớn. Cho đến khi chú Thanh trở thành người lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tôi thấy rằng chú phải hi sinh rất nhiều thứ so với  những người bình thường. Thậm chí có cả sự hiểu lầm của các con đối với ba của mình, nhưng với tình thương yêu vô bờ bến đối với tập đoàn và các con khi khôn lớn có thể hiểu và đồng cảm với ba mình hơn đã tạo nên một tập đoàn lớn mạnh như Tân Hiệp Phát ngày hôm nay. Tôi có 3 năm được trải nghiệm trong showbiz nhiều lúc thấy mình có những cái bị oan ức, bị hiểu lầm rất khổ sở và căng thẳng nhưng so với cuộc đời của chú Thanh tôi nghiệm ra rằng mình còn sung sướng lắm nên tôi phải vượt qua, phải có nghị lực, phải mạnh mẽ, phải trưởng thành. Để cho mọi người thấy rằng: Không gì là không thể”.

Bà Nguyễn Thái Thảo Nguyên – đại diện NXB Phụ Nữ tại TPHCM phát biểu

Doanh nhân Trần Quí Thanh cho biết: “Uyên Phương có thông báo với tôi rằng sẽ có món quà cho ba nhưng tôi không biết là viết sách mà mới chỉ được biết gần được một tháng nay. Rất thương con. Nếu con tôi chỉ cần viết một lá thơ thôi là đủ cảm động rồi, đằng này lại viết cả một quyển sách thì còn nói gì nữa. Dù cũng khá lo lắng, ngại việc xã hội chín người mười ý, dư luận trái chiều sẽ nói là con khen cha. Nhưng đứng trước tấm lòng của con, và đọc thấy trong sách cũng chỉ chia sẻ sự thật nên tôi cũng không còn nghi ngại mà cảm thấy tự hào”.

Giao lưu với người bạn từ thuở thiếu thời của ông Trần Quí Thanh – nhân vật trong cuốn sách

“Khi Uyên Phương đưa tôi đọc lại quyển sách, tự nhiên tôi chột dạ thấy mình hơi thép. Trước kia, tôi cứ nghĩ sa trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, muốn con biết bơi phải đạp nó xuống sông, thì nó mới giỏi được. Bản thân tôi cũng trưởng thành từ môi trường khắc nghiệt như thế. Sau khi lớn lên thì đứng trên đôi chân của mình. Tôi vẫn thường nói với các con rằng ba không muốn con tự hào có một người cha như ba, mà ba phải được tự hào có một người con như con” – Doanh nhân Trần Quí Thanh chia sẻ.

“Khi chúng tôi đi học về quản trị gia đình ở Thụy Sĩ, có một chi tiết phải định nghĩa thế nào là thừa kế? Là quyền lợi, nghĩa vụ hay trách nhiệm. Thừa kế không phải là lấy tài sản tiêu xài. Thừa kế là để lại cho con cháu mình tiếp nhận, phát triển để sau này tiếp tục chuyển giao đủ vốn lẫn lãi. Nếu nhận một tài sản lớn mà không có bản lĩnh, không đủ năng lực thì đó là một tai họa nên tôi đã tạo sức ép cho các con. Tôi vẫn thường bảo con: Sau này ba chỉ cho tụi con 10%, 90% ba cho về xã hội, tôi nghĩ vậy là đủ vì những ngày khởi đầu của tôi không có đồng xu nào. 10% là đủ để lập nghiệp và phát triển. Sống không phải là tồn tại, không thể chỉ ăn, mặc rồi chờ chết. Phải làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Sống mà người ta luôn nhắc tới mình thì mình còn sống. Còn sống vô nghĩa thì coi như là chết rồi đó, mà chưa chôn thôi” – Doanh nhân Trân Quí Thanh nói.

Ca sĩ Phi Nhung cùng đại gia đình cùng chụp ảnh lưu niệm   

Nhiều ý mà ông Trần Quí Thanh nói trực tiếp tại cuộc giao lưu đã được Trần Uyên Phương chắt lọc, đưa vào cuốn sách. Trần Uyên Phương cho rằng cha mẹ nào cũng mong con cái trưởng thành, thành đạt, lấy vợ lấy chồng có hạnh phúc riêng, ít khi cha mẹ cần con cái nói lời cảm ơn. Với Trần Uyên Phương, tác giả coi cuốn sách này là một lời cảm ơn sâu sắc, là món quà gửi tới ba mẹ nhân ngày gia đình Việt Nam.

Lăng Đức Lợi