Điều gì đã biến “Vua tôn” Lê Phước Vũ thành “Chúa Chổm”, kéo sụt 70% lợi nhuận của Hoa Sen sau 2 năm liền lãi trên nghìn tỷ?

|

Năm 2016 và 2017, Hoa Sen đều đặn công bố lợi nhuận trên nghìn tỷ và đặt mục tiêu lãi tiếp 1.650 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, kết quả năm nay Hoa Sen hoàn thành chưa tới 1/4 kế hoạch này.

Điều gì đã biến "Vua tôn" Lê Phước Vũ thành "Chúa Chổm", kéo sụt 70% lợi nhuận của Hoa Sen sau 2 năm liền lãi trên nghìn tỷ?

Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã công bố kết quả kinh doanh cả năm 2018 (niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 9 năm sau). Theo đó, Hoa Sen đạt 34.441 tỷ đồng doanh thu thuần và 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

So với năm trước, doanh thu Hoa Sen tăng trưởng 32% nhưng lợi nhuận lại giảm tới gần 70%. Nếu so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra, Hoa Sen chỉ đạt gần 25% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán HSC, có 3 nguyên nhân khiến Hoa Sen kinh doanh sa sút, đẩy ông Lê Phước Vũ từ vị thế “vua tôn” thành “Chúa Chổm”.

Thứ nhất, giá thép cán nóng (hot rolled coil – HRC) cao hơn và chi phí khấu hao tăng, khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Hoa Sen giảm mạnh. Thứ hai, chi phí lãi vay tăng vọt. Thứ ba, chi phí dự phòng hàng tồn kho cũng tăng.

Giá thành tăng cao

HSC cho biết, Hoa Sen không công bố chi tiết về tiêu thụ ống nhựa, tuy nhiên có vẻ như Hoa Sen không còn đẩy mạnh chính sách bán giá thấp. Do đó, ước tính sản lượng ống nhựa Hoa Sen tiêu thụ trong năm 2018 không lớn như những năm trước.

Năm nay, giá bán bình quân của Hoa Sen tăng 18,3% chủ yếu nhờ cơ cấu danh mục sản phẩm tốt hơn và một phần gia tăng của giá nguyên liệu được chuyển sang cho khách hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của Hoa Sen lại giảm mạnh 10,5%. Một trong những nguyên nhân là do chi phí đầu vào bình quân tăng tới 25-30% so với năm 2017, cao hơn mức tăng 18,3% của giá bán.

Bên cạnh đó, công suất thép lá cán nguội (cold rolled coil – CRC) nội bộ của Hoa Sen chỉ đạt 1,6 triệu tấn/năm, không đủ phục vụ sản xuất theo thiết kế là 2,2 triệu tấn/năm nên công ty phải tiếp tục mua ngoài, phần nào làm tăng chi phí. Ngoài ra, chi phí khấu hao từ các nhà máy mới được đưa vào hoạt động cũng làm tăng chi phí của công ty.

Điều gì đã biến Vua tôn Lê Phước Vũ thành Chúa Chổm, kéo sụt 70% lợi nhuận của Hoa Sen sau 2 năm liền lãi trên nghìn tỷ? - Ảnh 1.

Biên lợi nhuận của Hoa Sen giảm sâu, đồng nghĩa với việc mỗi đồng doanh thu thu về mang lại ngày càng ít lợi nhuận hơn.

Chi phí bán hàng tăng do mở rộng mạng lưới

Ngoài yếu tố giá thành, các loại chi phí của Hoa Sen cũng tăng, trong đó chi phí bán hàng tăng khoảng 20%.

HSC nhận định, sản phẩm thép dẹt của Hoa Sen có vẻ khó khăn ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước do cung vượt cầu. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ việc thuế chống bán phá giá tăng, thì triển vọng thị trường trong nước cũng không sáng sủa do có những doanh nghiệp mới gia nhập ngành cộng với sự mở rộng công suất mạnh mẽ của các doanh nghiệp hiện hữu.

Để ứng phó với chính sách áp thuế chống bán phá giá, Hoa Sen đã chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa trong những năm gần đây. Đây là điều cũng được các công ty khác như Nam Kim hay Đông Á thực hiện.

Cụ thể, mỗi năm Hoa Sen tích cực mở chi nhánh nhằm nâng cao thị phần trong nước. Tính đến cuối tháng 9/2018, Hoa Sen có khoảng 450 chi nhánh so với 350 chi nhánh hồi cuối tháng 9/2017. Ngoài ra, để hiện thực hóa chiến lược này, HSG đã phải giảm giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng như đã làm với sản phẩm ống nhựa trước đây.

Điều gì đã biến Vua tôn Lê Phước Vũ thành Chúa Chổm, kéo sụt 70% lợi nhuận của Hoa Sen sau 2 năm liền lãi trên nghìn tỷ? - Ảnh 2.

Hoa Sen lỗ trong quý 3/2018 và là lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2010

Vay nợ lớn

Nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu năm nay là do áp lực lãi vay. Hoa Sen đã phải trả lãi vay 812 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) sau 1 năm.

HSC cho biết, thực tế con số vay nợ của Hoa Sen đã giảm so với mức kỷ lục 15.900 tỷ đồng hồi tháng 6. Hoa Sen đã nỗ lực giảm nợ ngắn hạn nhiều nhất có thể, thông qua giảm tồn kho và các khoản phải thu. Đồng thời, trong quý vừa qua, Hoa Sen đã kiểm soát chặt chi phí hoạt động, như cho nghỉ việc những nhân viên không cần thiết, nhằm giảm chi phí nhân công, hay nỗ lực giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, vay nợ ngắn hạn của Hoa Sen vẫn ở mức rất cao và tạo gánh nặng nợ cho công ty trong tương lai.

Đánh giá tổng thể về Hoa Sen, HSC tỏ ra lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp của công ty. HSC cho rằng, lợi nhuận Hoa Sen giảm mạnh trong giai đoạn này do ảnh hưởng từ chính sách quản lý tồn kho. Bên cạnh đó là một số vấn đề khác với hệ thống phân phối, tồn kho và giao dịch với các công ty liên quan. Những vấn đề này lặp lại nhiều lần khiến nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng đối với đội ngũ lãnh đạo.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của Hoa Sen hiện chỉ bằng 1/3 so với hồi đầu năm, hiện giao dịch trong khoảng 8.100 đồng/cổ phiếu.

Điều gì đã biến Vua tôn Lê Phước Vũ thành Chúa Chổm, kéo sụt 70% lợi nhuận của Hoa Sen sau 2 năm liền lãi trên nghìn tỷ? - Ảnh 3.

Hà My

Theo Trí Thức Trẻ