Giáo sư Rita McGrath dẫn ra một số ví dụ như Facebook – mạng xã hội đang rơi vào tầm ngắm của các nhà làm luật, đối tác và người dùng sau hàng loạt bê bối.
Sự sụp đổ của Carlos Ghosn khi bị bắt với cáo buộc gian lận tài chính mới đây đã đẩy Nissan và đối tác lâu năm Renault rơi vào khủng hoảng và làm dấy lên những nghi ngờ về cấu trúc quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản.
Hay những hành động như một “CEO hoàng gia” đã dẫn đến cuộc “chia ly” giữa Jeff Immelt với gã khổng lồ General Electric (GE) sau 16 năm cầm quyền.
Trên đây là một vài ví dụ điển hình cho thấy quyền lực – đặc biệt là quyền lực tuyệt đối mà ít được kiểm tra và cân bằng – có thể thổi bùng những cơn khủng hoảng, McGrath chỉ ra.
Khi quyền lực tập trung vào một số ít người
Theo McGrath, những việc như cho một người giữ chức chủ tịch kiêm CEO của công ty, không trao quyền quyết định cho các giám đốc thực sự độc lập hay lựa chọn các giám đốc từ cùng một nhóm ứng viên, đều làm gia tăng nguy cơ khiến ban lãnh đạo của doanh nghiệp bỏ qua những điều quan trọng đến từ môi trường bên ngoài. Nếu không có sự đa dạng trong nhóm người đưa ra quyết định, những khía cạnh được đem ra “mổ xẻ” cũng sẽ ít đi.
Nghiên cứu cho thấy nhóm lãnh đạo càng kém đa dạng (chỉ một nhóm nhỏ hoặc thậm chí một cá nhân nắm quyền lực) thì càng hoạt động kém hơn khi xử lý các vấn đề liên quan tới ý tưởng mới, sáng tạo hay giải quyết vấn đề vượt ngoài giới hạn tư duy thông thường.
Những người nhận thấy sự thay đổi trong doanh nghiệp được doanh nhân huyền thoại quá cố Andy Grove gọi là “cạnh sắc” của tổ chức. Đó là người đầu tiên phát hiện ra có gì đó bất thường với các tài khoản thuộc về các tổ chức của Nga (liên quan tới bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016). Tuy nhiên, sau đó, chỉ có giám đốc an ninh của Facebook họp mặt với những người đứng đầu công ty để nói về những phát hiện ban đầu, theo tờ New York Times.
Trong khi đó, chỉ có người tố giác tại Nissan – người đã đưa mọi thứ ra ánh sáng, nhận thấy sổ sách của hãng ôtô Nhật có vấn đề. Trong trường hợp của GE, họ là các nhà phân tích bên ngoài xem xét hoạt động của công ty để tìm hiểu có gì bất ổn hay không, dù ban lãnh đạo công ty khẳng định chẳng có vấn đề nào cả.
Hệ luỵ của cơ chế chuyên quyền
Khi quyền lực quá tập trung vào một số ít người, các giám đốc có xu hướng hành động sao cho bản thân thoải mái nhất, chứ không nhất thiết đi liền với lợi ích của tổ chức hay nhân viên. Theo McGrath, có rất nhiều trường hợp các quyết định dài hạn được đưa ra dựa trên những điều sẽ có lợi cho những người quyền lực nhất công ty, kể cả khi chúng có thể gây ra tiêu cực trong dài hạn hơn.
Điều này có thể được thực hiện dưới hình thức phạm tội, như những cáo buộc đối với Carlos Ghosn. Hoặc nó có thể dưới dạng những khoản chi trả hưu trí hào phóng, quyền chọn cổ phiếu hoặc tiếp cận với các tài nguyên khác của công ty như trường hợp của Jeff Immelt.
Theo thông tin từ GE, cựu CEO đã sử dụng máy bay dự phòng của công ty để di chuyển cho tới năm 2014. Trong suốt nhiệm kỳ của Immelt, quyết định mua lại cổ phiếu của GE (giúp tăng giá cổ phiếu) bị cho là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề tài chính của công ty này.
Điều đó cũng có thể dưới hình thức ưu tiên doanh thu quảng cáo thay vì bảo vệ thông tin bí mật của người dùng và tuân thủ luật pháp. Theo một đơn khiếu nại của Uỷ ban Phát triển Nhà và Đô thị Mỹ (HUD), Facebook đã phải cam kết sẽ không hiển thị các quảng cáo nhà ở với những người thuộc nhóm được bảo vệ như người khuyết tật, điều được xem là phân biệt đối xử và phạm pháp.
Với những nhược điểm thấy rõ này, câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có nhiều tổ chức theo cấu trúc quản trị khiến họ có khả năng phải chịu những rủi ro này? Theo McGrath, một nguyên nhân là rất khó để xây dựng một cấu trúc quản trị tốt, với những thảo luận tập thể đầy thách thức và điều tra để tìm ra thông tin thực sự. Nhiều người có thể thấy không thoải mái với những việc có thể làm giảm sức ảnh hưởng của nhóm nhân vật quyền lực hơn.
Việc đưa nữ giới và nhóm thiểu số vào các cuộc thảo luận đồng nghĩa rằng chính những thảo luận đó sẽ trở nên khác biệt. McGrath cho rằng đây là một nỗ lực đáng được thúc đẩy để tránh cho tổ chức rơi vào khủng hoảng trong tương lai.