[Doanhnhansaoviet] – Cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” của Trần Uyên Phương, người con gái cả của ông Trần Quí Thanh – chủ tịch Tập Đoàn Tân Hiệp Phát, sẽ hé lộ những bí mật đằng sau câu chuyện thương trường, sau cái vẻ lạnh lùng, quyết đoán có phần đáng sợ của người đứng đầu gia tộc.
Con sóng năm 2014 có thể nói là một cơn đại hồng thủy đối với gia tộc doanh nhân Tân Hiệp Phát khi bao nhiêu vận hạn đều ập đến trong một thời điểm. Câu chuyện con ruồi trở thành nỗi ám ảnh trong sự nghiệp kinh doanh, hình ảnh thương hiệu bị bóp méo trong lòng người tiêu dùng, những vụ kiện đình đám, nhưng liệu những điều trên mặt báo có phải là tất cả? Tân Hiệp Phát đã lèo lái con thuyền doanh nghiệp để tồn tại ra sao?
Sự nỗ lực của Trần Uyên Phương là không nhỏ khi cô đã cất công ghi chép, phỏng vấn các đối tượng liên quan từ quá khứ tới hiện tại, ráp nối cả chục năm trời để đủ tư liệu xác thực cho câu chuyện hồi ức gia đình, đặc biệt là phải làm việc với những người không muốn kể và cũng không có thời gian để kể.
Doanh nhân Trần Uyên Phương hiện là Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát
Trần Uyên Phương đã nhắc đến cha mình như là một người cha mà cô vừa yêu thương vừa sợ hãi, mà cũng vừa kính nể. Cuộc đời lắm thăng trầm của cậu bé Thanh mồ côi mẹ bị vùi dập trong trại trẻ đến những ngày tháng sống ngông cuồng buông thả của chàng thanh niên mù mờ về tương lai và mục đích sống, hay những sóng gió của người đàn ông từ hai bàn tay trắng bán sống bán chết để tạo dựng nên cơ ngơi sự nghiệp được mô tả chắt lọc với nhiều tình tiết gay cấn nhưng lại được kể bằng cái giọng tự sự điềm đạm và rất mộc mạc.
Trần Uyên Phương dành gần 10 năm để thu thập dữ liệu cho cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”
Những câu chuyện về cuộc đời gia tộc họ Trần nổi lên trên bối cảnh lịch sử của chiến tranh và loạn lạc, của cái đói dai dẳng trong những ngày đầu mới mở cửa. Để chính những hoàn cảnh ấy lại làm sáng lên cái máu kiên cường không chịu khuất phục chảy đều qua các thế hệ. Những câu chuyện của họ có phần khác nhau trong những bối cảnh khác nhau chỉ để khẳng định một điều như chắc chắn những sự thành công này chẳng phải do tài năng thiên bẩm hay một sự may mắn thụ hưởng nào mà chính là cái ý chí lao động lăn xả, trả bằng không ít mồ hôi và nước mắt.
Trần Ngọc Bích
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn lên ngôi, sự suy đồi về đạo đức xã hội lẫn đạo đức doanh nghiệp, câu chuyện con ruồi của Tân Hiệp Phát như là cú xả giận cho toàn bộ sự phẫn nộ đang chất chứa trong lòng người dân. Lần đầu tiên, một cái tên lớn được nhắc đến như là mục tiêu rõ ràng và đích xác để đổ dồn những bức xúc trào dâng bởi hoang mang và sợ hãi kéo dài của người tiêu dùng. Người ta vẫn thấy sự bình tĩnh và cứng rắn của ông Trần Quí Thanh và tập đoàn Tân Hiệp Phát. Hay cả khi vì những éo le ngang trái mà mất trắng hơn 5000 tỷ đồng, ông Trần Quí Thanh vẫn cứng rắn khẳng định: “Người hại không chết, trời hại mới chết”. Cái lạnh lùng khiến người ta rợn người ấy được thành hình sau những vết sẹo tháng năm, đã nếm trải đủ những thương tổn của cuộc đời để ông nhẹ nhàng đón nhận như một tai nạn nghề nghiệp, như nó phải thế.
Trần Uyên Phương và cô em gái Trần Ngọc Bích cùng gia đình trải qua nhiều sóng gió thương trường
Nhưng rồi, đến cuối cùng, có một ngày Trần Uyên Phương đã phải nghe một câu tưởng chừng không thể nào thốt ra từ miệng cha mình: “Ba không còn động lực để tiếp tục chiến đấu”. Rốt cuộc là cái gì có thể hạ gục được con người đó?
Điểm sáng chính xuyên suốt toàn bộ câu chuyện sẽ trả lời cho câu hỏi đó!
Bìa cuốn sách “Chuyện Nhà Dr Thanh”
Mục đích chính của cuốn tự truyện vẫn là món quà mà Trần Uyên Phương muốn gửi tặng đến ba má trong ngày của Cha và ngày Gia Đình. Nhưng có lẽ nó cũng sẽ là món quà cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm cho mình một động lực của sự nỗ lực thân tự lập thân. “Chuyện Nhà Dr Thanh” do NXB Phụ Nữ ấn hành sẽ ra mắt trong tháng 6 này.
Lăng Đức Lợi