Ông Macron ‘thất thủ’ ở Paris và lời cảnh báo cho châu Âu

Cách đây chưa đến 1 tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định vị thế của mình là “người giương cờ” của toàn cầu hóa.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong một bài phát biểu trước 60 nhà lãnh đạo thế giới dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất dưới chân Khải hoàn môn, ông Macron ca tụng Liên hiệp quốc và gọi chủ nghĩa dân tộc là “sự phản bội” chủ nghĩa yêu nước.

Bước lùi của ông Macron

Trong cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở Paris hôm 1/12, hơi cay, vòi rồng và gạch đá được sử dụng, cũng ngay dưới chân Khải hoàn môn, khi người biểu tình “áo vàng” đụng độ dữ dội với lực lượng cảnh sát chống bạo động.

Những người biểu tình đã dùng sơn viết, vẽ chằng chịt lên một trong những biểu tượng của Paris, trong đó có những dòng khẩu hiệu kêu gọi chính quyền ông Macron rút lại kế hoạch tăng thuế xăng dầu.

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Macron phải lùi bước – chấp nhận yêu cầu của người biểu tình.

Hãng tin Bloomberg nhận định bước lùi này của nhà lãnh đạo Pháp được xem như một khoảnh khắc “đáng hổ thẹn” của những người phản đối phong trào dân túy – một phong trào đã nổi lên ở nhiều quốc gia trên thế giới gần đây, mà nhờ đó ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Châu Âu đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm qua, từ khủng hoảng nợ công Hy Lạp cho tới phong trào phản đối người nhập cư và cuộc bỏ phiếu Brexit của nước Anh.

Nhưng hiếm khi nào một nhà lãnh đạo bị “kền kền chính trị” bao vây và trật tự thế giới đứng trước khả năng bị ảnh hưởng nhiều tới mức như trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Pháp.

Ở Ba Lan, phe cực tả đang nổi lên. Các đảng dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu đang được Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi tổ chức một cuộc “nổi dậy” trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 năm sau.

Trong khi đó, Italy đang xung đột với Liên minh châu Âu (EU) bằng các cương quyết giữ vững kế hoạch chi tiêu mạnh tay với mức thâm hụt vượt mức cho phép của khối.

Thủ tướng Angela Merkel, người được xem là người đảm bảo cho sự ổn định của châu Âu, đã lên kế hoạch về hưu. Bởi vậy, vị trí nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu lục được cho là sẽ được trao lại cho ông Macron.

Tuy vậy, quyền lực của bà Merkel trên trường quốc tế có nền tảng là sự ổn định chính trị trong nước, mà ông Macron lại không có điều này.

“Một nhà lãnh đạo không thể có những bài diễn văn về bảo vệ trật tự quốc tế trong khi tỷ lệ ủng hộ của ông ấy chỉ ở ngưỡng 20% và có đầy rẫy những cuộc biểu tình trên đường phố của nước ông ấy”, ông Nicholas Dungan, một chuyên gia của Atlantic Council nhận định. “Rất khó để lấy lại uy tín cho một nhà lãnh đạo như thế”.

Tình thế đảo ngược

Những gì đang diễn ra trái ngược hoàn toàn vào hôm 11/11, khi bài phát biểu của ông Macron trước các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi hợp tác toàn cầu và ông Trump có vẻ như bị cô lập trong lần xuất hiện đó.

Khi biểu tình nổ ra ở Paris, ông Trump nhanh chóng “chớp” cơ hội để “bật lại” ông Macron bằng những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter.

Theo chuyên gia Dungan, vấn đề hiện nay của những người chống chủ nghĩa bảo hộ phong cách ông Trump là ngoài ông Macron ra, sẽ không có ai đứng lên đi đầu phong trào phản đối ông Trump.

Sau khi đắc cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017, ông Macron đã nhanh chóng hợp tác với bà Merkel và một chính phủ thân thiện ở Italy để thúc đẩy hội nhập châu Âu. Ông cũng xích lại gần ông Trump để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ giữ vững các thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, ông Trump đã “phớt lờ” ông Macron và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Trong một dòng trạng thái Twitter vào cuối tuần vừa rồi, ông Trump nói rằng cuộc biểu tình phản đối việc tăng thuế xăng dầu ở Pháp chứng tỏ ông đã đúng. Ông Macron vốn gọi việc tăng thuế xăng dầu là cần thiết để chống biến đổi khí hậu.

Bà Merkel đã sa sút quyền lực kể từ sau cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9/2017. Hôm thứ Sáu vừa rồi, bà đã chính thức rời cương vị Chủ tịch Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), trao lại cương vị này cho ông Annegret Kramp-Karrenbauer.

Ở Italy, một Chính phủ với quan điểm hoài nghi về EU đã lên cầm quyền từ tháng 3 năm nay.

“Tham vọng của ông Macron về một châu Âu vững mạnh đã vấp phải những sự kiện ở Đức và một số nước khác”, ông Philippe Moreau Defarges, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp ở Paris, nhận định. “Nhưng sự nổi lên của ông ấy bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả từ những sự kiện gần đây. Ông ấy có vẻ như không đạt được tới cấp độ quyền lực cần thiết, và hình ảnh của nước Pháp chịu một đòn giáng mạnh”.

Tỷ lệ ủng hộ của cử tri Pháp đối với ông Macron đang giảm liên tục do những thay đổi chính sách gây mất lòng dân về lao động và thuế – những biện pháp mà ông cho là cần thiết để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người Pháp xem các chính sách này chỉ làm lợi cho người giàu và nhìn nhận ông Macron – một người từng làm trong lĩnh vực ngân hàng – như một chính trị gia xa rời quần chúng và ngạo mạn.

Một cuộc thăm dò dư luận tiến hành hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Macron đã giảm còn 23%.

“Áo vàng” lan rộng

Phong trào “áo vàng” bắt đầu là một cuộc biểu tình phản đối tăng thuế đối với dầu diesel, loại nhiên liệu được dùng phổ biến cho xe hơi ở Pháp và bị đánh thuế cao hơn so với các nhiên liệu khác.

Phong trào này được gọi tên như vậy vì những người biểu tình mặc chiếc áo phản quang có màu vàng mà pháp luật nhiều nước châu Âu quy định phải có trong xe hơi để phòng những tình huống khẩn cấp.

Cuộc biểu tình “áo vàng” dưới chân Khải hoàn môn ở Paris

Cuộc biểu tình đã lan rộng trở thành phong trào phản đối các chính sách khác của ông Macron. Ngoài kêu gọi không tăng thuế xăng dầu, người biểu tình còn kêu gọi tăng lương, giảm thuế, tăng lương hưu, và mở rộng hơn cánh cửa vào đại học.

Phong trào này phản ánh rõ nét sự bất mãn về kinh tế và chính trị của tầng lớp lao động nghèo hơn ở Pháp, thu hút sự ủng hộ sâu rộng.

Người biểu tình thậm chí còn kêu gọi ông Macron từ chức và thay thế Quốc hội Pháp bằng một “hội đồng của người dân”. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 3/4 người Pháp ủng hộ các yêu cầu mà người biểu tình đưa ra, dù phản đối việc sử dụng bạo lực trong biểu tình.

Phải đến năm 2022 ông Macron mới phải đối mặt với cuộc bầu cử toàn quốc tiếp theo, và ông luôn nói không quan tâm đến các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ ông.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử của châu Âu, cùng một loạt cuộc bầu cử địa phương ở Pháp trong 2 năm tới có thể sẽ trở thành những cuộc trưng cầu dân ý về các chính sách của ông Macron – nhà phân tích Antonio Barroso thuộc Teneo Intelligence nhận định trong cuộc trao đổi với Bloomberg.

“Việc liệu ông Macron có đủ không gian chính trị để thực thi thêm cải cách kinh tế sẽ tùy thuộc vào kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu. Đó sẽ giống như một cuộc ‘bầu cử giữa nhiệm kỳ’ đối với ông Macron”, ông Barroso nói.

Cho dù ông Macron đã hoãn kế hoạch tăng thuế xăng dầu, những người biểu tình “áo vàng” vẫn tuyên bố không dỡ bỏ các rào chắn trên đường mà họ đã dựng lên.

Dù không có tổ chức chính thức như Phong trào Năm Sao của Italy, phong trào “áo vàng” đang mạnh lên từng ngày. Các cuộc biểu tình tương tự đã lan tới Bỉ và cả Hà Lan.

Theo giáo sư Marc Lazar thuộc Sciences Po ở Paris, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, hầu hết các thành viên của phong trào “áo vàng” có thể sẽ bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng chống nhập cư Mặt trận Quốc gia Pháp, hoặc ông Jean-luc Melechon, thủ lĩnh đảng Nước Pháp bất khuất.

Cả hai chính trị gia này đều thất bại trước ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm ngoái và vẫn đang tìm kiếm vị trí quyền lực. Nỗi lo đối với EU là cả hai vị này đều không phải là những người ủng hộ nhất thể hóa châu Âu.

Bất kỳ cú đột phá nào mà hai đảng trên có thể đạt được trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019 cũng sẽ đặt ra rào cản cho chương trình nghị sự của ông Macron. “Quyền lực của ông Macron sẽ yếu đi nhiều sau phong trào biểu tình này, và ông ấy sẽ bị cô lập, cả ở trong nước và châu Âu”, ông Lazar nhận xét.

An Huy (VnEconomy)