Rời “trạm cà phê” Urban Station, bến đỗ mới của Đinh Nhật Nam là quán nhậu?

 

Không riêng dự án mới của Nam, thị trường quán nhậu đang ghi nhận sự quan tâm lớn từ nhiều đại gia ngành F&B.

“2012 là một sự bùng nổ. Trong 1 năm, 20 quán. Có thời điểm, tôi ngồi ngẫm mà thấy sợ. Giống như mình đang cưỡi trên lưng một con quái vật, không tự tin mình có thể điều khiển được nó. Nhiều khi không sợ đối thủ bằng tự mình đe dọa mình. Vấn đề mở rộng đó đúng là con dao hai lưỡi”, đó là những gì Đinh Nhật Nam, nhân vật từng gây tiếng vang với chuỗi cà phê Urban Station thừa nhận trên báo chí cách đây 3 năm.

Một Đinh Nhật Nam không còn gắn với Urban Station

Urban Station được Đinh Nhật Nam cùng Nguyễn Hải Ninh sáng lập năm 2011. Năm 2014, Ninh rời khỏi ban điều hành để sáng lập chuỗi The Coffee House và vận hành chuỗi này cho đến nay. Theo các số liệu được công bố với truyền thông, năm 2015, doanh thu chuỗi Urban Station mỗi tháng hơn 10 tỷ đồng, thương hiệu Urban Station được đánh giá lên tới 2 triệu đô. Thời kỳ thịnh vượng nhất, Urban Station ghi nhận tới hơn 60 cửa hàng trong hệ thống, doanh thu trên 6 triệu USD/năm, vượt qua mức kỳ vọng 1 triệu USD ban đầu của những người sáng lập.

Khoảng thời gian phát triển nóng của Urban Station 2015-2016, tin tức về Đinh Nhật Nam xuất hiện tràn ngập trên truyền thông, đặc biệt sau khi Nam được tạp chí Forbes bình chọn trong danh sách 30 under 30 (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất) ở cả bảng xếp hạng Việt Nam (năm 2015) và châu Á (năm 2016).

Tuy nhiên, bẵng 2 năm gần đây, tin tức về Đinh Nhật Nam thưa dần, các quán Urban Station cũng lần lượt đóng cửa hoặc sang nhượng mặt bằng. Tính đến thời điểm bài viết này được thực hiện, theo fanpage của thương hiệu này, chuỗi Urban Station chỉ còn lại 8 cửa hàng, 7 ở TPHCM và 1 tại Vũng Tàu. Chủ thương hiệu giờ đây cũng là một người khác.
Rời trạm cà phê Urban Station, bến đỗ mới của Đinh Nhật Nam là quán nhậu?

Sau này, trong cuộc trao đổi với chúng tôi về Urban Station, Nam có tiết lộ về lý do rút khỏi Urban Station, rời khỏi thị trường cà phê và tìm đến lãnh địa mới của ngành F&B.

“Trong quá trình làm việc (với nhà đầu tư Hongkong – PV) và nghiên cứu thị trường Việt Nam, tôi thấy thị trường cà phê ở Việt Nam đã bão hòa. Chen chân vào rất khó. Thay vì đó, mình tìm sản phẩm mới. Vì vậy, bây giờ muốn phát triển và có khách hàng, chúng tôi bắt buộc phải tìm ra sản phẩm mới, mà sản phẩm mới này phải tốt hơn những sản phẩm cũ nhiều”, Nam chia sẻ với chúng tôi hồi năm ngoái khi bắt đầu tìm đến thị trường nước ép.

Nam cho biết, hiện đa số các quán Urban Station đã nhượng quyền, chỉ còn 1-2 cửa hàng thuộc về công ty. “Cả tôi và nhiều người khác đã không tham gia điều hành Urban Station nữa… Thực sự tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến Urban Station nữa”, Nam xác nhận.

“Thông tin về Urban Station thì do tôi không tham gia điều hành nữa nên xin phép không chia sẻ nhiều để tránh ảnh hưởng đến những cổ đông khác. Tuy nhiên, theo tôi nhận định thì Urban Station hoàn toàn có thể lấy lại vị trí trước đây nếu có được đầu tư đúng cách về chiến lược, con người và tiền bạc”, đồng sáng lập Urban Station cho hay.

Thử sức với trái cây lên men 14 độ

Thời điểm trò chuyện 1 năm trước, Nam có ấp ủ dự định về việc mở chuỗi nước ép. Còn lần gặp lại năm nay, Đinh Nhật Nam cho biết anh vừa mở quán mới vào tháng 9 vừa qua tại quận 1, TPHCM.

Tiếp tục theo đuổi ngành F&B, Nam đang thử sức với trái cây lên men. Quán mới mở có thực đơn chính là các loại trái cây lên men (sản phẩm có nồng độ cồn 14 độ) gồm 5 vị: táo, dứa (thơm), sơ-ri, dứa, bí đỏ và bí đỏ cay, cùng với bia, nước ép trái cây và gần 60 món ăn nhậu kèm theo, biến tấu từ các phong cách ẩm thực khác nhau như Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Việt Nam. Đối tượng khách hàng mục tiêu hướng đến là “dân văn phòng, có nhu cầu gặp gỡ, tiệc tùng, lai rai…”

Không riêng dự án mới của Nam, thị trường quán nhậu đang ghi nhận sự quan tâm lớn từ nhiều đại gia ngành F&B. Có thể kể đến chuỗi bia Vuvuzela hay Citibeer của Golden Gate Group, chuỗi nướng nhậu phong cách Hàn Quốc – Buk Buk của Red Sun, hay chuỗi quán nhậu Ụt Ụt và Bia Craft của Chảo Đỏ (đơn vị chủ quản chuỗi Wrap & Roll)… Tuy nhiên, khác với Nam, các thương hiệu này ở phân khúc kinh doanh bia (của hãng bia hoặc tự nấu bia thủ công) cùng đồ ăn kèm.

Nam cũng khẳng định đã tự chủ nguyên liệu nhờ việc xây dựng được cơ sở sản xuất. Anh dự định sau này sẽ trở thành nhà cung cấp B2B (bán cho các doanh nghiệp kinh doanh) và chưa hứa hẹn việc mở rộng quy mô thành chuỗi, để có thể “tập trung cho quán mới”.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ