“CAR đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam”

 

VDSC cho rằng, độ ổn định tài chính của Việt Nam ở mức vừa phải, khá nhạy cảm với rủi ro từ bên ngoài. Vì vậy, các TCTD cần gia tăng vốn chủ và giảm tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.

“CAR đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam”

Khối phân tích của VDSC trong báo cáo mới nhất với tiêu đề “Chiến lược đầu tư năm 2019 – cẩn trọng nhưng đừng bi quan” cho rằng, độ ổn định tài chính của Việt Nam ở mức vừa phải, khá nhạy cảm với rủi ro từ bên ngoài. Gia tăng nguồn vốn chủ, giảm tỷ lệ nợ xấu, tăng cường kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2019-2020.

CAR đang là điểm nghẽn
Hiện tại, tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường tài chính khá cao và nguồn vốn chủ mỏng. CAR đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chỉ đạt 12 lần, tới cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và chỉ cao hơn Bangladesh.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt mức 12,14%, thấp hơn nhiều so với CAR ở thời điểm 1 năm trước, cuối tháng 5/2018 (đạt mức 12,66%) và thấp hơn CAR ở thời điểm cuối năm 2017 (đạt mức 12,2%).
Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 cũng không khá hơn. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của Việt Nam đang được tính theo tiêu chuẩn Basel I trong khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đang thực hiện Basel II. Nếu tính lại theo tiêu chuẩn cao hơn này, hệ số CAR của Việt Nam có thể thấp hơn.

Thời điểm áp dụng Basel II (phương pháp tiêu chuẩn) cho các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được xác định, từ năm 2020, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Mười ngân hàng thí điểm (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MaritimeBank, Sacombank và VIB) có thể sẽ hoàn tất sớm hơn. Hiện tại, VCB, VIB và OCB đã được NHNN chấp thuận việc áp dụng từ năm 2019.

Việc phát hành tăng vốn của VCB và BID đang đi đến những bước cuối cùng và kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm 2019. Trong trường hợp thành công, vốn chủ sở hữu của cả hai ngân hàng sẽ ở quanh mức 1,7 tỷ USD.

VDSC đánh giá, trên phương diện vi mô, các thương vụ này sẽ nâng cao khả năng chống chọi của từng ngân hàng, qua đó có thể giúp các ngân hàng tiệm cận sớm hơn với Basel II nâng cao. Trên phương diện vĩ mô, độ ổn định tài chính cũng được gia tăng. Các thương vụ tỷ đô nói trên sẽ hỗ trợ công cuộc quản lý và ổn định tỷ giá. Tỷ giá sẽ dao động mạnh và mức độ mất giá trong trường hợp cơ bản ở mức 3% trong năm 2019.

Bên cạnh đó, sức khỏe của hệ thống tài chính cũng chịu ảnh hưởng bởi khả năng vay và trả nợ của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Cơ cấu khoản vay đang được tái cơ cấu khi tỷ lệ nợ cá nhân và hộ gia đình tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây. Tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP ở mức 22%, gấp gần 4 lần so với 2014.

Tín dụng khu vực doanh nghiệp, nhìn chung, tăng trưởng chậm lại. Do đó, cơ cấu các yếu tố tác động tới tỷ lệ vỡ nợ của hệ thống ngân hàng cũng thay đổi theo. Rõ ràng, khu vực doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và ít nhạy cảm với rủi ro hơn khu vực cá nhân.

Tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam cao hơn tương đối các quốc gia khu vực
Vấn đề nợ xấu cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam cao hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 5,3% tổng dư nợ và tỷ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu đạt 47%. Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia thì tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2017 vẫn là 9,5%, giảm từ 11,9% năm 2016.
Tốc độ xử lý nợ xấu có thể sẽ chậm dần khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Thị trường bất động sản chậm lại là điểm nhấn quan trọng khi hầu hết tài sản đảm bảo ở dạng bất động sản. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt các ngân hàng tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đang ghi nhận sự trở lại của nợ xấu sau một giai đoạn bùng nổ trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng rất mạnh tại một số nhà băng lớn.

Mặc dù tiềm năng mảng tín dụng tiêu dùng còn khá lớn, vẫn còn đó các rủi ro hiện hữu đối với người cho vay. Hơn nữa, việc vay mượn quá mức chi trả có thể gia tăng tỷ lệ vỡ nợ. Tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/GDP của Việt Nam đang giảm kể từ 2012 và thấp hơn tỷ lệ dầu tư/GDP. Tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. Vì vậy, khoản nợ của khu vực cá nhân cần được quản lý chặt chẽ hơn khi rủi ro nợ xấu có thể trở lại. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay khu vực cá nhân nên ngang bằng mức tăng trưởng thu nhập.

Ngoài ra, VDSC cũng cho rằng rủi ro nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam giảm. Mức độ tổn thương từ rủi ro chênh lệch kỳ hạn ở mức vừa phải. Trong danh sách các ngân hàng thương mại VDSC xem xét, hầu hết các nhà băng đều đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, 40% trong năm 2019.
Đối với rủi ro chênh lệch thanh khoản, NHNN nhìn chung đang hỗ trợ hệ thống ngân hàng khá tích cực và hiệu quả thông qua công cụ thị trường mở. Năm 2018 ghi nhận NHNN bơm lượng lớn tiền vào hệ thống bằng hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm ổn định thị trường liên ngân hàng.
Theo bizlive.vn