Trong bối cảnh người dùng đổ xô bán tháo, ‘bán cũ đổi mới’ điện thoại Huawei, nhiều nhà bán lẻ tại Singapore và Philippines đã từ chối mua vào các thiết bị này vì lo sẽ không bán lại được cho ai.
Theo Hãng tin Reuters, các nhà bán lẻ điện thoại tại một số nước châu Á hiện đã từ chối các giao dịch kiểu bán cũ đổi mới với điện thoại Huawei trong bối cảnh ngày càng nhiều người dùng muốn thay điện thoại Huawei vì lệnh cấm liên quan tới Google.
Trước đó Google thông báo công ty này tuân thủ sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump nên sẽ dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ của họ cho Huawei.
Điều này có nghĩa những người đang dùng điện thoại Huawei sẽ đối mặt với nguy cơ trước mắt là không thể cập nhật các phiên bản mới của hệ điều hành (HĐH) Android từ cuối tháng 8 trở đi. Trong khi đó, các điện thoại mới của Huawei cũng sẽ không thể sử dụng các ứng dụng phổ biến như YouTube và Chrome.
Trước nguy cơ đó, một bộ phận người dùng tại Singapore và Philippines đã đổ xô đem bán điện thoại của họ, theo dữ liệu của các nhà bán lẻ và dữ liệu thị trường online.
Tuy nhiên rất ít nơi chấp nhận mua lại điện thoại Huawei đã qua sử dụng.
Không biết bán cho ai
“Nếu chúng tôi mua một thứ gì đó vô dụng, làm sao chúng tôi bán lại đây?”, anh Dylan On, một người bán hàng tại cửa hàng bán lẻ và sửa chữa điện thoại Wanying Pte Ltd, đặt câu hỏi ngược lại.
“Không phải vì điện thoại Huawei là đồ kém chất lượng. Sản phẩm của họ rất tốt. Chỉ là vì không ai muốn mua nó vì chính sách của Mỹ”, anh Dylan giải thích.
Người bán hàng này cũng chia sẻ kế hoạch sẽ tìm cách bán số hàng tồn Huawei hiện có trên mạng cho người mua ở nước ngoài với hi vọng họ chưa biết thông tin về các diễn biến thời sự liên quan.
Trong khi đó, trao đổi với Hãng tin Reuters, một phát ngôn viên của Huawei cho biết công ty “sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi với mọi loại smartphone Huawei, Honor cũng như các máy tính bảng hiện có”.
Trước đây Huawei từng tuyên bố đang phát triển hệ điều hành của riêng họ, và hệ điều hành này có thể với sử dụng một phiên bản “mã nguồn mở” của Android nhưng không thể truy cập các ứng dụng của Google.
Một người bán hàng tên Jack tại cửa hàng điện thoại di động Mobile Square ở Singapore cho biết nếu trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng 5 người muốn “bán cũ, sắm mới” điện thoại Huawei của họ thì con số đó đã tăng lên khoảng 20 người trong 2 ngày qua.
“Thường thì bạn chỉ thấy mọi người mang điện thoại cũ của họ tới bán để thay chiếc đời mới hơn, nhưng nay thì bạn sẽ thấy người ta đem bán cả chiếc đời mới nhất”, người bán hàng này nói thêm.
Trong khi đó, trang bán hàng trực tuyến phổ biến nhất tại Singapore, Carousell, cho biết số điện thoại Huawei rao bán đã tăng hơn gấp đôi so với ngày sắc lệnh Mỹ được công bố.
Năm ngoái, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, điện thoại Huawei chiếm khoảng 14% thị phần tại Singapore.
Chỉ mua nếu giảm giá một nửa
Cũng như tình hình tại Singapore, các nhà bán lẻ điện thoại di động tại Philippines cũng đang tránh xa các sản phẩm Huawei.
“Chúng tôi sẽ không nhận mua vào điện thoại Huawei nữa. Khách hàng của chúng tôi sẽ không mua nó nữa đâu”, chị Hamida Norhamida, nhân viên kinh doanh chuyên mua bán điện thoại di động cũ, mới tại trung tâm mua sắm Greenhills tại Manila, cho biết.
Nhân viên này cũng cho biết chị đã thở phào nhẹ nhõm sau khi bán hết được số hàng điện thoại Huawei P30 Pro ngay trước thời điểm Google phát đi thông cáo ngày 20-5.
Một nhân viên bán hàng khác cũng tại Greenhills cho biết cô sẽ chỉ mua vào điện thoại Huawei lúc này với giá giảm 50%. “Bán nó sẽ rủi ro như đánh bạc”, cô nhân viên Thelma chia sẻ.
Dĩ nhiên, lại cũng có một số người nhận thấy thời điểm này là cơ hội để có được một chiếc điện thoại chất lượng cao giá rẻ.
“Phản ứng tức thời của tôi là chiếc điện thoại Huawei của tôi hiện nay có thể là vô giá trị – chị Xin Yi, một sinh viên 24 tuổi đang học tại Singapore, kể về trường hợp của mình – Tuy nhiên Google đã nói những người dùng Huawei hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng, do đó tôi đã thở phào”.
Cô gái này cho biết đang để ý tìm mua một chiếc Huawei mới với giá “bèo” trong bối cảnh hiện tại.