Giá điện tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp

Làm việc với đoàn kiểm tra, một số doanh nghiệp khẳng định việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất gây khó khăn cho doanh nghiệp, cuối cùng chi phí đó cũng đi vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến người dân nói chung.

Trong hai ngày 8 – 9.5, đoàn kiểm tra về quy định giá bán điện và việc tăng giá điện do Bộ Công thương chủ trì làm việc với Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC), Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC) và kiểm tra thực tế tại một số đơn vị, doanh nghiệp.
Làm việc với đoàn kiểm tra, một số doanh nghiệp khẳng định việc tăng giá điệnsẽ làm tăng chi phí sản xuất gây khó khăn cho doanh nghiệp và cuối cùng chi phí đó cũng đi vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến người dân nói chung. Tương tự, đại diện tổ quản lý điện của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cũng cho biết việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ bệnh nhân và chi phí khám chữa bệnh…
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVN HCMC, đến ngày 9.5 đơn vị này tiếp nhận 779 trường hợp khiếu nại của khách hàng liên quan đến tiền điện, giá điện. Đơn vị đã giải quyết được 99,69% trường hợp, chỉ còn vài trường hợp mới phát sinh và 2 trường hợp chuyển đồng hồ điện đến đơn vị đo đếm độc lập theo yêu cầu của khách hàng.
Nguyên nhân TP.HCM có nhiều khách hàng khiếu nại là do đặc thù TP có lượng khách hàng tiêu thụ điện từ bậc 3 – 6 chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 40% số khách hàng; trong khi cả nước khách hàng chủ yếu từ bậc 1 – 3. Khung giá theo bậc thì càng dùng nhiều càng trả tiền điện giá cao. Chính vì vậy khi khách hàng tiêu dùng nhiều, rơi vào các bậc giá cao làm cho tổng hóa đơn tăng…
Trong tháng 4, EVN HCMC ghi nhận có đến hơn 47% lượng khách hàng (tương ứng gần 1,065 triệu khách hàng) sử dụng điện tăng trên 30% so với tháng trước đó. Trên cơ sở rà soát các đối tượng khách hàng nghi ngờ, đã tổ chức phúc tra 240.136 khách hàng có điện năng tiêu thụ từ 1,5 lần trở lên, đa số các trường hợp đều có chỉ số phù hợp.