Không ít trung tâm thương mại ở TP.HCM như Vincom, Saigon Centre (Q.1), Lotte (Q.7), Emart Gò Vấp hay Aeon Mall… vẫn hoạt động nhộn nhịp, hằng ngày thu hút đông khách hàng.
Điều đó cho thấy nhu cầu vui chơi, mua sắm, ăn uống của người dùng vẫn lớn.
Đến TTTM không chỉ để mua sắm…
Chuyên gia marketing Lê Phụng Hào nhận xét rằng hãy đặt Parkson lên bàn cân so sánh với các trung tâm thương mại (TTTM) đang kinh doanh sôi động, sẽ thấy rõ lý do vì sao đơn vị này bị đào thải. Không chỉ quy mô lớn hơn nhiều, nằm ở các vị trí đắc địa, các TTTM đắt khách nói trên đều có những nguồn hàng riêng với xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như khu ẩm thực phong phú, hấp dẫn.
Khách hàng đến trung tâm thương mại không còn chỉ để mua sắm. Ảnh: H.Mai.
Một số TTTM đặt ở các vùng ven thành phố như Emart hay Aeon Mall, giá thuê gian hàng thấp, thuận lợi để tạo dựng quy mô cực lớn, khách hàng còn được hỗ trợ bởi các dịch vụ xung quanh. Vì thế, những khu thương mại này lôi kéo không chỉ người dân địa phương, mà còn có nhiều khách từ các vùng khác, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Qua đó, ông Hào nhận định xu hướng của thị trường bán lẻ đã thay đổi, khách hàng đến TTTM không còn chỉ để mua sắm mà còn có thêm nhu cầu vui chơi, giải trí.
Đồng tình với quan điểm đã có sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, nhưng ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản lý doanh nghiệp (DN), cho rằng không thể so sánh Vincom, Lotte, Aeon Mall… với Parkson, Diamond Plaza hay NowZone… Theo ông, mỗi DN đi theo chiến lược kinh doanh khác nhau, nhắm vào từng phân đoạn thị trường khác nhau. Danh mục hàng hóa tại Vincom, Lotte, Aeon Mall trải dài từ thấp đến cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng hơn. Trong khi đó, mô hình của Parkson, Diamond Plaza định vị cao cấp, ngay cả hệ thống siêu thị bên trong cũng chỉ nhằm vào đối tượng cao cấp.
Theo ông Hòa, mỗi phân đoạn thị trường sẽ chịu tác động theo từng chu kỳ, từng giai đoạn của nền kinh tế, gắn liền với sức mua của người tiêu dùng. Thất bại của Parkson không phải do cạnh tranh mà là hệ quả tất yếu, minh chứng rõ nét cho sự biến động của thị trường. Ở giai đoạn nền kinh tế phát triển “nóng” khoảng chục năm trước, thị trường trung bình đến cao cấp đều phát triển. Khi đó, xu hướng tiêu dùng ở dòng sản phẩm cao cấp tốt, nên những DN, TTTM định hình ở phân khúc này như Parkson, Diamond Plaza… cũng “ăn nên làm ra”.
Ngược lại, một vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế bắt đầu chững lại, sức mua giảm về cả số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng không còn chi tiêu rộng rãi như trước, hoặc mua hàng cao cấp với số lượng ít lại, hoặc chuyển qua các thương hiệu trung bình hơn. “Nếu so với thời gian trước, doanh thu của các tên tuổi thuộc phân khúc trung bình cao, trung bình cũng sụt giảm, nhưng chắc chắn những nhãn hàng, TTTM định hướng thị trường cao cấp mới là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất, hay nói cách khác là chết trước”, ông Hòa phân tích.
Khách hàng cần một “hệ sinh thái”
Đánh giá lại mô hình hoạt động của các TTTM lớn tại VN hiện nay, ông Lê Phụng Hào cho rằng cùng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường, các TTTM muốn hoạt động hiệu quả cũng phải vận động, tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ các dịch vụ cho cả người bán lẫn người mua. Nhiều TTTM lớn đã thực hiện điều này rất tốt như luôn đảm bảo có rạp chiếu phim lớn, có khu ẩm thực phong phú hấp dẫn, khu vui chơi cho em bé rồi mới tính đến khu thương mại mua sắm. Chưa kể một số đơn vị xuất thân là nhà kinh doanh bất động sản nên đã tạo ra được một quần thể khách hàng từ khu dân cư sẵn có. Từ đó phát triển thêm một hệ sinh thái xung quanh và TTTM là một phần trong đó.
Vị chuyên gia này nhận định thị trường vẫn có cơ hội cho các đơn vị mới khai thác. Đơn cử, sắp tới khi tuyến tàu điện ngầm tại TP.HCM đi vào hoạt động thì xung quanh các ga tàu điện ngầm, các khu phố đi bộ… sẽ là những địa điểm thu hút được lượng khách rất đông. Hay tại những vùng ven ở các thành phố lớn đang phát triển, sự xuất hiện của các TTTM vẫn sẽ được yêu thích.
“Xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển nhưng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến các TTTM vì khách hàng mua online chủ yếu canh mua hàng giảm giá, chọn hàng giá thấp, trong khi phân khúc khách hàng thích đi mua sắm tại TTTM ưu tiên hàng cao cấp hơn. Quan trọng nhất là các đơn vị kinh doanh TTTM phải tạo ra được một môi trường, hệ sinh thái liên hoàn hỗ trợ phát triển lẫn nhau, từ bán lẻ đến siêu thị, vui chơi giải trí… Đặc điểm của TTTM là chỉ khi có nhiều khách mới hấp dẫn được thêm khách hàng mới”, ông nói.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cũng cho rằng một cách tự nhiên, thị trường thay đổi thì DN cũng phải thay đổi mới có thể “sống” được. Tuy nhiên, đây là bài toán rất khó cho các DN ở phân khúc cao cấp, vì ngay từ khi tham gia thị trường, họ đã định vị thương hiệu như vậy, chọn mặt bằng, vị trí như vậy thì chỉ có thể bán mặt hàng tương ứng mới có thể hoạt động hiệu quả. Giờ nếu muốn thay đổi, bắt buộc phải làm lại từ chiến lược, đổi mặt bằng rộng rãi hơn, rẻ hơn để bán nhiều mặt hàng với nhiều dải giá, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn là không đơn giản. Đó là lý do mà nhiều “ông lớn” ngã ngựa.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thách thức lớn nhất của các DN kinh doanh bán lẻ là sức mua giảm, nhu cầu xa xỉ phẩm giảm. Vì thế, các DN nên nhắm vào thị trường rộng hơn, đẩy mạnh phân khúc trung bình cao, trung bình để bù lại cho khoảng hụt từ phân khúc cao cấp.” Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa
|
Theo Thanh niên