Mẹ bỉm sữa chỉ cách xài thẻ mua sắm tiết kiệm

Đây là kinh nghiệm “xương máu” của một người mẹ bỉm sữa hiện đại như tôi mà tôi muốn chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là những bà mẹ bỉm sữa, lúc nào cũng “đau đáu” nỗi lo tiền bạc, tiền tã, tiền sữa…

Mẹ bỉm sữa chỉ cách xài thẻ mua sắm tiết kiệm - Ảnh 1.

Thời đó ông bà cứ bảo “ra đường không có tiền dằn túi lỡ đạp bể bánh tráng người ta tiền đâu mà đền?”. Bởi vậy lúc nào trong người tôi cũng phải có tiền mặt để có cảm giác an tâm nếu không may bị xẹp xe hay lỡ bạn bè đồng nghiệp hú hí café, ăn nhậu buổi tối sau khi tan sở.

Đến lúc lấy chồng, tôi vẫn giữ thói quen đó. Khi có tiền trong người thì tôi tự tin “rẽ vào hàng quán” mua sắm, có khi còn “thâm” thêm số tiền mặt mang theo. Lúc vào shop quần áo, cái nào tôi cũng thích.

Dự định ban đầu là mua một bộ thì vào đó đồ đẹp, cô bán hàng lại là người khéo ăn nói, hiểu được tâm lý của mấy bà mẹ bỉm sữa “gì cũng muốn mua cho con” nên, có khi tôi cầm theo 500.000 đồng thì bước chân ra khỏi cửa hàng quần áo là bỏ lại tờ 500.00 đồng ấy và lôi về nhà quần áo. Đồ đạc chất đống, con thì mau lớn mà số tiền lương teo tóp dần.

Rồi chưa đến cuối tháng, tôi phải cuống cuồng chạy chọt vay mượn. Có khi phải mượn đồng nghiệp, bạn thân và có khi mẹ chồng. Ôi thôi, cái việc mượn tiền vừa “mắc cỡ” vừa làm hạ uy tín của mình. Họ bảo mình già đầu có con rồi mà không biết chi tiêu hợp lý để chưa hết tháng đã hết tiền.

Đó là nỗi khổ của tôi mỗi ngày xưa khi chưa biết dùng thẻ, cứ xài tiền mặt. Từ khi hiểu được tiện ích của dùng thẻ mà không xài tiền mặt, tôi cũng tập tành chuyển đời mình từ “bà mẹ bỉm sữa truyền thống” thành “bà mẹ công nghệ thời hiện đại”.

Đầu tiên là tôi “lên đời” điện thoại cùi bắp lên smartphone. Tôi học cách xài smartphone và tận dụng các tính năng vượt trội tải các ứng dụng đặt xe, mua sắm, đặt phòng và trải nghiệm. Dần dần tôi thành thạo các thao tác trên điện thoại và tôi chỉ rời nhà khi chắc chắn có chiếc điện thoại trong túi mà không cần đến bóp tiền mặt như trước đây.

Việc thứ 2 là tôi lên ngân hàng làm cái thẻ thanh toán quốc tế JCB với hạn mức vừa phải để có thể mua sắm, chi trả thay cho tiền mặt.

Tiền trong thẻ, để hạn chế việc mua sắm vô độ như thời rút tiền mặt, tôi lên ngân hàng lập một cuốn sổ tiết kiệm online. Hằng tháng, ngân hàng cứ thế mà rút một khoản, cứ đúng ngày là điện thoại báo tin nhắn. Tôi cũng cân nhắc lượng sữa tã con dùng trong 1 tháng rồi “canh me” mấy chương trình mua sắm giảm giá và mua trên app điện thoại. Thật bất ngờ là khi trả tiền qua thẻ thì giá thường rẻ hơn rất nhiều so với thời xưa khi cầm tiền mặt ra shop mua.

Cứ thế, tôi tập tành xài các app mới trên điện thoại và thanh toán qua thẻ. Tôi mua cái máy giặt trả góp, được hoàn lại 200.000 đồng vào thẻ; mua đồ ăn qua app giá rẻ mà còn có mã giảm giá, đặt phòng đi du lịch qua app điện thoại cũng rẻ hơn so với việc tới tận nơi.

Việc thứ 3 của tôi là tự quy định bản thân là hạn chế rút tiền mặt đến mức thấp nhất. Buổi chiều đi làm về tôi không còn kiểu “tự tin” ghé vào shop quần áo giày dép như trước đây mà đi thẳng một mạch về nhà dù biết đi ngang mấy shop treo đồ có sức hấp dẫn ghê gớm. Dần dà, tôi trở thành bà mẹ công nghệ hồi nào hổng hay. Em gái nhờ tôi mua góp chiếc xe máy qua thẻ không mất lãi suất mà không phải chi nhiều tiền 1 lần.

Từ khi hạn chế cái thói quen xài tiền mặt, số tiền tiết kiệm trong tài khoản của tôi nó dôi ra mỗi ngày dù bóp tiền mặt tôi nó xẹp lép. Việc này đã giúp tôi tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được một khoản tiền so với trước đây.

Tôi thích nhẩm tiền trong tài khoản mình có chứ không còn thích cầm một cục tiền mặt người để rồi sau một buổi đi chợ, siêu thị mua sắm là hết. Việc mua sắm qua thẻ, không dùng tiền mặt đã giúp tôi không còn phải “chạy đôn chạy đáo” mượn tiền mà tự tin mình có một khoản tiết kiệm. Nó còn giúp tôi quản lý được số tiền chi tiêu mỗi tháng mà không phải chi thâm hụt qua tháng sau.

Từ khi không dùng tiền mặt tôi tiết kiệm được một khoản tiền, dù không nhiều so với nhiều người khác nhưng đối với tôi đó là bước đột phá, là thành tựu đáng tự hào.

Theo Huyền Nga – Tuổi trẻ