Những mâu thuẫn kìm chân Eximbank

Eximbank thành một hiện tượng, nhưng không vì kết quả kinh doanh đột biến mà bởi sự lệch pha giữa quyền sở hữu và quyền chi phối hội đồng quản trị.

Liên tục từ năm 2019 đến nay, điệp khúc “tổ chức” rồi “bất thành” được lặp lại với các phiên họp thường niên của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Hai phiên họp thường niên gần nhất, dù có hay không có yêu cầu về tỷ lệ cổ đông tham gia, đều bất thành. Nếu nhìn từ tỷ lệ tham gia và phủ quyết, nguyên nhân có thể đến từ cùng nhóm cổ đông đại diện 51% vốn của Eximbank. Nhóm này tham gia phiên họp 26/4 nhưng phủ quyết quy chế tổ chức và đến phiên họp 27/4 thì không đăng ký.

Một khi đại hội cổ đông của một ngân hàng cổ phần, mang tính đại chúng như Eximbank không được tổ chức thành công, các đường hướng, kế hoạch kinh doanh cũng bị đình trệ. Do chưa tổ chức phiên họp thường niên năm 2020, ngân hàng vẫn chưa thông qua kế hoạch kinh doanh năm trước dù hiện tại đã gần giữa năm 2021. Nhà băng này cũng chưa có Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2021-2025.

Trong trường hợp này, nhóm cổ đông, những chủ sở hữu, đẩy tình trạng đến mức căng thẳng chính là nạn nhân. Tại sao những nhóm này tự lấy đá đè chân mình? Một nguồn tin nói với VnExpress: “Nguyên nhân là các bên không thể đạt được tiếng nói chung về vấn đề quản trị, do sự lệch pha giữa bên sở hữu cổ phần chi phối và bên nắm quyền trong Hội đồng quản trị”.

Hội trường tổ chức phiên họp thường niên của Eximbank ngày 29/7/2020 vắng vẻ. Ảnh: Phương Đông.

Mâu thuẫn chức danh Chủ tịch Eximbank

“Giọt nước tràn ly” đẩy mâu thuẫn tại Eximbank lên cao là hai Nghị quyết Hội đồng quản trị 112 và 231 đầu năm 2019 quyết định chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trước hai quyết định này, người giữ chức chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

Nghị quyết 112 ngày 22/3/2019 bãi nhiệm ông Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế. Tuy nhiên, quyết định này vừa có hiệu lực đã bị tòa án đề nghị ngừng sau khi ông Quốc khởi kiện.

Giữa tháng 5/2019, các thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng này tiếp tục họp để xem xét lại Nghị quyết 112, bãi nhiệm chức chủ tịch với ông Quốc và bầu người thay thế.

Nghị quyết 231 sau đó được đưa ra, nhưng ký bởi ông Lê Minh Quốc với chức danh chủ tịch và chỉ có một nội dung duy nhất là “khai tử” Nghị quyết 112. Tức là, sau một vòng tròn, ông Quốc vẫn tiếp tục giữ ghế Chủ tịch Eximbank.

Bà Lương Thị Cẩm Tú trao đổi với ông Lê Minh Quốc tại phiên họp thường niên cuối tháng 4/2019. Ảnh: Phương Đông.

Nói với VnExpress, ông Đặng Anh Mai, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, cũng là chủ tọa phiên họp đưa ra Nghị quyết 231, phủ nhận tính hợp pháp của nghị quyết này.

Ngay trong thời gian phiên họp, tòa án thông báo hủy quyết định tạm ngừng Nghị quyết 112. Điều này có nghĩa, theo ông Mai, ông Quốc tại thời điểm quyết định của tòa chuyển đến Eximbank, đã mất tư cách chủ tịch. Tuy nhiên, ông Quốc sau đó vẫn dùng tư cách này ký trên Nghị quyết 231.

“Tôi với tư cách chủ tọa đã thông báo ngay khi có quyết định của tòa là phiên họp 15/5 không thông qua bất cứ một nội dung nào. Nhưng Nghị quyết 231 sau đó vẫn được đưa ra, tôi không công nhận điều đó”, ông Mai nhấn mạnh.

Ngược lại với lời kể của ông Mai, ông Lê Minh Quốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank hiện tại, ông Yasuhiro Saitoh, đều nói rằng Nghị quyết 231 được thông qua “đúng theo quy định”.

“Chúng tôi làm đúng theo quy định của pháp luật, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công nhận nghị quyết này”, ông Lê Minh Quốc trả lời báo chí tại phiên họp Đại hội cổ đông vừa rồi.

Nói thêm với VnExpress, đại diện HĐQT hiện tại của Eximbank lập luận, Nghị quyết số 231 được ông Lê Minh Quốc ký dưới chức danh chủ tịch HĐQT vào 16h05 ngày 15/5/2019, sau khi văn thư của Eximbank nhận Quyết định 159 của toà án. Đây là văn bản yêu cầu cầu huỷ quyết định trước đó của toà án về việc bãi nhiệm ông Quốc. Có nghĩa là, theo Eximbank, ông Lê Minh Quốc có đủ thẩm quyền với tư cách chủ tịch HĐQT khi ký Nghị quyết 231 (huỷ Nghị quyết 112).

Về phần mình, ông Mai cho rằng, là chủ tọa nhưng mình lại không được biết khi nghị quyết thông qua.

Ông kể, được các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank bầu giữ chức chủ tọa tại phiên họp ngày 15/5/2019 theo quy định trong điều lệ. Khi bắt đầu họp, ông thông báo, nghị quyết và biên bản chỉ được thông qua sau khi kết thúc. Nhưng khi ông Mai và một số thành viên khác ra ngoài phòng họp để chỉnh sửa các tờ trình, ông Lê Minh Quốc và những thành viên còn lại đã tự ký biên bản.

Không đồng ý với quyết định này, ông Mai đã yêu cầu ông Quốc bàn giao biên bản, đồng thời kéo dài cuộc họp để xử lý các vấn đề phát sinh. Nhưng ông Quốc không chấp nhận.

Về điểm này, phía HĐQT Eximbank lại dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Eximbank, cho thấy, quyết định của HĐQT vẫn được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành. “Như vậy, việc có 4/6 thành viên HĐQT tán thành thông qua nội dung ‘chấm dứt hiệu lực Nghị quyết 112’ là đủ điều kiện”, Eximbank cho biết.

Hội đồng quản trị ‘chia phe’

Ông Mai không phải người duy nhất không công nhận tính pháp lý của Nghị quyết 231. Báo cáo quản trị năm 2020 của Eximbank cho biết, trong số 9 thành viên Hội đồng quản trị, có ba người thường xuyên vắng mặt trong các phiên họp, gồm ông Đặng Anh Mai (vắng 24/26 phiên họp Hội đồng quản trị), bà Lương Thị Cẩm Tú (vắng 17 phiên họp) và ông Hoàng Tuấn Khải (vắng 16 phiên họp).

Lý do vắng mặt là họ không công nhận tính hợp pháp của những người triệu tập, cụ thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

“Vì không công nhận Nghị quyết 231 nên những người được bầu vào vị trí Chủ tịch Eximbank sau ông Quốc, theo tôi, là không chính danh, họ không có quyền triệu tập họp hay ký các tờ trình”, ông Mai nói.

Một nguồn tin cho biết, nhóm cổ đông ủng hộ ba thành viên trong nhóm ông Đặng Anh Mai đang chiếm ưu thế trong cơ cấu cổ đông của Eximbank. Họ đã nhiều lần đề nghị thanh lọc Hội đồng quản trị, đồng thời cũng là bên không đồng ý cho phiên họp thường niên hai năm gần đây diễn ra với sự điều hành của đại diện nhóm 6 người còn lại.

Như vậy, một bên chiếm ưu thế về cổ phần nhưng lép vế trong Hội đồng quản trị và phía bên kia thì ngược lại.

Ngay trước phiên họp cuối tháng 4, hai nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank đã gửi đề xuất bổ sung vào chương trình việc miễn nhiệm gần hết Hội đồng quản trị hiện tại. Đề nghị của hai nhóm này cũng cho thấy sự “chia phe” trong Hội đồng quản trị hiện tại của Eximbank.

Nhóm cổ đông sở hữu 10,3% vốn Eximbank đề nghị cổ đông miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020, gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.

Một nhóm cổ đông khác sở hữu 11,2% vốn đề nghị miễn nhiệm ba thành viên là ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Hoàng Tuấn Khải.

Trong hai năm xảy ra căng thẳng giữa các nhóm cổ đông, các chỉ số phản ánh kết quả kinh doanh của Eximbank không tăng trưởng, nhưng cũng không sụt giảm. Theo báo cáo kiểm toán, đến cuối năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng này đạt hơn 160.000 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với đầu năm nhưng vẫn tăng hơn 5% so với cuối năm 2018. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2020 vẫn đạt hơn 100.000 tỷ đồng.

Eximbank đáng ra có thể tăng trưởng và phát triển nhiều hơn thế. Nên dù đứng trên phương diện cổ đông hay thành viên Hội đồng quản trị, những người trong cuộc đều cho biết “rất buồn và tiếc” về tình hình hiện tại của ngân hàng.

Theo Minh Quốc

Vnexpress

Link: https://vnexpress.net/nhung-mau-thuan-kim-chan-eximbank-4273747.html