Thứ bảy, 27/10/2018, 08:18 (GMT+7)
(DNVN) – Sự tăng trưởng vượt bậc trong mảng chi tiêu Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, với số lượng giao dịch tăng đến 44%, nhưng việc trốn tránh thuế, chuyển ngoại tệ trái phép… như hình thức trong kinh tế ngầm vẫn là nỗi ám ảnh lớn.
Nặng thanh toán tiền mặt
Theo dự báo, doanh số Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong 2 năm tới sẽ đạt 10 tỷ USD, với khoảng 30% dân số mua sắm trực tuyến. Với lượng dân số trẻ là 45,8 triệu người (chiếm 49% dân số), lượng đăng ký thuê bao di động hiện là 124,7 triệu thuê bao, là lợi thế lớn cho thị trường bán lẻ trực tuyến hiện nay.
Với lượng đăng ký thuê bao di động đạt 124,7 triệu thuê bao, là lợi thế lớn cho bán lẻ trực tuyến (ảnh HH).
Tuy nhiên, trong các giao dịch TMĐT thì thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%).
Giới chuyên gia cảnh báo, việc trốn tránh thuế, chuyển đổi ngoại tệ trái phép trong bán lẻ trực tuyến chính là một hình thức của hoạt động kinh tế ngầm khi mà việc thanh toán bằng tiền mặt chưa giảm.
Bà Manjit Kaur, Giám đốc phụ trách mảng chính sách công của Tập đoàn Visa, lưu ý việc thanh toán bằng tiền mặt có liên quan kinh tế ngầm làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính ở Việt Nam.
“Một nền kinh tế nếu để tồn tại hoạt động kinh tế ngầm là điều không tốt vì có những loại hàng hoá tìm mọi cách không phải trả thuế. Điều này một mặt làm Nhà nước giảm thu, mặt khác làm ảnh hưởng đến hàng hoá của những doanh nghiệp (DN) sản xuất chân chính. Do đó, sẽ khiến cho các DN trong nước đối mặt tình trạng lỗ lã, mất thị phần” – bà Manjit nhấn mạnh.
Nhìn vào sự bùng nổ của bán lẻ trực tuyến hiện nay, bên cạnh yếu tố tích cực là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì tình trạng hàng giả, chất lượng nguồn hàng còn bỏ ngỏ, trốn tránh thuế, chuyển ngoại tệ trái phép… được cho là thấp thoáng yếu tố kinh tế ngầm có thể ảnh hưởng đến hàng Việt sản xuất chân chính.
Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết tại TP.HCM có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả. Việc này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội.
Từ hàng giả đến trốn thuế
Việc bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng thực chất là kinh tế ngầm, đã làm xấu hình ảnh thương hiệu hàng Việt. Điều này khiến các DN trong nước bị kìm hãm sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Doanh số TMĐT của Việt Nam trong 2 năm tới sẽ đạt 10 tỷ USD (ảnh HH).
Trong khi đó, những số liệu từ một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho thấy, sự tăng trưởng vượt bậc trong mảng chi tiêu TMĐT tại Việt Nam với số lượng giao dịch tăng đến 44%.
Mặc dù vậy, việc trốn tránh thuế như trong kinh tế ngầm vẫn nỗi ám ảnh với cơ quan quản lý. Chẳng hạn như khoảng 27.000 tài khoản bán hàng qua Facebook (con số thực có thể lên đến cả triệu) ở Hà Nội và TP.HCM được cơ quan quản lý thuế lọc ra hồi năm ngoái. Theo giới chuyên gia, để kiểm soát được thì cần chuyển trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, các ví điện tử hơn là sử dụng tiền mặt.
Theo vị giám đốc chính sách công của Visa, đây là vấn đề đầy thách thức. Bởi vì những đối tượng hoạt động trong kinh tế ngầm đa phần sử dụng bằng tiền mặt khi giao dịch hàng hoá và hạn chế sử dụng công cụ thanh toán điện tử nhằm tránh bị phát hiện.
Do đó, một cách để giảm thiểu kinh tế ngầm trong bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, là cần sử dụng kỹ thuật số trong thanh toán. Qua đó giúp nhà nước tránh thất thu thuế và hỗ trợ được các ngành sản xuất chân chính trong nước, để việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng công bằng hơn.
Theo DNVN