Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang mở ra khả năng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp từ Trung Quốc vào VN. Lý thuyết là thế, sự thực thế nào?
Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp cho hay nhu cầu tìm hiểu, thuê đất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc đến các khu công nghiệp tại miền Bắc đang sôi động hơn. Nhưng hầu hết họ đều muốn tìm đến khu công nghiệp do vốn Trung Quốc đầu tư.
Liên tiếp nhiều đoàn sang tìm hiểu
Vừa rót vốn hơn 800 tỉ mua lại khu công nghiệp tại Hải Dương, Công ty CP nhựa An Phát Xanh (thuộc Tập đoàn An Phát Holdings) đã xây dựng lại Khu công nghiệp An Phát Complex.
Ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, cho biết việc đầu tư này để nhằm đón bắt các cơ hội từ xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc sang VN, đặc biệt khi thương mại Mỹ – Trung căng thẳng.
“Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đến VN tìm hiểu, khảo sát vị trí đầu tư” – ông Dương cho hay.
Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến nay công ty này cho biết đã tiếp hàng loạt đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu nhằm thuê đất. Nhiều hợp đồng thuê đất dài hạn đã được ký kết từ các nhà đầu tư lớn như doanh nghiệp sản xuất giấy quy mô lớn của thế giới đến từ Hong Kong (Trung Quốc)…
Ông Nguyễn Thành Phương, tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ (Hải Phòng), cũng cho hay từ đầu năm 2018 nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc đã trực tiếp đến khảo sát Khu công nghiệp Nam Đình Vũ của công ty để thương thảo việc thuê đất, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung căng thẳng.
Trong gần 5 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã tiếp hơn 60 nhà đầu tư và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, EU có nhà máy đặt tại đại lục. Ông Phương dự kiến có thể đàm phán và “chốt” hợp đồng được với 15 nhà đầu tư.
Cũng theo ông Phương, khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, các nhà đầu tư có “gốc” Trung Quốc linh hoạt và tìm đến nhiều hơn. Nhưng cũng đã bắt đầu có xu hướng khi có một vài nhà đầu tư đa quốc gia đặt nhà máy tại Trung Quốc cũng đến tìm hiểu thuê đất.
Xu hướng chưa rõ ràng?
Dù một số lãnh đạo khu công nghiệp khẳng định số liệu của
Bộ KH-ĐT cũng cho thấy vốn Trung Quốc đổ vào VN bốn tháng đầu năm 2019 tăng tới 241% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều ý kiến vẫn nhận định khá thận trọng.
Ông Phạm Hồng Điệp nhận định thực tế để các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Hải Phòng nói riêng và VN nói chung tại thời điểm hiện nay là “rất khó”. Bởi việc dịch chuyển tài sản đã đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí rất lớn.
Những doanh nghiệp nước ngoài hoặc “tầm cỡ” từ Trung Quốc muốn chuyển dịch đầu tư sang VN cũng sẽ phải tính toán kỹ thiệt hơn bởi nhiều chính sách kiểm soát của Trung Quốc…
Cảnh giác gian lận thương mại
Ông Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại VN, cho rằng xu hướng chuyển dịch đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt khi chiến tranh thương mại nổ ra. Nước này trở thành nhà đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.
“Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu vào VN. Do đó, họ đầu tư vào đây sản xuất và lấy xuất xứ từ VN, xuất tại chỗ với thuế suất bằng 0%, lại vừa tận dụng những hiệp định thương mại tự do mà VN cam kết để hưởng thuế khi xuất ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ” – ông Mại phân tích.
Ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương, cho rằng VN có thể đón nhận sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có thể biến VN thành công xưởng sản xuất để hưởng xuất xứ hàng hóa xuất đi các nước.
Nếu VN để chuyện này xảy ra rất tai hại, nên đòi hỏi có sự kiểm soát của Nhà nước rất chặt chẽ, và các doanh nghiệp tuyệt đối không để doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng, núp bóng.
Ông Nguyễn Mại cũng cảnh báo cần cảnh giác với vốn Trung Quốc vì đã có nhiều bài học trước đây. “Không phải ta cấm đầu tư vào VN hay cho phép tất cả, mà phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược VN là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hàm lượng công nghệ” – ông Mại đề nghị.
Ông Phạm Hồng Điệp – chủ tịch Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) – cảnh báo Mỹ có trong tay danh sách các nhà đầu tư Trung Quốc, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đang có nhà máy tại Trung Quốc mà sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Dù các doanh nghiệp có dịch chuyển sang nơi nào khác thì họ cũng có thể dễ dàng nắm bắt được có bao nhiêu phần trăm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm đó được lấy từ Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phù hợp.
Đầu tư từ Trung Quốc vươn lên vị trí số 1
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), xét về cơ cấu vốn đăng ký, trong 4 tháng đầu năm 2019 Trung Quốc đã vươn lên giữ vị trí số 1 về vốn đăng ký và cấp mới tại VN với 1,3 tỉ USD và 187 dự án, vượt trên Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong đó có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất như điện tử, săm lốp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất cơ khí, đồ nội thất, kính, vải dệt nhuộm…
Chiếm gần một nửa nhà đầu tư ở Thanh Hóa
Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đến nay trong tổng số 47 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đang sản xuất hàng hóa tại tỉnh Thanh Hóa thì có tới 19 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Chiều 22-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào sản xuất giày dép, quần áo xuất khẩu.
Sau khi đặt nhà máy ở các khu công nghiệp lớn tại TP Thanh Hóa, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Thanh Hóa đang dịch chuyển đưa nhà máy về các vùng nông thôn, các huyện thuần nông.
Theo Hà Đông – Tuổi trẻ