Với mong muốn trẻ có được chiều cao vượt trội, nhiều bà mẹ đã mua những sản phẩm tăng chiều cao cho con uống, nhưng sau đó mới nhận ra kết quả không như quảng cáo.
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng chiều cao cho trẻ và cả người trưởng thành. Những sản phẩm này được gọi tên đa dạng như thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí cả kẹo giúp tăng chiều cao.
Quảng cáo sai sự thật!
Nhiều sản phẩm được quảng cáo dành cho trẻ từ 4 đến 13 tuổi, uống liên tục 3 tháng tăng từ 3-8cm, còn từ 13-19 tuổi uống liên tục cao từ 3-5cm.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy chiều cao thường không phát triển sau 24 tuổi, nhưng một số sản phẩm giúp tăng chiều cao vẫn được quảng cáo là dùng cho cả những người dưới 30 tuổi.
TS.BS Huỳnh Thoại Loan, nguyên trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khẳng định cho đến nay không có một loại thuốc hay sản phẩm nào có thể giúp trẻ bình thường tăng chiều cao lên được.
Chiều cao của trẻ vẫn phụ thuộc vào gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ. Nhiều bà mẹ đã hỏi bác sĩ về những loại sản phẩm được quảng cáo giúp tăng chiều cao trên mạng. Có những bà mẹ đã tin vào những quảng cáo này đến mức cắt cả chế độ sữa của trẻ để chỉ cho trẻ uống mỗi loại sản phẩm giúp tăng chiều cao!
Chỉ khi thấy con đã uống sản phẩm tăng chiều cao đều đặn nhưng lại không cao như trước đó, phụ huynh mới đưa con đến bệnh viện khám và “vỡ lẽ” là không có một sản phẩm nào có tác dụng tăng chiều cao như quảng cáo.
Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – phòng khám nhi Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, hiện có nhiều phụ huynh muốn con có chiều cao lý tưởng nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng.
Chưa tính đến việc những loại thực phẩm chức năng này có giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ” như lời quảng cáo hay không, thì việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất.
BS Quỳnh lưu ý việc phụ huynh theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ, đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng là rất quan trọng. Nếu biểu đồ tăng trưởng đi xuống hoặc đi ngang, hay điểm cân nặng, chiều cao nằm ở kênh thấp nhất, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng, nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như: suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mãn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng…
Theo nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4.000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não), một số khác không xác định được nguyên nhân.
Do thiếu hormone tăng trưởng
10 tuổi nhưng cháu N.V.T.D. chỉ nặng 28kg, cao 117cm, thiếu 15cm so với chuẩn chiều cao trung bình. Thấy con trai quá thấp bé, chị H., mẹ cháu D., thường mua canxi và các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao cho con uống để cải thiện chiều cao.
Tuy nhiên kết quả không như mong muốn. Sau đó, chị H. đưa con đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám thì được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng. Trước đây, mỗi năm chiều cao của D. chỉ tăng lên được 3cm. Hiện sau 14 tháng tiêm hormone tăng trưởng, chiều cao của bé đã cải thiện rõ rệt: tăng lên 12cm.
TS.BS Trần Quang Nam, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tư vấn những trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng cần được phát hiện và điều trị sớm khi tuổi còn nhỏ để cải thiện chiều cao.
Để được chẩn đoán đúng, cần các bác sĩ chuyên khoa nội tiết khảo sát về rối loạn hormone, đồng thời có sự phối hợp với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khảo sát tuổi xương và rối loạn tuyến yên. Sau khi tổng hợp các dữ kiện, bác sĩ nội tiết sẽ có chẩn đoán xác định chính xác chậm tăng trưởng có do giảm hormone tăng trưởng hay không để chỉ định điều trị.
Giai đoạn đầu, bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi sẽ chỉ định dùng bổ sung hormone tăng trưởng cho bé và theo dõi tới tuổi thiếu niên. Khi trẻ vào giai đoạn chuyển tiếp thành người lớn sẽ được đánh giá lại rối loạn hormone tăng trưởng. Trường hợp vẫn còn rối loạn, trẻ sẽ được giới thiệu sang các bác sĩ nội tiết của người lớn để tiếp tục điều trị lâu dài.
Theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25cm. Trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5cm.
Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi là chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ sẽ thấp hơn so với các bạn cùng lứa. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, sự chênh lệch về chiều cao sẽ ngày càng nhiều, gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.