Đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của đại gia ngoại bủa vây khắp Sài Gòn

Đại gia bán lẻ ngoại đang bủa vây các cửa ngõ vào trung tâm TP.HCM bằng hệ thống đại siêu thị. Trong khi đó, nội thành đang là cuộc chiến của hàng nghìn cửa hàng tiện lợi.

Các quận vùng ven TP.HCM như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… đang chứng kiến một cơn đổ bộ đại siêu thị của những tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tại cùng một quận, các đại gia ngoại này phân bổ 4-5 đại siêu thị để giành khách hàng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua các mô hình khác nhau và đều nỗ lực mở rộng chuỗi.

Công ty này đánh giá các kênh bán lẻ hiện đại gần như đang là sân chơi của các đại gia ngoại, khi các tập đoàn này hiện nắm đến 92% mô hình đại siêu thị và 80% cửa hàng tiện lợi.

Đại siêu thị bao vây các cửa ngõ vào trung tâm

Nhà nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhưng chị Xuân Khương ít khi di chuyển các điểm vui chơi, mua sắm ở trung tâm thành phố. Chị Phương cho hay từ nhà đến quận 1 cũng mất 15-20 phút đi xe máy, thậm chí hơn nửa giờ đồng hồ do kẹt xe, vì vậy, chị có phương án khác cho việc vui chơi giải trí.

“Quanh nhà tôi có khá nhiều đại siêu thị nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tại những nơi này, vợ chồng tôi có thể mua sắm đồ dùng cho cả tuần, trong khi đó, bọn trẻ cũng được vui chơi. Hễ đi nơi này chán thì cũng có một trung tâm khác để đi, không nhất thiết phải vào trung tâm thành phố”, chị Khương nói.

Mô hình đại siêu thị đặt ở cửa gõ các quận vùng ven với nhiều tiện ích được các gia đình ưa chuộng. Ảnh: Phúc Minh.

Đại siêu thị Emart nằm trên đường Nguyễn Văn Trị là ưu tiên của gia đình này, vì gần nhà. Đầu tư vào Việt Nam năm 2015, trung tâm của tập đoàn bán lẻ Shinsegae Hàn Quốc thu hút nhiều khách hàng Việt Nam, trong đó có gia đình chị Khương.

Cách nơi này khoảng 3 km là một trung tâm khác cũng thuộc sở hữu của đại gia bán lẻ Hàn Quốc – Lotte Mart. Đại siêu thị này chính thức mở cửa vào năm 2016, và là điểm kinh doanh thứ 12 tại Việt Nam của Lotte. Riêng tại TP.HCM, ngoài Gò Vấp, ông lớn bán lẻ xứ Hàn còn chọn vị trí kinh doanh các là các quận ven trung tâm như quận 7, 11, Tân Bình.

Ngoài Emart, Lotte Mart thì một đại siêu thị Big C của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) và 2 siêu thị Auchan (Pháp) cũng đặt vị trí kinh doanh tại quận Gò Vấp, nâng tổng số siêu thị, đại siêu thị ngoại tại quận này lên con số 5.

Trong khi cánh Tây Bắc được các đại gia bán lẻ ngoại tập trung đầu tư tại Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp thì tại cửa ngõ phía Tây, quận Bình Tân đang có sức hút bởi dân cư đông, diện tích rộng.

Các đại gia bán lẻ ngoại đang nắm 92% phân khúc đại siêu thị ở Việt Nam. Nguồn: Kantar Worldpanel Việt Nam.

Đại siêu thị của Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon tại quận này chính thức hoạt động vào năm 2016 và luôn tấp nập khách bất kể ngày đêm, sau một điểm kinh doanh khác tại quận Tân Phú. Cách nơi này không xa là đại siêu thị Big C, điểm kinh doanh lớn nhất trong chuỗi của “ông lớn” bán lẻ Thái Lan tại TP.HCM. Hiện 9 siêu thị của Big C ở TP.HCM đều được bố trí ở các quận xa trung tâm.

Phía Đông thành phố, cụ thể là quận 2 dường như đang là sân chơi của các đại gia Thái. Hiện Big C nắm giữ 2 siêu thị và MM Mega Market cũng có 1 điểm kinh doanh tại quận này.

Cuộc chiến hàng nghìn cửa hàng tiện lợi ở nội thành

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ trong nước được xem là một “miếng bánh” hấp dẫn mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều mơ ước. Nguyên nhân là thời gian qua trong khi mức tăng trưởng tại nhiều nước có dấu hiệu chững lại thì bán lẻ Việt Nam rất đáng kỳ vọng.

Chỉ sau vài năm, các đại gia bán lẻ ngoại đã nhanh chóng nhảy vào nhằm xâu xé miếng bánh. Trong khi khu vực vùng ven với diện tích rộng thích hợp xây dựng đại siêu thị, thì nội thành là “mảnh đất” phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp ngoại.

Chị Thanh Phương (nhân viên một ngân hàng tại quận 1) cho hay xung quanh nơi làm việc của chị có rất nhiều cửa hàng tiện lợi, của đủ các thương hiệu như Family Mart, Ministop – Aeon (Nhật Bản), Circle K (Mỹ) và Shop & Go (Singapore).

Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven lần đầu có mặt tại TP.HCM thu hút nhiều người nhưng hiện nay đã thưa thớt.

Hàng ngày, tại nơi làm việc, khi cần mua những sản phẩm lặt vặt, chị đều ghé những cửa hàng này vì sự nhanh chóng, thuận tiện. Trong khi đó, thời điểm cuối tuần, chị Phương lại hay đến một đại siêu thị gần nhà ở quận Tân Phú để vừa mua sắm, vừa vui chơi. Nơi chị Phương đang ở có cùng lúc 5 đại siêu thị lớn của các thương hiệu ngoại nhưng số lượng cửa hàng tiện lợi thì khá hạn chế.

Nhiều khu vực tại trung tâm thành phố như khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1) hay đường Mạc Đĩnh Chi cũng thuộc địa bàn quận này, số cửa hàng tiện lợi mọc lên san sát nhau.

Theo số liệu thống kê từ Kantar Worldpanel Việt Nam, hiện số lượng cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu lâu đời và phổ biến tại Việt Nam hiện đã gần 900.

Cụ thể, dẫn đầu nhóm này là hệ thống Circle K (Mỹ) với 297 cửa hàng, tiếp đến là B’s Mart (Thái Lan) với 168 cửa hàng, Family Mart (Nhật Bản) có 160 cửa hàng. Hai thương hiệu Shop & Go và Ministop lần lượt có 119 và 116 điểm kinh doanh.

Có phần chậm chân hơn là hai ông lớn 7-Eleven (Nhật Bản) và GS25 (Hàn Quốc) khi chỉ mới gia nhập Việt Nam hơn một năm nay. Điểm chung của hai thương hiệu này là cũng chọn những vị trí kinh doanh đắc địa ở TP.HCM để tiếp cận khách hàng.

Đại gia bán hàng ngoại cho người tiêu dùng Việt?

Tại cửa hàng 7-Eleven, điểm mạnh của chuỗi này là có một loạt các loại thức ăn chế biến sẵn mà khách hàng có thể dùng ngay. Trong khi mặt hàng nhu yếu phẩm không khác nhiều nơi thì tủ thức ăn làm sẵn luôn đa dạng, phong phú từ cơm, bún, phở đến gỏi cuốn, bò bía. Một số doanh nghiệp chế biến Việt đã tham gia vào mạng lưới cung ứng sản phẩm cho ông lớn này.

Các đại gia bán lẻ ngoại đều mang một số thương hiệu trong nước về phân phối “làm quen” với người tiêu dùng Việt. Ảnh: Phúc Minh.

Trong khi đó, GS25 cũng mong muốn khách hàng Việt Nam có những trải nghiệm tương tự người Hàn Quốc bằng việc cung cấp hàng tiêu dùng và thực phẩm chế biến sẵn từ Hàn Quốc.

Tham vọng là vậy nhưng việc tìm điểm nhấn của hai ông lớn này có phần khá mờ nhạt khi tại nhiều điểm kinh doanh, khách hàng vẫn chưa được thỏa mãn với những khác biệt về thương hiệu.

Trong khi đó, điểm nhấn thương hiệu của các đại siêu thị có phần làm tốt hơn. Để thu hút khách hàng, các đại gia này đã có nhiều mặt hàng mang thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản như thời trang, văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài ra, sự kết hợp mua sắm, vui chơi, giải trí trong cùng một nơi đã khiến các đại siêu thị trở nên đông đúc. Tại Aeon Mall hay Lotte Mart, số lượng người đến mua sắm và vui chơi hầu như đông nghẹt vào các buổi tối. Dịp lễ, số người đến trải nghiệm, vui chơi, và mua sắm còn nhiều hơn, nhất là khu vực thức ăn chế biến sẵn của các trung tâm này.

Nhà bán lẻ nội vẫn chưa muốn dấn thân vào đại siêu thị

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, cho rằng trong cuộc chiến bán lẻ tại Việt Nam, các thương hiệu ngoại mang đến nhiều hàng hóa ngoại, nhãn hàng riêng với giá cả phải chăng đang tạo ưu thế cạnh tranh với nhà bán lẻ trong nước.

Theo ông, động lực tăng trưởng của các nhà bán lẻ ngoại hiện nay chính là đẩy mạnh mô hình trải nghiệm đa kênh, mua sắm đa dạng cho người dùng như cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, website bán hàng.

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng doanh nghiệp này vẫn chưa có ý định lấn sân vào mô hình đại siêu thị.

Trong khi đó, phân khúc cửa hàng tiện lợi lại “ăn điểm” bởi mô hình nhỏ, thuận tiện, thâm nhập thị trường với độ phủ lớn, giờ giấc linh hoạt và đáp ứng được những nhu cầu tiêu thụ, rất phù hợp với người trẻ.

“Với các nhà bán lẻ nội, hàng siêu thị thì phát triển rất nhanh nhưng phần đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi gần như là sân chơi của đại gia ngoại. Do đó, các nhà bán lẻ trong nước cần cạnh tranh hơn nữa ở mảng này với nhà bán lẻ ngoại trong thời gian tới”, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, khuyến nghị.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi này, hiện các nhà bán lẻ nội gặp không ít khó khăn, chủ yếu về vốn và mặt bằng.

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op – ông Diệp Dũng thẳng thắn: “Đại siêu thị hiện nay sân chơi thuộc về các tập đoàn nước ngoài, Saigon Co.op chưa định hình phát triển phân khúc đại siêu thị vì tiềm lực tài chính có giới hạn. Đó là một trong những rào cản của chúng tôi”.

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op lấy ví dụ nhiều doanh nghiệp ngoại phải tốn 200 triệu USD để có một được đại siêu thị, con số này không hề nhỏ. Ông Dũng cho rằng tài chính là một trong những yếu tố quan trọng để cạnh tranh và các đại siêu thị hay trung tâm mua sắm lớn muốn có được khách hàng phải chi rất nhiều tiền cho đầu tư.

Phúc Minh

Theo Zing