Phó Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cho biết, nhiều người khi gặp cũng trao đổi, nói với ông về việc không nên dịch chuyển 40 quả “bóng xích” này về vị trí cũ.
Tối 15/12, đội tuyển Việt Nam đã đoạt chức vô địch AFF Cup 2018 trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình sau 10 năm chờ đợi.
Cùng chung niềm vui hân hoan tột cùng với khán giả cả nước, nhiều người nhắc tới 40 quả “bóng xích” ở sân Mỹ Đình và thắc mắc liệu số bóng xích có được trả nguyên trạng về khán đài B của sân vận động hay không.
Trao đổi với PV vào sáng 17/12, ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cho biết, nhiều người khi gặp cũng trao đổi, nói với ông về việc không nên dịch chuyển 40 quả “bóng xích” này về vị trí cũ nữa.
Các quả cầu tại nơi đặt tạm trong khu đất thuộc sân Mỹ Đình.
“Việc di chuyển các quả cầu, xích, cũng là mong mọi sự tốt lành cho đội tuyển và thực tế, với kỹ thuật tốt, năng lực, các cầu thủ của chúng ta đã chiến thắng.
Tuy nhiên, do cuối năm cũng nhiều công việc nên xử lý các quả cầu như thế nào, có loại bỏ hẳn không, chúng tôi sẽ cân nhắc, bàn bạc, tính toán lại cụ thể.
Trước mắt các quả cầu này vẫn ở nguyên nơi đang đặt chứ chưa di chuyển lại khu vực trước khán đài B”, ông Tiến nói.
Còn theo một cán bộ Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, sau khi được di chuyển về một góc của khu đất trống cạnh sân, hiện các quả cầu, dây xích, đế vẫn nằm nguyên vị trí, không hề bị xâm phạm hay tác động gì.
“Trước trận đấu chung kết, có thông tin nói các quả cầu bị đào hố chôn hay phá hủy hoàn toàn là không chính xác. Hiện chúng tôi vẫn để nguyên trạng và chờ quyết định cuối cùng của Ban giám đốc khu liên hợp xem có di chuyển về chỗ cũ hay xử lý như thế nào”, vị này nói.
Một quả cầu đá vẫn còn nguyên dây xích.
Đêm 5/12, ngay trước trận bán kết với tuyển Philippines, 40 quả “bóng xích” bằng bê tông đặt xung quanh sân Mỹ Đình bất ngờ được di dời ra khỏi sân vận động.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, trước trận lượt về trận Việt Nam – Philippines, phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có đề nghị và sau khi xem xét, chính ông thấy việc này hợp lý, không ảnh hưởng gì nên thống nhất cùng Ban Giám đốc tiến hành chuyển các quả cầu, xích sắt đi.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 2/9/2003. Công trình này gồm 1 sân chính có sức chứa 40.000 người và 2 sân tập, đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tổng kinh phí trọn gói là gần 53 triệu USD.
Thiết kế mặt bằng sơ bộ sân vận động do các chuyên gia Pháp thực hiện. Thiết kế kiến trúc do các tập đoàn Australia đảm nhận. Liên doanh quốc tế xây dựng sân vận động quốc gia (HISG – Trung Quốc) là tổng thầu, cùng 4 nhà thầu phụ Việt Nam.
Theo Hoàng Đan
Trí Thức trẻ