Ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết Bộ Tài nguyên môi trường đã báo cáo Thủ tướng việc giao 180ha biển Quảng Ngãi, để nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét cảng Dung Quất.
Liên quan việc giao diện tích biển lớn ở Quảng Ngãi để nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét cảng Dung Quất, ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết việc thẩm định hồ sơ cấp phép giao biển đã được thực hiện và đang báo cáo Thủ tướng.
“Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất thuộc cấp Thủ tướng đồng ý về chủ trương đầu tư.
Theo quy định, phải xin phép Thủ tướng việc giao khu vực biển nhận chìm. Bộ Tài nguyên môi trường đang báo cáo Thủ tướng về giao 180ha biển để nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét ở cảng Dung Quất”, ông Sơn cho hay.
Trước những lo lắng về việc nhận chìm khối lượng lớn chất nạo vét cảng Dung Quất, ông Sơn thừa nhận tháng 8-2017, Bộ Tài nguyên môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng về sử dụng nguồn vật liệu nạo vét cảng làm vật liệu san lấp.
Theo ông Sơn, trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu của dự án này, Bộ Tài nguyên môi trường khi phê duyệt đã không cho phép nhận chìm chất nạo vét.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết để sử dụng 19 triệu m3 chất nạo vét khu cảng Dung Quất để tàu lớn vào được cảng, phương án ban đầu là dùng chất nạo vét để san lấp các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
Nhưng sau hơn một năm, không có đơn vị nào tiêu thụ hết số lượng chất nạo vét lớn tới hơn 19 triệu m3 mà chỉ có thể sử dụng được 4 triệu m3 để san lấp, vẫn còn 15,5 triệu m3 chất nạo vét. Vì vậy, chủ dự án xây dựng lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin phép nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét còn lại.
Cũng theo ông Sơn, việc tính toán nhận chìm đã được chủ dự án thuê các đơn vị tư vấn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau đó Hội đồng của Bộ Tài nguyên môi trường thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 11-2018.
“Trong số 15,5 triệu m3 chất nạo vét, chỉ có 16% là hạt mịn bùn sét, còn 84% là cát. Vì số tài nguyên cát chiếm đến 84% nên UBND tỉnh Quảng Ngãi và chủ dự án đã nhiều lần xin xuất khẩu số cát này nhưng việc xuất khẩu cát nhiễm mặn là trái với chủ trương của Chính phủ nên mới phải tính toán đến phương án nhận chìm” – ông Sơn nói.
Về vị trí nhận chìm, ông Sơn cho biết sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi thỏa thuận và giới thiệu nơi nhận chìm cách cảng gần7km về hướng đông, cách đảo Lý Sơn 28km, Bộ Tài nguyên môi trường mới phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Tuy nhiên, Bộ này cũng yêu cầu chủ dự án phải lựa chọn nhà thầu có uy tín quốc tế, có kinh nghiệm trong việc thực hiện nạo vét và nhận chìm ở biển.
Trong trường hợp phát hiện thực tế vượt quá kết quả của mô hình dự báo chất nhận chìm, chủ dự án phải dừng ngay mọi hoạt động, báo cáo kịp thời đến UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tài nguyên môi trường để tổ chức kiểm tra lại mô hình dự báo.
Theo tuoitre.vn