Chặn dòng di dân tự do: giải pháp nào?

Để chặn dòng di dân tự do, các tỉnh “đầu đi” phải quản lý dân cư thật tốt, nếu không sẽ khó ngăn chặn nạn di dân tự do, bởi di dân tự phát là do nơi đi thiếu đất sản xuất, nơi đến có đất đai màu mỡ, rộng lớn.

Chặn dòng di dân tự do: giải pháp nào? - Ảnh 1.

Một khu dân cư tự phát phải phá bỏ để chuyển đến dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Cư Kbang, Ea Súp, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN

Bàn về giải pháp ngăn chặn di dân tự phát, ông Đỗ Văn Chiến – bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ – cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc di dân tự phát là do nơi đi thiếu đất sản xuất, đến nơi có đất đai màu mỡ, rộng lớn.

Bà con khi đi đều bán hết nhà cửa, tài sản nên việc yêu cầu họ quay về là hết sức khó khăn.

Các giải pháp ngăn chặn

Vì thế, để giải quyết tình trạng này, ông Chiến đề nghị ở tỉnh “đầu đi” phải quản lý dân cư thật tốt, nếu không sẽ khó ngăn chặn nạn di dân tự do.

“Ở “đầu đến”, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện hai chính sách cơ bản đó là mua bảo hiểm y tế để người dân được hưởng các quyền lợi căn bản và tạo thêm nhiều trường học cho con em di dân tự phát.

Cho phép các tỉnh điều tra về dân cư, đất đai để có phương án sắp xếp, ổn định dân cư. Đề nghị các tỉnh khi rà soát, sắp xếp phải tạo điều kiện cho cả bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo sự công bằng” – ông Chiến nói.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cần xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do nhằm giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Lương Thành – phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đồng bào di cư đến Tây Nguyên chiếm hơn 30% dân số Tây Nguyên, con số cho thấy cần có những nhận định, điều chỉnh chính sách đối với những đối tượng dân cư này.

“Không giao đất cho doanh nghiệp tại các khu vực mà người dân không có đất ở, đất sản xuất. Đối với công tác quản lý đất nông lâm trường, đề nghị Chính phủ quan tâm đến mô hình quản trị doanh nghiệp.

Hiện nay chúng ta đã chuyển đổi, cho cổ phần hóa nhưng thực tế vẫn là “bình mới rượu cũ” nên cần đánh giá, nghiên cứu thật kỹ để có giải pháp tối ưu” – ông Thành đề xuất.

Chặn dòng di dân tự do: giải pháp nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Thống kê giai đoạn 2005 – 2017 của Bộ NN&PTNT, nguồn: Bộ TM&MT – Đồ họa: V.CƯỜNG

Quá nhiều hệ lụy

Báo cáo tại “Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường các tỉnh Tây Nguyên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến hết năm 2017, tổng số dân di cư tự do được hỗ trợ, bố trí sắp xếp chỗ ở ổn định cho hơn 42.000/gần 67.000 hộ, còn hơn 24.500 hộ cần phải sắp xếp, bố trí chỗ ở và số này chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên…

Theo ông Cường, việc di dân ngoài kế hoạch để lại nhiều hệ lụy không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội các địa phương. Tình trạng này dẫn đến nạn chặt phá rừng khắp nơi để lấy đất làm nương rẫy, diện tích rừng tự nhiên vì vậy ngày một thu hẹp.

Đồng thời, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó nổi lên tình trạng tranh chấp đất giữa người dân di cư tự do với các nông lâm trường.

“Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí để bắt giữ người, giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp, gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng. Có nơi còn xuất hiện các băng nhóm bảo kê để tranh giành đất đai với người dân, các nông lâm trường để bán lại cho người dân cần đất” – ông Cường lo ngại.

Nói thêm về vấn đề này, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định tình trạng tranh chấp đất đai tại các nông lâm trường vẫn đang diễn biến phức tạp, “từ mâu thuẫn giữa người dân với nông lâm trường chuyển sang mâu thuẫn chính quyền”.

Đến nay, toàn Tây Nguyên còn có hơn 87.000ha đất bị lấn chiếm, tranh chấp, là một nguy cơ rất lớn đối với an ninh trật tự. Toàn vùng vẫn còn 28 vụ án phức tạp chưa được giải quyết, trong đó có một số vụ nổi cộm tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum.

Chặn dòng di dân tự do: giải pháp nào? - Ảnh 3.

“Đến năm 2025 phải ngăn chặn hoàn toàn di dân tự do, hoàn thành dứt điểm các dự án ổn định dân di cư tự do. Muốn vậy, đời sống các tỉnh phía Bắc phải được nâng cao để bà con yên tâm ở lại, các tỉnh Tây Nguyên phải ổn định người dân đã đến” – Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Trung tướng Sơn cũng cho rằng dân di cư tự do vào Tây Nguyên gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư, nguy cơ mất an ninh trật tự. Nhiều nơi không quản lý được dân cư nên không nắm tình hình an ninh trật tự một số khu vực.

Một số loại tội phạm như tín dụng đen, ma túy, cờ bạc xuất hiện nhiều hơn ở các vùng nông thôn tại Tây Nguyên. Một số vụ sử dụng hung khí để chống người thi hành công vụ đã diễn ra, ngày càng phức tạp…

“Cần giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất kéo dài, phức tạp để ngăn chặn tình trạng lợi dụng các bức xúc của nhân dân để tạo điểm nóng. Bộ Công an sẽ trấn áp các băng nhóm tội phạm về tín dụng đen, mua bán người, cờ bạc ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt vùng sâu, vùng xa” – ông Sơn nói.

Chặn dòng di dân tự do: giải pháp nào? - Ảnh 4.

Nhiều diện tích đất của các lâm trường bị tàn phá, biến thành nương rẫy. Trong ảnh: đất Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cư Mlan (Ea Súp, Đắk Lắk) bị phá, biến thành đất trồng cây lâu năm – Ảnh: TRUNG TÂN

Phải giảm dần “di dân tự do”

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng di cư tự phát là vấn đề lịch sử, vấn đề toàn cầu không phải là nhất thời. Phải nhận thức vấn đề như vậy để có những giải pháp căn bản giải quyết di dân tự do, cấp đất ở, đất sản xuất.

Đến nay vẫn còn hơn 20.000 hộ dân, bình quân mỗi gia đình 5 khẩu thì hơn 100.000 dân chưa có chỗ ở ổn định. Nếu như Tây Nguyên năm 1975 chỉ khoảng 1 triệu dân, cuối năm 2017 đã hơn 5,5 triệu dân, trong đó dân di cư hơn 3,4 triệu dân.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…

“Tôi nói rõ quan điểm nhất quán là không khuyến khích di dân tự do nhưng chúng ta cần có giải pháp mới giải quyết tình trạng này. Hãy nhìn hình ảnh những bà mẹ địu con ở Tây Bắc, lấy cây tre chọc xuống đất để tỉa bắp sẽ thấy tại sao họ vô Tây Nguyên, nơi có đất đai rộng lớn, trù phú mà không phải là nơi khác.

Nói điều đó để cho thấy phải quản lý dân cư tốt hơn cả đầu đến lẫn đầu đi, cần có bàn bạc, có giải pháp hơn” – Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nói thêm Đảng và Nhà nước không khuyến khích di dân tự do mà ổn định dân cư tại chỗ. Đặc biệt, những tỉnh phía Bắc cần tạo thêm nơi ở, việc làm để bà con ở lại quê hương, gìn giữ biên cương.

“Nhưng nếu bà con đã vào rồi, phải huy động toàn bộ nguồn lực để bà con có nơi ở hợp pháp, có đất sản xuất, đảm bảo nhu cầu cuộc sống cơ bản. Bên cạnh đó, những địa phương có dân đến phải tăng cường quản lý, ngăn chặn lấn chiếm, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tạo thành điểm nóng” – Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương từ nay đến năm 2020 giảm tình trạng di dân tự do, hoàn thành dứt điểm 32 dự án ổn định dân di cư tự do kéo dài nhiều năm.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức đào tạo nghề để người dân di cư đến phải có đời sống ngang bằng với dân cư tại chỗ.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra để giải quyết triệt để những vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

“Đừng coi thường những đốm lửa nhỏ vì nó có thể cháy cả cánh rừng. Các địa phương phải có những giải pháp cụ thể cho từng khu vực, từng vấn đề để không xảy ra những vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó hạn chế tối đa các vụ tranh chấp đất đai, tội phạm bảo kê đất” – Thủ tướng yêu cầu.

Bà TÔN THỊ NGỌC HẠNH (phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông):

Di cư tự do quá lớn, vượt khả năng của địa phương

Dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến Đắk Nông gây ra nhiều hệ lụy, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương. Đến hết năm 2017, tổng số hộ di dân tự do đến tỉnh là hơn 157.000 với hơn 646.000 nhân khẩu khiến nạn phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy tại địa phương vô cùng khốc liệt.

Đắk Nông đề nghị cho chuyển đổi một số diện tích đất có nguồn gốc lâm nghiệp để có quỹ đất ổn định dân di cư tự do. Các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để các nông lâm trường hoàn thành bàn giao các diện tích đất về địa phương quản lý và sử dụng.

Ông PHẠM NGỌC NGHỊ (chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk):

Đề nghị nâng hỗ trợ công tác bảo vệ rừng

Hiện nay kinh phí hỗ trợ công tác bảo vệ rừng quá thấp, không phù hợp nên đề nghị nâng mức hỗ trợ lên gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh tăng kinh phí hỗ trợ, cũng phải quy định rõ về trách nhiệm trong công tác quản lý và sử dụng rừng.

Không những vậy, nhiều diện tích rừng giao khoán cho doanh nghiệp, địa phương còn chưa công bằng (do chất lượng rừng không đồng đều) nên cần phải quy định lại cho cụ thể để đảm bảo công bằng.

Ông ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN (thứ trưởng Bộ Tài chính):

Thu hồi đất nông lâm trường kém hiệu quả

Bộ Tài chính đề xuất bốn cơ chế chính sách về công tác này, cụ thể: các bộ ngành cần nghiên cứu, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ quyết định xác định không giao đất cho các nông lâm trường nữa mà phải giao cho dân.

Đối với các nông lâm trường kém hiệu quả cần thu hồi giao địa phương nhưng phải có cơ chế giải quyết tài sản tại các nông lâm trường. Đối với khu vực đất rừng đã có dân ở, sản xuất nếu hợp thức hóa phải có cơ chế chính sách rõ ràng.

Đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng.

Theo tuoitre.vn