Chen lấn mua vé AFF Cup và tư duy lỗi thời lạ lùng

Vì sao người ta cứ bám lấy cơ chế bán vé mang nặng tính xin cho này? Vì đây luôn là cơ hội làm ăn màu mỡ, điếu đóm quan hệ của một nhóm lợi ích nào đó? Hay còn gì nữa?

Trần Minh (hay Facebooker Bình Bồng Bột) là một nhà báo, dịch giả và bình luận viên bóng đá tự do đang sống và làm việc tại TP.HCM. Trần Minh từng dịch cuốn Mike Tyson – Sự thật trần trụi cũng như chấp bút cho hồi ký của Hoàng Thùy Linh và Lê Công Vinh.

Đến Hà Nội để dự một sự kiện, người tổ chức cho tôi biết sẽ diễn ra trễ hơn dự kiến, vì nhiều phóng viên phải đi trực. Tôi ngạc nhiên bởi làm gì có sự kiện thể thao nào vào lúc này mà trực. Họ nói: “Phóng viên đi trực… xếp hàng”.

Hàng nghìn người đã phải rồng rắn từ tận 2 giờ sáng ngày 11/11 đến tận chiều tối để có được tấm vé vào xem Việt Nam đá với Malaysia tại AFF Cup vào thứ sáu này. Thế là các phóng viên lại phải túa ra tác nghiệp cảnh dân ta xếp hàng mua vé.

Phóng viên đi đưa tin cảnh xếp hàng đã quá mỏi mệt rồi, họ lại đối diện thêm một cơn nhức đầu khác: xin vé. Dân ta có một mặc định là phóng viên viết thể thao, tất nhiên phải có vé hoặc biết chỗ mua vé thể thao rồi.

Quả là: “Bình thường chẳng ai gọi mình. Việt Nam đá bóng mấy nghìn anh em”.

Thế nhưng những người hâm mộ chân chính, không nhờ vả có dễ mua một tấm vé không? Phía sau cánh cổng vừa bị người hâm mộ chen chúc đạp đổ là một sân bóng có 40.000 chỗ ngồi. Nhưng một ngày 11/11 vật vã cũng chỉ bán tối đa 9.000 vé. Cộng thêm 4.000 vé mua qua online, những khán giả tạm mặc định là fan ruột của đội tuyển chỉ có 13.000 vé.

Vậy số vé còn lại đi đâu? 11.000 vé được bán qua đường công văn và 16.000 vé… mời.

Cơ hội làm ăn hay gì nữa?

Số vé mời phát ra còn nhiều hơn cả vé bán chính ngạch đưa đến một tình huống kỳ lạ: người có vé lại chẳng muốn xem, kẻ cần xem thì không có vé. Cứ mỗi lần đội tuyển đá, văn phòng VFF lại nhận được bão công văn. Điện thoại của các quan chức Liên đoàn, các cầu thủ thì cháy máy vì liên tục phải nhận những lời đề nghị “cho vé”, hoặc “mua giùm vé có được không”.

Đâu chỉ phe vé trước sân, người ta còn có phe vé trên mạng. Những status như “có người anh có vé không xem nhờ em bán hộ” tràn lan trên Facebook đã tạo nên một thị trường chợ đen online sôi động. Những phe vé 4.0 này “đẳng cấp” hơn những đầu gấu chen vào dòng người xếp hàng tại Mỹ Đình nhiều.

Vì họ chẳng chen chúc, chẳng đổ mồ hôi mà chỉ cần vài giờ online trên mạng xã hội. Mỗi lần đội tuyển đá, việc phát vé mời và bán vé qua đường công văn vô hình trung tiếp tay cho nạn “phe vé đẳng cấp cao”. Đấy là điều ai cũng thấy, cũng biết nhưng … cũng vậy.

Và vì tình trạng kẻ cần không có, kẻ có không cần này, mới có chuyện một cặp vé ở khán đài A đã được rao trên các trang mạng với giá 3-4 triệu đồng, cao gấp bốn lần giá trị thật. Trong số những người sở hữu 9.000 tấm vé trong cái ngày 11/11 giông bão ấy, có bao nhiêu người sẽ vào sân để xem và bao nhiêu người đừng ngoài sân để chực chờ bán lại?

Người nước ngoài nhìn vào hàng người rồng rắn ấy sẽ gật gù tán thưởng tình yêu bóng đá vô bờ của người Việt. Nhưng người nước ta chỉ nhìn thấy những con người đang vật lộn với một cuộc làm ăn nhỏ lẻ, thời vụ.

Đâu cần đến Mỹ Đình, ngay tại Sài Gòn, trước sân Thống Nhất, người ta dễ dàng nhìn thấy những gương mặt thân quen trước mỗi trận đấu. Họ, những phụ nữ trung niên và những thanh niên, vì lý do nào đó, xem việc bán lại tấm vé chợ đen là công cuộc mưu sinh.

Họ cũng chen chúc vật vã, cũng đánh bạc với chính mình, cũng phải linh động điều chỉnh giá vé như thị trường chứng khoán, cũng mua đi bán lại, cũng toan tính khi nào nên thu vào, lúc nào nên bung ra.

Đây hoàn toàn không phải lần đầu. Cái thị trường chợ đen ấy đã tồn tại từ rất lâu – lâu như những tư duy không chịu thay đổi, bất chấp báo chí và dư luận đã chỉ ra những lỗ hổng lồ lộ trong việc bán vé, những bất cập muôn đời của cơ chế xin cho. Và cũng bất chấp cả những đề xuất tiến hành bán vé online, một xu thế tưởng chừng tất yếu khi mà các ngành khác đã áp dụng từ lâu.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao người ta cứ bám lấy cơ chế bán vé mang nặng tính xin cho này? Vì đây luôn là là cơ hội làm ăn màu mỡ, điều đóm quan hệ của một nhóm lợi ích nào đó? Hay còn gì nữa?
Các nước siết chặt nạn vé chợ đen

Tại Anh, luật không cho phép người mua được tuỳ ý bán lại vé xem bóng đá. Theo đúng luật, một người sở hữu vé, nếu quyết định không đi xem nữa, chỉ có thể bán lại nó nếu được câu lạc bộ bóng đá đã phát hành tấm vé đó cho phép.

Arsenal hoặc Liverpool thiết lập hệ thống bán lại vé riêng, hoặc người sở hữu có thể bán lại chiếc vé qua một số website hoặc bên trung gian thứ 3 được câu lạc bộ ủy quyền.

Tất cả các quy định này không chỉ nhằm ngăn chặn giá vé bị đội lên cao mà còn vì lý do an toàn – tránh khả năng một cổ động viên Chelsea mua phải chiếc vé để ngồi cùng khu vực vốn dành cho cổ động viên Arsenal chẳng hạn.

Cuối năm 2017, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đệ trình một dự luật để kiểm soát việc bán lại vé trên mạng trước thềm Olympics 2020, nhằm ngăn chặn việc giá vé bị đẩy quá cao. Dự luật này sẽ cấm việc mua vé để bán lại, kiểm tra danh tính của người mua trên cơ sở dữ liệu.

Hiện tại, việc bán lại vé trên đường phố tại Nhật Bản đã bị cấm, ai vi phạm có thể phải ngồi tù 6 tháng và bị phạt lên đến 500.000 yen (4.400 USD). Ủy ban tổ chức Olympics của Nhật Bản cũng dự định xây dựng một hệ thống đổi vé sử dụng cho Olympics và Paralympics 2020, nơi vé sẽ được bán lại với giá gốc.

Để tránh tình trạng chen chúc mệt mỏi vì xếp hàng, một số sự kiện tại Australia, như lễ hội âm nhạc Big Day Out hoặc giải thể thao của Khối Thịnh vượng chung vào năm 2016 tại Melbourne, bán vé bằng cách quay số. Điều này cũng giúp ngăn chặn việc mua nhiều vé để đầu cơ.

Một số sự kiện khác phát hành vé kèm ảnh và thông tin cá nhân của người mua, rồi đối chiếu với người sử dụng vé. Một số sự kiện tự tổ chức đấu giá vé, đưa giá bán ra “về gần với giá thị trường”. Động thái này nhằm giúp nhà tổ chức xác định được nhu cầu thị trường, trực tiếp cạnh tranh với phe vé.

Tại Mỹ, luật lệ về việc bán lại vé dao động theo từng bang và từng loại sự kiện. Theo SeatGeek (một website tìm kiếm vé tại Mỹ), bang Michigan cấm việc bán lại vé với giá quá giá gốc mà không có văn bản đồng ý của bên tổ chức sự kiện và bên vận hành địa điểm.

Tại Arkansas, vé các sự kiện thể thao và từ thiện không được phép bán lại với giá vượt giá ban đầu. Tại bang Illinois, người bán lại vé phải đăng ký với tư cách “người trung gian vé” và trả phí 100 USD/năm.

Vé phải được bán lại tại một địa điểm cố định, người bán phải trả lại toàn bộ tiền cho người mua nếu sự kiện bị hủy hoặc vé không được giao đúng hạn.

Thay đổi phải bắt đầu từ VFF, nhưng chưa đủ

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam. Cho dù VFF chịu cải tiến bằng việc phát hành vé chủ yếu qua online thì sao? Có thể phe vé chợ đen sẽ lại học cách sử dụng smartphone. Ví dụ, nếu ta chỉ bán một vé cho một CMND thì họ sẽ có cách huy động nhiều CMND.

Chính chúng ta, những người xem đã có ý nghĩ “sát giờ đến sân hãy mua, việc gì phải vội” đã tạo ra họ. Cũng như những người làm nghề “cò hành chính” ở các cơ quan làm giấy tờ, chứng từ, trả giấy phép lái xe. Chúng ta luôn sẵn sàng bỏ thêm ít tiền để mua lấy sự tiện lợi, để rồi vô tình khiến cho tiêu cực phát triển lên những mức khó thể vãn hồi.

Không có người mua, không còn kẻ bán. Đấy là thông điệp của hôm nay. Sẽ rất khó để làm điều này, nếu luật pháp còn chưa đủ nghiêm và ai cũng muốn thuận lợi, dễ dàng. Sao ta phải chờ mấy tiếng cho một buổi đăng ký xe khi đã có cò làm việc ấy? Sao ta phải lên kho bạc xếp hàng khi đã có người… nhận tiền tại chỗ.

Sao phải đến mua vé xem kịch khi chỉ cần lấy số của người bán vé chợ đen? Sao phải chen chúc trong đám đông mua vé xem bóng đá khi chỉ cần tìm một chị trung niên hay một anh thanh niên đã cầm vé sẵn trên tay?

Tôi đã từng làm tất cả những việc vừa nêu, và nhìn đoàn người rồng rắn trước sân Mỹ Đình, tôi biết rằng những người như tôi đã góp phần tạo nên tình cảnh trớ trêu này.

Và tôi cũng phải thừa nhận một điều rằng đôi khi chúng ta thấy rõ vấn đề, nhưng vẫn chẳng có cách gì ngăn dòng nước chảy. Và việc xếp hàng kia cứ đến hẹn lại lên, thời sự như vài tháng trước, vài năm trước. “Tôi thay đổi, thì mọi chuyện vẫn thế” là tư duy của đám đông.

Để thực sự chấm dứt tình trạng đoàn người rồng rắn này, chắc chắn trước tiên cần rất nhiều thay đổi về tư duy và cung cách quản lý từ VFF cũng như các cấp có thẩm quyền. Nhưng đó không thể là con đường một chiều.

Nếu điều kiện mua vé đã trở nên dễ dàng, minh bạch và công bằng hơn, thì khi đó mỗi một người hâm mộ hãy dứt khoát, quyết liệt từ chối mua vé chợ đen.

Theo Zing.vn