Hầm Thủ Thiêm (TPHCM) là cầu nối chính giữa quận 1 với quận 2, nên lưu lượng xe qua hầm ngày càng lớn gây tắc nghẽn. Trong khi đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2,3,4 được xem là giải tỏa cho đường hầm lại đang triển khai chậm như rùa bò.
Cầu Thủ Thiêm 2 chậm tiến độ
Cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với quận 2) được khởi công vào tháng 2.2015 với tổng mức đầu tư gần 4.300 tỉ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp 30.4.2018 năm nay.
Công trình được thiết kế theo cầu dây văng với 6 làn xe, dài 1.465m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư – chuyển giao), dự kiến xây dựng trong 30 tháng.
Thời điểm hoàn thành công trình đã qua đi, nhưng toàn bộ giá trị khối lượng công trình chỉ đạt 16%, dự kiến công trình phải lùi thời điểm hoàn thánh đến năm 2020.
Sáng 25.11, trao đổi với PV Báo Động, đại diện Công ty Đại Quang Minhh là chủ đầu tư công trình theo hình thức BT cho rằng, sở dĩ cầu Thủ Thiêm 2 bị chậm tiến độ là do khâu mặt bằng.
Phần lớn vường mắc mặt bằng đều nằm ở phía quận 1, chủ đầu tư chưa nhận được bàn giao mặt bằng nên không thể thi công đúng như kế hoạch.
“Công ty đã kiến nghị Sở GTVT, đến đầu tháng 11.2018 nếu có đủ mặt bằng để thi công thì dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành vào tháng 4.2020. Ngược lại, tiến độ bàn giao mặt bằng càng chậm thì thời gian hoàn thành càng bị kéo dài hơn” – đại diện Công ty Đại Quang Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Tám – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM xác nhận, tiến độ giải tỏa mặt bằng để bàn giao cho dự án hiện đang diễn ra quá chậm nên dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.
“Trước tình hình giải tỏa chậm, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu về công tác di dời, thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư” – lãnh đạo Sở GTVT nói.
Cầu Thủ Thiêm 3 và 4 vẫn nằm trên giấy
Để ra vào trung tâm TPHCM, người dân sống ở quận 2, 9, Thủ Đức và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… hầu như phải đi qua hầm Thủ Thiêm. Sở dĩ nhiều người chọn hướng đi này vì đây là hướng đi ngắn nhất, nhanh nhất và tiện lợi nhất.
Chính vì vậy, đã gây ách tắc ở khu vực đường Mai Chí Thọ và hầm Thủ Thiêm trong thời gian qua, chỉ cần một sự cố nhỏ tại hầm là có thể gậy kẹt cứng toàn bộ khu Đông.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Phạm Sanh – chuyên gia quy hoạch giao thông cho rằng, việc xây dựng các cây cầu kết nối giữa quận 1 với quận 2 là hướng quy hoạch đúng.
“Tuy nhiên, ngành GTVT nên có tầm nhìn lâu dài khi phát triển hạ tầng giao thông khu Đông, đầu tư xây nhiều cầu kết nối nhưng nếu thiếu tính liên kết với hạ tầng hiện hữu thì sẽ gây lãng phí và không giải quyết hết vấn đề ùn tắc khu này” – TS Phạm Sanh nói.
Được biết, dự án cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản (quận 4) nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, được TPHCM giao cho các đơn vị liên quan lập đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tính đến thời điểm hiện tại, dự án chỉ nằm trên giấy, chưa xác định thời gian khởi công và hoàn thành.
Cùng “số phận” như cầu Thủ Thiêm 3, dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối khu vực quận 7 với quận 2 vẫn còn trong giai đoạn đề xuất đầu tư.
Cầu Thủ Thiêm 2 chậm tiến độ, cầu Thủ Thiêm 3 và 4 thì còn nằm trên giấy, nên người dân khu Đông có khả năng phải “sống chung” với kẹt xe khi qua hầm Thủ Thiêm trong một thời gian dài.
Theo laodong.vn