Dù 30/31 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) báo lãi năm 2017, các đơn vị này còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có việc quản lý, sử dụng đất đai không hiệu quả gây lãng phí lớn.
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa chỉ ra nhiều sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước năm 2017 trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội.
Theo KTNN chi ra 8 nhóm hạn chế của nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó nổi cộm vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.
Nhiều sai phạm liên quan đến đất công
Theo đó, KTNN xác định diện tích, số lượng cơ sở đất mà các DNNN được giao rất lớn song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ, liên quan đến 6 nhóm vấn đề cụ thể.
Đầu tiên, nhiều diện tích đất chưa được các DNNN sử dụng. Điển hình như 286 ha của Tổng công ty Khánh Việt; 24,39 ha của PVFCCo; 18,92 ha của Sawaco; 7,01 ha của VNPT; 1,92 ha của VNPost; 1,63 ha của VNS; 0,21 ha của Samco.
Ngoài ra còn có 2 lô đất tại Khu công nghiệp Hòa Minh ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng của Vinapharm; một số lô đất mua từ năm 2011-2012 của PVN…
Thứ hai, nhiều DNNN sử dụng không hiệu quả hàng nghìn ha đất đai. Đơn cử như công ty mẹ Satra có 2 khu đất được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện; HFIC có 37 địa chỉ nhà đất kinh doanh trống, chưa cho thuê.
Ngoài ra, Becamex có 1.370,35 ha đất thương phẩm chưa cho thuê, dự án Trung tâm thương mại The Green River hiện tạm dừng đầu tư do mật độ dân cư hiện nay thấp; Viglacera có 353,7 ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được.
Tiếp theo, một số diện tích đất đai không được các DNNN sử dụng đúng mục đích. Danh sách này bao gồm Sagri (140,08 ha), Sawaco (3,57 ha), HFIC (0,33 ha), tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (0,01 ha), VNS (0,05 ha), một số công ty thành viên của PVN như PVOil Vũng Tàu, Petro Mekong.
KTNN cũng chỉ ra việc một số như Sagri, HFIC, VNPT, VNPost, tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Satra, Sawaco để đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp với diện tích từ 0,04 ha đến 40,56 ha.
Nhiều DNNN tại TP.HCM bị điểm mặt liên quan đến các vi phạm về quản lý, sử dụng đất công. Ảnh: Lê Quân. |
Thứ năm, KTNN cho rằng các DNNN chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.Đây cũng là vấn đề nhiều DNNN vi phạm nhất theo Kiểm toán Nhà nước.
Danh sách các DNNN sai phạm về vấn đề này gồm PVN; VNPT; VNPost; VNS; Resco; Viwaseen; Transerco; Becamex; Samco; Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn; Sagri; Tổng công ty Thanh Lễ; Satra; Sawaco; Vinapharm.
KTNN cũng chỉ ra việc tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định. Cụ thể, tại dự án UDIC Westlake của UIDC, Kiểm toán nhà nước kết luận giá cho thuê đối với diện tích thương mại và tầng hầm để xe cố định trong 50 năm không phù hợp quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kiến nghị tăng thu ngân sách thêm gần 11.000 tỷ từ DNNN
Ngoài sai phạm về đất đai, KTNN cho rằng phần lớn DNNN còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách 10.896 tỷ đồng và 337.000 USD.
Ngoài ra, nhiều DNNN quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; đầu tư tài sản cố định chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.
Tiếp theo, KTNN chỉ ra việc một số DNNN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp, việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Một hạn chế khác đến từ việc hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều công ty trực thuộc DNNN không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các DNNN thua lỗ…
Nhiều khoản đầu tư của các công ty trực thuộc PVN thua lỗ lớn. Ảnh: A.T. |
KTNN cũng chỉ ra công tác quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ; chưa xây dựng định mức lao động hoặc định mức không phù hợp với lao động thực tế; trích quỹ tiền lương không đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng cũng có nhiều vi phạm như lập quy hoạch tổng thể chưa hợp lý, phải điều chỉnh; giao chủ đầu tư chưa phù hợp; phê duyệt dự án chưa đầy đủ cơ sở hoặc không nêu rõ nguồn vốn thực hiện dự án.
Cuối cùng, KTNN đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 còn chậm, trong đó nhiều DNNN chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt. Một số doanh nghiệp chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán theo quy định tại.
KTNN nhấn mạnh các DNNN của TP.HCM đều đang tạm dừng công tác cổ phần hóa, thoái vốn; SCIC mới thực hiện bán vốn được 41/114 doanh nghiệp, không đạt kế hoạch.
Theo Zing.Vn