Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ sẽ được trừ khi không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của doanh nghiệp. Có nhiều quan điểm về vấn đề này. Bài viết dưới đây nhằm góp phần làm rõ thêm các tranh luận xoay quanh Nghị định 20.
|
Giống như một chân lý, hầu hết doanh nghiệp đều có chung suy nghĩ, hễ cứ đi vay thì chi phí lãi vay sẽ mặc nhiên được tính vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Thành Hoa |
Giống như một chân lý, hầu hết doanh nghiệp đều có chung suy nghĩ, hễ cứ đi vay (vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu) thì chi phí lãi vay sẽ mặc nhiên được tính vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. 100% sách giáo khoa tài chính hiện nay hầu như đều dạy cách vay nợ tối ưu để được hưởng lợi tối đa từ quyền khấu trừ thuế. Muốn tranh luận hay hiểu cho đúng vấn đề này, điểm bắt đầu tốt nhất là hãy nhìn về lịch sử.
Chí ít, quy định toàn bộ lãi vay được khấu trừ thuế chỉ có từ năm 1918 ở Mỹ để giúp các công ty đối phó tạm thời với những khó khăn của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhiều quốc gia khác sau đó cũng làm điều tương tự như cách thức chính phủ trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp khi nền kinh tế suy thoái. Một thế kỷ qua đi đủ để trí nhớ con người quên đi đặc ân này. Bây giờ, nếu chính phủ thu hồi một phần đặc quyền này, bằng cách giới hạn mức chi phí lãi vay được khấu trừ thuế, thì ai cũng nghĩ giống như mình bị tước đoạt.
Việc đặt ra mức trần lãi vay được khấu trừ thuế không những là một thiết kế chính sách thuế thuần túy mà nó còn là một dạng chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng, đảm bảo an toàn của toàn hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, theo IMF. |
Thậm chí có người còn viện dẫn vay mượn là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nên không thể cấm cản. Nhưng một trong những méo mó lớn nhất của thị trường tài chính là việc chính phủ nhiều nước cho phép toàn bộ lãi vay được khấu trừ thuế còn cổ tức thì không. Doanh nghiệp huy động vốn bằng nợ không phải chịu thuế.
Trong khi đó, doanh nghiệp huy động vốn cổ phần thì bị đánh thuế kép. Một lần ở cấp độ thuế công ty và lần thứ hai bị đánh thuế thu nhập trên cổ tức. Nó khiến cho ai cũng có quan niệm kinh doanh mà không vay nợ là dại dột. Cả thế giới hiện nay tràn ngập nợ nần, từ chính phủ cho đến khu vực doanh nghiệp và các hộ gia đình. Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ cứ thế mà liên tục xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây ở các nước.
Giờ thì ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu nhận thấy những rủi ro này. Họ đã đặt ra mức trần lãi vay được phép khấu trừ thuế. Quy định giới hạn mức lãi vay được cho là thuyết phục hơn các quy định về vốn mỏng (người viết đã phân tích những bất cập của quy định vốn mỏng trong một bài viết).
Ngay tại quốc gia phát kiến quy định cho phép doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay là Mỹ, mới tháng rồi Sở Thuế IRS của họ đã phát hành 439 trang hướng dẫn thực hiện giới hạn mức trần chi phí lãi vay không được vượt quá 30% thu nhập chịu thuế có điều chỉnh (lãi trước thuế cộng lãi vay và khấu hao, còn gọi là Ebitda), có hiệu lực từ năm 2018. Đến năm 2022, quy định càng thắt chặt hơn nữa (mức trần 30%) chỉ được tính trên lãi trước thuế và lãi vay, thấp hơn Ebitda. Chi phí lãi vay được phép khấu trừ thuế càng ít, hóa đơn thuế của doanh nghiệp càng nặng nề hơn.
Các công ty có mức xếp hạng tín nhiệm thấp chính là đối tượng bị trừng phạt nặng nhất. Muốn vay nợ họ buộc phải trả lãi cao, mức lãi vay càng cao càng vượt trần quy định. Mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng đổ vỡ của các công ty này càng lớn. Trong khi đó, các công ty sử dụng nhiều vốn cổ phần dễ có khả năng vượt qua các cuộc suy thoái kinh tế hơn.
Đặt mức trần lãi vay tối đa thể hiện một nguyên tắc cơ bản của bất kỳ chính sách thuế nào, đó là tính trung lập của thuế. Một chính sách thuế được gọi là trung lập nếu nó giải quyết được hai vấn đề.
Thứ nhất, giảm đi phần nào tình trạng thiên lệch nợ (debt bias). Một công ty quyết định huy động vốn bằng nợ hay bằng cổ phần là dựa trên hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh sắp đến chứ không phải dựa trên động cơ được hưởng tấm chắn thuế. Một hộ gia đình, một doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc vay nợ là thực sự dùng nó vào một dự án hiệu quả hay một khoản đầu tư hợp lý chứ không phải vì được lợi về thuế. Nếu hành vi từ các khu vực của nền kinh tế và các chủ thể của nó đều nhận thức như thế, cả nền kinh tế sẽ trở nên an toàn hơn.
Thứ hai là xử lý tình trạng giấu nợ (debt shifting). Các công ty có khuynh hướng lập ra các tập đoàn với cấu trúc phức tạp, thậm chí họ lập ra nhiều công ty ảo chỉ để dùng các kỹ thuật chuyển nợ qua lại để né thuế. Không chỉ các tập đoàn đa quốc gia mà ngay cả các tập đoàn trong một quốc gia cũng dễ dàng tận dụng được các kỹ thuật né thuế như trên. Cho dù mức lãi suất trong một quốc gia như nhau, các công ty trong nội bộ tập đoàn vẫn có thể thỏa thuận mức lãi suất thấp với ngân hàng và chuyển nợ sang các công ty có liên quan với mức lãi suất cao để thực hiện các kỹ thuật chuyển giá hoặc đầu tư tràn lan vào các dự án đầy mạo hiểm.
Báo cáo “Chính sách thuế, đòn bẩy nợ và ổn định kinh tế vĩ mô” năm 2016 của IMF có nhận định rằng việc đặt ra mức trần lãi vay được khấu trừ thuế không những là một thiết kế chính sách thuế thuần túy mà nó còn là một dạng chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng, đảm bảo an toàn của toàn hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. “Hạn chế sử dụng nợ quá mức sẽ là một trong những chính sách trọng tâm trong các chương trình cải cách thuế và ổn định hệ thống tài chính sắp tới ở các nước”, là khuyến cáo của IMF trong bản báo cáo trên.
Các bất cập của chính sách thuế không nằm ở chủ trương mà ở các chi tiết của nó. Một chính sách thuế hợp lý phải góp phần giảm nhẹ chi phí vốn của doanh nghiệp, sao cho các quyết định đầu tư hiệu quả của họ không bị ảnh hưởng. Đặt ra các mức trần lãi suất nhưng nếu không có những chính sách làm giảm gánh nặng thuế ở các khu vực khác e rằng kết quả đạt được sẽ không như mong muốn.
Có nhiều cách thức làm giảm nhẹ tác động bất lợi của quy định khống chế trần lãi vay. Tất nhiên cách tốt nhất để trung hòa tác động bất lợi của nó là mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải giảm đi. Các cách gián tiếp hơn là cho phép doanh nghiệp tăng tốc khấu hao để hoàn vốn nhanh đối với những dự án đầu tư bằng vốn vay mang lại hiệu quả, thậm chí khấu trừ toàn bộ chi phí đầu tư một lần đối với các dự án đầu tư vào công nghệ cao hoặc các lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn của quốc gia. Các khoản lợi nhuận vượt mức so với trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành chẳng hạn, có thể được phép chuyển sang kỳ sau, thay vì bị đánh thuế kỳ này. Cũng không thể nào áp dụng quy định này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp với lợi nhuận chỉ có dăm ba tỉ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, quy định mức trần lãi vay không thể áp dụng máy móc giống nhau cho mọi hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn các doanh nghiệp sử dụng vốn vay cho các dự án nhà ở xã hội không thể nào là đối tượng điều chỉnh của quy định này giống như đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại hay khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Thiết thực nhất vẫn là đến từ hành động của chính doanh nghiệp. Thay cho một kỳ vọng phi thực tế là chính phủ hủy bỏ quy định khống chế lãi vay, doanh nghiệp nên tự tìm giải pháp cho chính mình. Công ty mẹ trong các tập đoàn cần phải gấp rút thu hồi các khoản vay mượn thiếu minh bạch, hoặc giảm các dự án đầu tư không sinh lợi.
Hành động bao giờ cũng thiết thực hơn chỉ biết than vãn. Hay các doanh nghiệp cần tính toán lại chiến lược tiền tệ hóa các hóa đơn thu tiền. Họ phải tối ưu hóa giữa việc giảm giá bán sản phẩm, dịch vụ để thu về phần lớn số tiền ngay lập tức và dùng nó để tái đầu tư; hoặc vẫn giữ giá bán như cũ và dùng vốn vay ngân hàng. Nói chung, các doanh nghiệp phải thiết kế một chương trình tối ưu hóa các khoản vay tương ứng với hoạt động kinh doanh của mình trong mức trần khống chế lãi vay được phép.
Quy định khống chế mức trần lãi vay cần phải được thực thi. Các vấn đề mang tính kỹ thuật cần phải được cơ quan thuế tiếp thu và điều chỉnh hợp lý. Chúng không thể bị hủy bỏ khơi khơi như một số đề xuất.
Theo TGSG
|