‘Khóa’ đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ: Loạn giao thông

Đại gia có ý định ôm gom đất để phát triển các dự án BĐS trên đường Nguyễn Huệ phải thận trọng, nếu không thiệt nhiều hơn được…

 

Xe tăng, đường không tăng

Cũng cho rằng, đề xuất “khóa” hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ từ năm 2020 phải tính toán thận trọng, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo đề xuất trên có thể sẽ đem đến những tác động tiêu cực.


Cổng chào vào đường Nguyễn Huệ bị đổ sập. Ảnh: Zing

Trước hết, vị chuyên gia đề cập tới nguy cơ kẹt xe của TP.HCM hiện đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là tại các tuyến đường trung tâm.

“Tại TP.HCM, tỉ lệ ô tô tăng bình quân mỗi năm khoảng 10% trong khi đường sá chỉ tăng thêm 1%, chủ yếu tăng ở các khu vực vùng ven thành phố. Riêng các quận 1, quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận… gần như đường sá không thể tăng thêm, vì thế, tình trạng tắc đường tại khu vực trung tâm là quá lớn, chưa thể giải quyết được”.

Chỉ rõ nguyên nhân vì sao lại dẫn tới tình trạng tắc đường nghiêm trọng như vậy, ông Nguyễn Văn Đực chĩ rõ: “Quá nhiều dự án cao tầng, khách sạn, nhà hàng, văn phòng nằm ở trung tâm thành phố. Điển hình trên phố Nguyễn Hữu Cảnh, dọc tuyến phố xen kín các chung cư cao tầng hay như quận 1, nhiều trụ sở dự án nhưng vẫn còn nhiều dự án khác nữa đang chờ khởi công hoặc đã được khởi công.

Tại đường Nguyễn Huệ cũng đang có khá nhiều những dự án cao tầng án ngữ… quá nhiều dự án cao tầng, chung cư, văn phòng… là nguyên nhân khiến cho tình trạng giao thông tại các tuyến phố khu vực trung tâm ngày càng trở lên nghiêm trọng, khó giải quyết”, ông Đực nói.

Vấn đề tiếp theo, vị chuyên gia đề cập tới bãi đỗ xe. Ông Nguyễn Văn Đực lo ngại, tình trạng thiếu bãi đô xe tại khu vực trung tâm thành phố cũng đang là vấn đề nhức nhối. Thêm vào đó, chủ trương xây dựng tòa hành chính trung tâm của thành phố sẽ là một yếu tố làm gia tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông, gây áp lực lớn tới hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố.

Do đó, yêu cầu tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm vốn đã là một vấn đề nan giải. Nếu TP.HCM quyết định cấm hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ cũng đồng nghĩa lượng xe cộ trên tuyến phố này sẽ đổ dồn về các tuyến đường khác, khó khăn chồng thêm khó khăn.

Ông Đực nhấn mạnh, trước khi thực hiện chủ trương trên TP.HCM cần tính tới các bài toán giải quyết nhu cầu đi lại, chỗ đỗ xe cho các phương tiện giao thông. Ví dụ, phải phát triển các phương tiện công cộng như xe điện, xe buýt thay thế cho các phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, phải quy hoạch những bãi đỗ xe lớn, đáp ứng nhu cầu gửi, đỗ xe cho người dân khi muốn vào phố đi bộ.

“Nếu chưa làm được việc này đã vội vã cấm đường rất có thể sẽ gây lên những rối động rất lớn về giao thông, hạ tầng. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh, giao dịch tại tuyến đường Nguyễn Huệ có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như vậy, để chủ trương trên khả thi thì bắt buộc phải giải quyết được hai vấn đề là tắc đường và bãi đỗ xe “, ông Đực nhấn mạnh.

‘Khóa’ đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ: Vì đại gia?

Lợi bất cập hại

Tiếp tục phân tích, vị chuyên gia cho rằng đề xuất trên có thể sẽ phải nhận về nhiều ý kiến phản ứng từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn trên tuyến đường này.

Ngoài những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa phục vụ kinh doanh, du khách cũng không sẵn sàng lếch thếch kéo theo va li hành lý dong ruổi qua khắp các tuyến phố để về khách sạn đường Nguyễn Huệ. Do đó, ông cảnh báo với những đại gia có ý định ôm gom đất để phát triển các dự án BĐS trên tuyến đường này phải thận trọng, tỉnh táo, nếu không thiệt nhiều hơn được, “lợi bất cập hại”.

Chắc chắn, việc cấm đường mà không có phương án thay thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh doanh, làm sụt giảm nghiêm trọng tới thu nhập, doanh thu của các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở đây.

“Chuyện này từng xảy ra, vì thế, tôi tin các đại gia sẽ đủ tỉnh táo, không mạo hiểm chạy theo đường đi bộ để tự hại mình”, ông Đực nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc “khóa” đường Nguyễn Huệ có thể sẽ phải di dời các trụ sở làm việc, đồng nghĩa với nhiều diện tích đất vàng được bỏ không. Nếu theo sự nhạy cảm nghề nghiệp, có thể không ít đại gia cũng rất muốn nhòm ngó những vị trí này, tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu không giải quyết hai vấn đề là giao thông và bãi đỗ xe thì có thể đất trên đường Nguyễn Huệ còn bị sụt giảm, mất giá nhiều hơn.

“Cấm đường không những làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mà có nguy cơ làm cho giá BĐS khu vực này bị mất giá. Phải rất thận trọng. Tôi tin không đại gia nào lại muốn tự mình làm đau mình”, ông Đực cảnh báo.

 

Theo datviet