Tuy nhiên, trên thực tế người dân còn rất thờ ơ với việc phân loại này vì chưa thấy chính quyền phổ biến cụ thể. Bên cạnh đó, các đơn vị thu gom rác cũng mới chỉ nghe phong phanh thông tin này.
Dân: Phải đọc báo mới biết
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại phường Trường Thạnh, quận 9, hầu hết người dân chưa biết thông tin và vẫn gom rác chung một loại đổ như mọi ngày.
Chị Tống Thị Phương, phường Trường Thạnh, chia sẻ: “Tôi cũng nghe báo chí nói phải phân loại rác hữu cơ, vô cơ nên cũng lên mạng tìm hiểu. Đáng lý chính quyền phải hướng dẫn người dân cách phân biệt các loại rác, dán nhãn các túi rác như thế nào”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, quận 9 cũng nôn nóng: “Không hiểu sao Quyết định 44/2018 đã có hiệu lực nhưng chính quyền vẫn chưa triển khai đến từng hộ dân. Tôi đi ngang qua đường thấy họ căng băng rôn quá trời thì mới biết. Tôi cũng thắc mắc không biết việc phân loại này có bắt buộc không nữa”.
Người dân chưa biết rõ cách phân loại rác vì mới nghe thông tin qua báo chí. Ảnh: ĐÀO TRANG
Phường: Đường còn xa lắm!
Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết ngay khi báo chí đưa tin về Quyết định 44 của UBND TP.HCM, ông đã lên mạng tải xuống để nắm thông tin và triển khai cho người dân trên địa bàn phường nắm trước. Đồng thời, tiếp tục đợi kế hoạch triển khai cụ thể từ UBND quận.
Theo ông Sơn, theo như Quyết định 44 đưa ra thì thời gian triển khai quá gấp (ký ban hành ngày 14-11-2018; có hiệu lực ngày 24-11-2018). “Vì thế, chúng tôi chú trọng hướng dẫn người dân biết cách phân loại, dán nhãn phân biệt rác trước. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm để tính sau vì cần có lộ trình triển khai” – ông Sơn nói.
Đại diện UBND xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè cho biết hiện nay xã này chưa được triển khai thông tin về việc phải phân loại rác tại nguồn. Trong khi đó, cả huyện Nhà Bè mới làm thí điểm phân loại rác ở xã Phú Xuân nhưng cũng chưa mang lại hiệu quả.
Do xã Phước Lộc có địa hình cách trở bởi sông, mang đậm chất nông thôn nên việc thu gom còn khó khăn. Hiện nay UBND xã cũng chỉ tuyên truyền, vận động người dân tự phân loại rác tại nhà.
Đơn vị trung chuyển rác: Nơi biết, nơi không
Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng công trình (quận 12, TP.HCM), khá bất ngờ khi nghe PV hỏi về việc các đơn vị thu gom, tổ chức, cá nhân phải phân loại rác. Ông Chánh cho rằng mình chỉ là đơn vị trung chuyển nên không nắm rõ điều này.
Ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức, thông tin rằng đến nay trên địa bàn quận Thủ Đức mới chỉ triển khai thực hiện trên các phường Bình Thọ, Linh Tây và Linh Chiểu.
Theo ông Bảo, hiện nay trên địa bàn quận đang tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền, đến năm 2019 mới triển khai đồng bộ. Thực tế, phân loại rác đang diễn ra thí điểm nhưng có hộ tự giác, có hộ không làm. Đến khi thu gom lại thì toàn bộ rác lại đổ chung một chỗ, như vậy việc phân loại hết sức lãng phí. Nếu theo Quyết định 44/2018, người dân không tuân thủ quy định phân loại rác thì đơn vị thu gom không nhận rác và xử phạt, việc này chưa có nơi nào từng làm.
Lý giải về khó khăn trong công tác triển khai, ông Bảo cho biết đường dây rác dân lập có lẽ là đơn vị khó thay đổi nhất vì họ không đủ điều kiện để trang bị xe mới.