Miền Tây lên phương án di dân tránh bão số 9

 

Đến chiều 24-11, tại các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9 đã sẵn sàng. Việc di dân ra khỏi vùng nguy hiểm cũng được một số địa phương tính đến.

Bộ đội tỉnh Tiền Giang tích cực gia cố đê biển Gò Công, huyện Gò Công Đông – Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Ông Đồng Văn Lâm – chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – cho biết tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực xuyên suốt, theo dõi sát tình hình bão số 9.

Sẵn sàng di dân khi cần thiết

Tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng – cho biết Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương ven biển gồm thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung… thông báo đến người dân diễn biến cơn bão số 9.

“Các địa phương này đã có phương án di dời dân cụ thể. Tất cả đang ở tâm thế sẵn sàng khi có lệnh”, ông Quyết nói.

Ông Lê Văn Hưởng (áo đen), chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại huyện Gò Công Đông – Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Với hơn 1.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, ông Quyết cho biết đã liên lạc được toàn bộ chủ tàu. Hiện các tàu đã vào nơi neo đậu an toàn, chỉ còn vài tàu đang trên đường vào bờ.

Theo ông Quyết, trước đó Sóc Trăng cũng chủ động gia cố những đoạn đê sông, đê biển xung yếu, nhất là tuyến đê biển của thị xã Vĩnh Châu.

Tại Cần Thơ, UBND TP đã chỉ đạo khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.

Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản khi bão đổ bộ.

Lãnh đạo TP Cần Thơ cũng yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày 24-11 và ngày 25-11, theo dõi sát biễn biến báo số 9, chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản.

Ban Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Vĩnh Long cho biết địa bàn trọng yếu nhất tỉnh là 4 xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ, nơi có nhiều bè nuôi thủy sản.

Hiện tỉnh đã lập đường dây nóng gồm lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên – môi trường trực chiến 24/24 đêm nay đến ngày mai.

Đại diện Cảng vụ sân bay Cần Thơ cho biết đã có phương án phân công trực ứng phó bão số 9. Chuyến bay đi Côn Đảo lúc 15h chiều nay vẫn bay bình thường.

Các chuyến bay đến Cần Thơ đêm nay, tùy vào diễn biến bão sẽ có phương án.

Kêu gọi tàu bè khẩn trương vào bờ

Tỉnh Trà Vinh giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thường xuyên rà soát, sắp xếp neo đậu, tổng hợp, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó trong mọi tình huống.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trà Vinh, hiện các đơn vị đã liên lạc với tất cả các tàu hoạt động trên biển.

Toàn tỉnh có tổng số 1.216tàu/4.864 ngư dân, số tàu đang hoạt động trên biển là 106 tàu/446 ngư dân. Trong đó có 42 tàu/244 ngư dân hoạt động xa bờ nhưng tất cả các tàu hoạt động ngoài khu vực ảnh hưởng của bão, số còn lại neo tại bến.

Tại Vĩnh Long, ông Lưu Nhuận – chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Long – cho biết vừa ra công điện khẩn để các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới kết hợp mưa, lũ, triều cường sắp tới.

Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, triều cường thông tin đến các cấp chính quyền, người dân.

Tại Long An, ông Võ Kim Thuần – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Long An – cho biết tỉnh này đã chỉ đạo 4 huyện vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành có phương án di dời những hộ gia đình tại các khu vực xung yếu ven sông, hộ có nhà cửa không kiên cố để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Bên cạnh đó, Long An cũng yêu cầu ngưng tất cả các hoạt động phà, đò qua sông để tránh rủi ro.

Theo Tuoitre.vn