100 năm đón đưa người qua lại đôi bờ Đồng Tháp – An Giang, chỉ ít ngày nữa phà Vàm Cống sẽ trở thành ký ức lịch sử khi cây cầu nối đôi bờ sông Hậu thông xe…
Sao không buồn khi những chuyến phà đã thành một phần thân thuộc với tui. Phà ngừng hoạt động chẳng khác nào tui chia xa một người bạn
Bà Trần Thị Yến
Nắng chiều vàng vọt phủ bóng phà bạc màu thời gian. Tài công Nguyễn Văn Đồng tranh thủ phà cập bến đón khách, ngồi nhìn đăm chiêu qua cửa sổ. Xa xa, cầu Vàm Cống đã liền nhịp, ngày vui mong đợi cận kề…
Những chuyến phà như bạn thân
Ông Đồng đã lái phà hàng chục năm trên dòng sông Hậu. Từng trải cảnh chia ly bịn rịn khi cầu Cần Thơ khánh thành năm 2010, ông rời phà Cần Thơ để được tiếp tục công việc ở phà Vàm Cống.
“Chẳng hiểu sao những chuyến phà tháng 5 này tôi lại thấy buồn buồn. Chỉ ít ngày nữa thôi lại phải rời nơi này. Chắc lớn tuổi rồi nên chất chứa nhiều tâm sự hơn chăng?” – ông Đồng tâm sự rồi lại cầm chặt bánh lái đưa khách sang sông.
Gợi chuyện xưa, ông kể mình bắt đầu làm quen với những chuyến phà từ năm 1988. Xuất ngũ về làm tại bến phà Cần Thơ, ông nhớ phà xưa cũ kỹ, lạc hậu lắm chứ không được như giờ.
Cái bánh lái to như bánh xe bò, mỗi lần ông bẻ lái nhừ cả tay chứ không nhẹ nhàng như bánh lái đời mới. Có những chuyến phà qua sông hồi đó phải mất cả giờ do máy móc lạc hậu.
Cách đây 9 năm, khi về đầu quân bến phà Vàm Cống, ông Đồng vẫn nhớ như in cảm giác lái chuyến phà đầu tiên ở đây. Trên một dòng sông nhưng đoạn phà Vàm Cống dòng chảy xiết nên điều khiển vào đúng vị trí rất vất vả.
Có lúc tưởng chừng mũi phà đã chạm được phao nổi rồi, nhưng xoáy nước lớn bất ngờ đẩy phà ra xa, nhất là thời điểm mùa nước nổi, nước cuồn cuộn chảy khiến tài công rất vất vả. Phải mất cả tháng trời, ông Đồng mới làm quen được con nước khúc sông này.
Lâu dần, những chuyến phà trở nên nhẹ nhàng hơn. Ông thêm gắn bó với bến phà Vàm Cống. Đều đặn 12 giờ ca làm việc, ông đưa khách qua lại dòng sông này 60 lần.
“Nhiều người cũng hỏi tôi có nhàm chán không khi công việc cứ lặp đi lặp lại, tôi cũng không biết trả lời sao. Nhưng thực tế, chỉ nghĩ đến ngày bến phà này ngừng chạy, tôi đã muốn khóc rồi” – ông Đồng tâm sự.
Trời đang nắng gắt bất chợt đổ mưa, ông Trần Việt Dũng, 50 tuổi, nhân viên điều tiết bến phà, tất tả tìm áo mưa rồi tiếp tục công việc. Mưa càng nặng hạt, ông vẫn ra hiệu cho xe lên xuống phà trật tự.
“Làm riết rồi quen, nắng mưa với người điều tiết phà có thấm gì. Nghề này nói cực cũng không có gì quá cực, chỉ thức khuya dậy sớm thay ca” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng về bến phà từ năm 1997. Việc có vẻ đơn giản nhưng những dịp lễ, tết hoặc mùa vía Bà, du khách đổ về đông, người điều tiết cần nhanh nhẹn cho xe lên xuống, giảm ùn tắc kéo dài.
Khi được hỏi tương lai sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành, ông chỉ chặc lưỡi: “Cũng chưa biết, chỉ nghe điều về các bến phà thành viên”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Tân, nhân viên điều tiết, cũng không giấu được cảm xúc ngày những chuyến phà lùi vào dĩ vãng. Anh tâm sự mình đã phục vụ ở bến phà Vàm Cống được hơn 10 năm và rất bùi ngùi khi nó kết thúc sứ mệnh nối liền đôi bờ.
“Nắng gắt, mưa dầm gì cũng từng trải, nhưng cứ nghĩ bến phà dừng hoạt động là anh em ngậm ngùi vì nó đã gắn bó trong máu thịt mình rồi” – anh Tân xúc động.
Trong quán nước ven đường, bà Trần Thị Yến (75 tuổi) bưng cho khách ly cà phê, rồi trầm buồn chia sẻ mình đã gắn bó với bến phà này hơn 20 năm. Khách chủ yếu ghé quán uống nước là người qua lại sông Hậu. Nghe tin cầu Vàm Cống sắp hoàn thành, bà vừa vui vừa bùi ngùi dù giờ đây quán nước đã chuyển cho người con trông coi.
“Sao không buồn khi những chuyến phà đã thành một phần thân thuộc với tui. Phà ngừng hoạt động chẳng khác nào tui chia xa một người bạn” – bà Yến bâng khuâng.
Sẽ còn lại trong ký ức
Ngồi ghế đá ven đường dẫn xuống phà ở phía bờ An Giang, ông Lê Văn Mười, giám đốc cụm phà Vàm Cống, trầm ngâm nhìn theo bóng phà đang rời bờ hướng sang Đồng Tháp. Hơn 30 năm làm việc, ông Mười đã quen dần với việc chia ly những bến phà đầy kỷ niệm, nên lần này ông đón nhận một cách nhẹ nhàng.
Gắn bó phà Vàm Cống từ cuối thập niên 1980 khi còn là thủy thủ tuổi 25, rồi ông Mười lên làm bến trưởng phà này hơn 10 năm và sau đó lại sang làm trưởng bến phà Mỹ Lợi, tỉnh Long An.
Khi cầu Mỹ Lợi thông xe năm 2015, ông được điều về bến phà Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), thời gian sau lại trở về làm giám đốc cụm phà Vàm Cống. “Làm đâu cũng vậy, miễn sao còn được gắn bó với những chuyến phà là tui vui rồi” – ông Mười tâm sự.
Theo ông Mười, bến phà Vàm Cống hiện có 10 chiếc phà. Dự kiến khi cầu Vàm Cống thông xe, bến phà sẽ giao cho tỉnh Đồng Tháp 4 chiếc, số còn lại phân bổ cho các bến phà còn lại như phà Đình Khao (Vĩnh Long – Bến Tre), phà Kênh Tắt, phà Láng Sắt (Trà Vinh), phà Đại Ngãi (Sóc Trăng – Trà Vinh).
Đặc biệt, 167 cán bộ, nhân viên tại bến phà Vàm Cống sẽ tùy nguyện vọng từng người mà phân bổ về các bến phà khác ở miền Tây.
Đứng lặng nhìn dòng xe qua lại, ông Phan Văn Do, công nhân vệ sinh, tâm sự đồng lương hằng tháng chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng khoảng thời gian gắn bó với bến phà Vàm Cống sẽ không thể nào phai nhạt trong ông.
Những ngày nắng nóng, khói bụi phà vào mặt cháy rát, hay những chiều mưa dầm xối xả nơi bến phà đã khắc sâu vào ký ức người lao công già…
Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên – trưởng bến phà Vàm Cống, bến phà này có từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, bến được địa phương quản lý, đến năm 1997 thì giao về Khu quản lý đường bộ VII.
Hiện bình quân mỗi ngày bến phà Vàm Cống vận chuyển khoảng 5.500 ôtô và 12.000 xe máy qua sông Hậu. Do lượng phương tiện ngày càng tăng, nhất là cuối tuần, dịp lễ nên bến phà thường xuyên xảy ra ùn ứ do quá tải…