Những đứa trẻ kangaroo

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 1.
Những đứa bé kangaroo - Ảnh 2.

19 năm trước, chị Trâm 24 tuổi. Mang bầu đến tháng thứ 8, chị cảm nhận có điều gì đó bất thường với bào thai khi bụng càng ngày càng nhỏ đi dù đi khám nhiều nơi bác sĩ nói “bình thường”.

Đến khi vào Bệnh viện Từ Dũ thăm khám, chị mới biết nước ối nuôi thai nhi chỉ còn 4 phân, thiếu hụt nghiêm trọng so với mức bình thường (10 phân).

Nhập viện từ sáng đến trưa, nước ối tiếp tục giảm chỉ còn 2 phân, điều vô cùng nguy hiểm bởi thai nhi có thể bị chết ngạt.

Không còn giây phút nào để chần chừ, lập tức chị được đưa thẳng lên bàn mổ và trong tích tắc đứa con được đưa ra khỏi bụng mẹ, chuyển sang hồi sức cấp cứu.

Không kịp nhìn thấy con, chỉ nghe tiếng bước chân, tiếng nhân viên y tế hô hoán “hồi sức cấp cứu” lòng chị càng như lửa đốt. Cảm giác đau đớn thể xác bởi vết mổ lúc này không còn nghĩa lý gì với cảm giác lo sợ cho sinh mệnh đứa con non tháng của mình.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 3.

“Tôi cố giấu cảm xúc lo sợ, chỉ còn biết nằm đếm thời gian, cầu nguyện cho con được bình an”, và điều lo sợ nhất may mắn không xảy ra nhưng bà mẹ trẻ lại đón nhận một tin không vui: bé sứt môi, tai lớn tai nhỏ, phình đại tràng – các dị tật thường thấy ở trẻ sinh non.

Khải được chăm sóc trong lồng kính gần một tháng mới được gặp mẹ và hành trình “ấp” kangaroo bắt đầu.

Lần đầu có con, chị Trâm chưa có kinh nghiệm gì về chăm sóc trẻ sơ sinh, đằng này con lại là trẻ sinh non. May mắn, chị được “bác Chi” (bác sĩ Lương Kim Chi, nguyên trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ) tận tình chỉ cho từng thao tác ấp con, cách thông ống bao tử bơm sữa.

Ngày qua ngày, trước ngực người mẹ trẻ tuổi là hình hài đứa con bé nhỏ với làn da non tơ áp vào da thịt như chính hình ảnh chú kangaroo ôm ấp bảo vệ con ngay trước túi ngực của mình.

Không dám trở mình mạnh, chị chỉ nằm trên ghế với tư thế hơi nghiêng để con khỏi giật mình. Đêm cũng như ngày, mẹ con tuy hai mà một, cứ như hình với bóng. Đôi bàn tay chị liên tục vuốt ve, vỗ về cho đứa con bé bỏng say giấc.

Mỗi khi cân con nhích lên được vài trăm gam vợ chồng lại mừng thầm, như được tiếp thêm động lực. Suốt những ngày ấp con “da kề da” ấy, sợi dây tình cảm mẹ – con với chị càng gần gũi hơn bao giờ hết.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 4.

Giống như bao cặp vợ chồng trẻ khác, để chào đón sự ra đời của đứa con trai đầu lòng, vợ chồng chị Trâm mua sắm đủ thứ quần áo, nón, tất chân tay… Thế nhưng ngày con ra đời với cân nặng khiêm tốn tất cả đều trở nên quá rộng với hình hài bé tí.

“Chồng tôi phải lấy chiếc áo thun của ông ngoại cắt ra, hai cánh tay khâu lại được hai cái nón, lưng và ngực áo cắt may được mấy chiếc áo và bao tay, bao chân bé tí. Đến bây giờ tôi còn lưu giữ để làm kỷ niệm” – chị tâm sự.

Khải chính là lứa đầu tiên được nuôi dưỡng, chăm sóc theo phương pháp kangaroo tại Bệnh viện Từ Dũ. Suốt hành trình trưởng thành, cậu bé phải đối mặt với nhiều vấn đề bởi sức khỏe không ổn định, cùng ba mẹ vào ra bệnh viện vô số lần để phẫu thuật đường ruột.

“Nhưng với em bây giờ mọi thứ trở về bình thường, em thấy trân trọng cuộc sống này và càng thương ba mẹ nhiều hơn” – Khải nói.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 6.

Mít và Ổi là biệt danh ở nhà của cặp song sinh “đẹp như mơ” Nguyễn Minh Long, Nguyễn Minh Thành năm nay vừa tròn 4 tuổi.

Ngày lọt lòng, nhìn hai đứa con đỏ hỏn, bé tí xíu nằm gọn trên lòng bàn tay mẹ, chị Trần Thị Bích Hà (ngụ quận Gò Vấp) rất sốc.

Khác xa hình ảnh 4 năm về trước, giờ đây các bé trắng trẻo, thông minh, tinh nghịch và rất… đẹp trai, điều cực kỳ khó tin bởi hai cậu bé chào đời trước ngày dự sinh khoảng hai tháng, cân nặng lúc ấy chỉ 900 – 950g.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 7.

Các bé được cha mẹ cho tham dự ngày Thế giới vì trẻ sinh non sáng 17-11 tại Bệnh viện Từ Dũ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Không như các bà mẹ khác, việc mang bầu của chị Hà cũng trải qua lắm phen trúc trắc. Buồng trứng của chị bị đa nang khiến việc có con phải nhờ vào phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Thụ tinh ống nghiệm cực kỳ tốn kém và phải đến lần thứ hai mới thành công. 8 tuần sau vợ chồng đón nhận tin vui đậu “song thai”, thế nhưng do cơ địa người mẹ yếu, thai đôi nên liên tục bị dọa sinh non.

Tình trạng này kéo dài đến tuần 27 thì chị buộc phải nhập viện sinh thường bởi những cơn gò gây vỡ ối.

Và phải non một tháng rưỡi được chăm sóc trong lồng kính, hai đứa bé mới lần lượt được đưa ra ngoài để “ấp”.

Do có tới hai bé sinh non nên những ngày ấy gia đình chị phải huy động tới 4 người gồm cả ông bà nội ngoại thay phiên nhau cởi áo “ấp” bé vào lòng liên tục suốt ngày đêm.

Các bé không thể tự bú nên phải phải vắt sữa, bơm từng giọt qua ống xylanh xuống dạ dày, nhưng mỗi lần bú lại hay bị trào ngược nên việc chăm sóc luôn phải rất cẩn trọng.

“Điều may mắn nhất là các con phát triển rất bình thường, rất biết quan tâm mỗi lúc mẹ bị đau”, chị Hà kể.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 8.

Tương tự, để có ngày hôm nay, có trong tay “gia sản quý” là hai bé song sinh Chích Bông và Ping, vợ chồng anh Vũ Việt Hoàng (35 tuổi, ngụ Vũng Tàu) cũng phải trải qua hành trình khó quên: năm lần thụ tinh ống nghiệm, một lần hỏng thai.

Hai bé chào đời với cân nặng tương ứng 1,15kg và 1,05kg, trải qua quá trình “ấp” kangaroo đến nay, gần 1 tuổi, các bé đều có cân nặng 10kg.

Đến tận bây giờ anh Hoàng mới có thể thở phào khi cả bé Chích Bông và bé Ping chỉ bị cận, còn các bộ phận khác trên cơ thể đều phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 10.

Buổi kỷ niệm ngày trẻ em sinh non được tổ chức ở Bệnh viện Từ Dũ mới đây bỗng chốc trở thành một cuộc hội ngộ gia đình thật ấm áp. Không máu mủ ruột thịt, mỗi người một nơi, một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một sợi dây tình cảm đặc biệt.

Những cái tên Mít, Ổi, Cóc, Chích Bông, Bi, Bo, Bin… được các bác sĩ Từ Anh, Cẩm Giang, Ngọc Quyên… nhắc nhớ, nhéo má, nhéo tai, ôm hôn thắm thiết.

Mới ngày nào còn bé tí, đủ thứ dây nhợ quấn quanh giờ các bé đều khôn lớn, khỏe mạnh.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 11.

“Nuôi trẻ sinh non là một chặng đường dài gian nan. Các bà mẹ phải chịu nhiều áp lực, lo lắng, căng thẳng. Các bác sĩ và nữ hộ sinh khi hỗ trợ các bà mẹ bằng cách hướng dẫn phương pháp chăm sóc này rất đồng cảm với những khó khăn về vật chất và tinh thần của các bà mẹ”, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Từ Anh – trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – nói.

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 12.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Từ Anh, trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đúng thế. Như lời của bác sĩ Trương Hồ Ngọc Quyên tâm sự chặng đường ấy dù không có trèo đèo vượt suối nhưng độ trắc trở, hồi hộp, lo sợ lại lớn hơn bất kỳ cuộc hành trình nào khác.

Nếu không bị buộc rơi vào hoàn cảnh ấy chúng ta không thể ngờ được mình lại có đủ sức mạnh để vượt qua…

Những đứa bé kangaroo - Ảnh 14.
Những đứa bé kangaroo - Ảnh 15.

Theo tuoitre.vn