- 3
Giữa lùm xùm kiện tụng với Grab, tình hình kinh doanh của hãng taxi truyền thống Vinasun ngày càng khó khăn khi số lợi nhuận 9 tháng từ đầu năm đã giảm gần 3 lần cùng kỳ.
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (mã chứng khóa: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với kết quả lợi nhuận xuống thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong 3 tháng của quý III, hãng taxi truyền thống lớn nhất TP.HCM này ghi nhận gần 538 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm được giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp hãng thu về trong quý vừa qua vẫn tăng nhẹ lên mức 117 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vinasun cũng đã cắt giảm được rất nhiều chi phí trong kỳ vừa qua đặc biệt là chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Việc cắt giảm được hơn 5% chi phí vận hành trong kỳ đã giúp hãng thu về hơn 22 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng hơn 39% so với cùng kỳ quý III năm trước.
Tuy nhiên, tiền thu từ hoạt động khác mà chủ yếu là thanh lý tài sản, xe cũ trong quý vừa qua đã giảm tới 61% so với số thu về được trong cùng kỳ năm trước, đạt 70 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận cuối cùng của Vinasun giảm rất mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả, hãng taxi này thu về 39 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhưng xét về hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi, Vinasun đã cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ khi giảm phụ thuộc vào hoạt động thanh lý tài sản.
Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, hãng taxi truyền thống này thu về 1.557 tỷ đồng doanh thu, hãng cũng ghi nhận thêm 31 tỷ từ tiền quảng cáo trên taxi, tăng 18% và 36 tỷ đồng từ thanh lý xe taxi cũ. Những kết quả này cũng không đủ để Vinasun cải thiện kết quả lợi nhuận của công ty khi chỉ đạt gần 56 tỷ đồng lãi ròng, chỉ tương đương 1/3 kết quả đạt được cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng thấp nhất trong nhiều năm nay của hãng taxi truyền thống nổi tiếng phía Nam này.
Mới đây, TAND TP.HCM đã mở lại phiên xét xử vụ Vinasun kiện GrabTaxi, đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 phiên tòa được mở. Ở 3 lần trước đó, HĐXX quyết định hoãn và tạm đình chỉ do cần phải đợi kết quả thu thập chứng cứ, tài liệu từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM và Bộ Giao thông Vận tải và đề xuất của Grab.
Vinasun và Grab đang ở trong vòng xoáy kiện tụng nhau. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Theo đó, Vinasun khởi kiện GrabTaxi đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.
Theo Vinasun, nguyên nhân khoản lợi nhuận của công ty bị giảm là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật Việt Nam của Grab. Cụ thể, hãng này cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Đại diện hãng taxi truyền thống này cũng khẳng định thiệt hại thực tế Vinasun phải nhận lớn hơn rất nhiều con số 41 tỷ đồng, nhưng để nhanh chóng ngăn thiệt hại nên hãng quyết định kiện và yêu cầu bồi thường số tiền đó.
Theo Zing.vn