Xả trạm BOT dịp tết: được không?

Liệu dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các trạm thu phí BOT có xả trạm để tạo điều kiện cho xe lưu thông thông suốt, tránh ùn tắc không?

Xả trạm BOT dịp tết: được không? - Ảnh 1.

Xe ra vào trạm thu phí An Sương – An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Những ngày trước Tết Nguyên đán (từ 26 đến 30 tháng chạp) và sau tết (từ mùng 6 đến 10 tháng giêng âm lịch), lượng xe cộ đi lại trên quốc lộ 1 rất lớn. Đây cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông lớn bởi các trạm thu phí BOT.

Trong khi đó, các trạm thu phí BOT thường chỉ xả trạm trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tết hằng năm, thời điểm này lưu lượng xe qua lại trên các tuyến quốc lộ không nhiều.

Tránh ùn tắc và “lì xì” cho cộng đồng

Anh Trần Phúc Lộc – một tài xế xe du lịch – cho biết thường xuyên đưa đón khách trên tuyến đường từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây vào các dịp lễ, tết. Vào cao điểm, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương kẹt xe liên tục do lượng xe quá đông, nhất là những ngày cận tết từ 27 đến 29 tháng chạp. Thế nhưng trạm thu phí này rất ít khi xả trạm, nên anh Lộc đề xuất trong các ngày cao điểm tết cần phải xả trạm, không để ùn tắc như mọi năm.

Ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM – cho rằng vào dịp tết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa từ TP đi các tỉnh lân cận (và ngược lại) rất nhiều. Do đó, khu vực cửa ngõ TP có các trạm thu phí lớn nhỏ thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe kéo dài. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.

“Hiệp hội rất mong các chủ đầu tư xem xét xả trạm để giúp việc đi lại, thông thương nhanh chóng không xảy ra ùn tắc vào những ngày cao điểm” – ông Quản nói.

Ông Trần Thượng Chí, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết luật có quy định nếu bị ùn tắc kéo dài thì buộc phải xả trạm. Còn về việc xả trạm trong ngày tết, với tư cách cá nhân, ông Chí hoàn toàn ủng hộ và đồng tình.

“Doanh nghiệp thu phí BOT giao thông nên xả trạm vào hai hoặc ba ngày trước, trong tết coi như đó là lì xì đầu năm cho người dân, cộng đồng và cũng là dịp để nhân viên thu phí được nghỉ tết” – ông Chí đề xuất.

Ông Đinh Hồng Hà, tổng giám đốc BVEC (quản lý trạm thu phí T3 – quốc lộ 51 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho rằng đây là ý kiến hay, quan điểm cá nhân của ông là ủng hộ và sẽ xin ý kiến của hội đồng quản trị về việc này trong dịp tết sắp tới.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành – cục trưởng Cục 4 (phụ trách 22 tỉnh, thành phía Nam) Tổng cục Đường bộ VN – nói rằng đúng là chưa có quy định bắt buộc mà chỉ phụ thuộc vào các nhà đầu tư BOT, nhưng doanh nghiệp nên xả trạm trong dịp tết. Ông Thành đề nghị nếu xả trạm thì nên xả vào một hai ngày trước tết như 28, 29 tết và sau tết là mùng 6 vì lưu lượng xe trở lại các thành phố để đi làm sẽ rất đông bởi năm nay mùng 7 (thứ hai) là ngày đi làm đầu tiên sau tết.

Còn theo ông Từ Nam Thành – phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, những năm trước đây tỉnh này thường có văn bản đề nghị các trạm BOT xả trạm trong những ngày cận Tết âm lịch và một số chủ đầu tư cũng đã đồng ý xả trạm.

“Năm nay, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến đề nghị các chủ đầu tư trên địa bàn và cả Tổng cục Đường bộ xả trạm thu phí sớm hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân” – ông Thành nói.

Xả trạm BOT dịp tết: được không? - Ảnh 2.

Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ kẹt cứng dịp tết năm ngoái – Ảnh: NAM TRẦN

Không thể tự ý xả trạm?

Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, hầu hết các chủ đầu tư dự án BOT giao thông đường bộ cho rằng không dễ để xả trạm như đề nghị trên. Ông Nguyễn Thanh Quang – giám đốc chi nhánh BOT Sông Phan (chủ đầu tư dự án BOT Sông Phan, Bình Thuận) – cho biết tất cả phải được sự chấp thuận của Bộ GTVT. Ông Quang cho rằng chủ đầu tư không thể tự mình cho phép đặt ra thời điểm và cách thức xả trạm.

Ông Hồ Anh Sơn – giám đốc BOT Điện Bàn (Quảng Nam) – cho biết năm nào đêm giao thừa đến sáng mùng 2 trạm này cũng đều xả cửa, nhưng xét lại thì thấy là sai quy định về thu phí. Theo ông Sơn, nếu các bộ ngành có quy định thì chủ đầu tư sẽ chấp hành, ủng hộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh – tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) – cho rằng về nguyên tắc tiền thu phí đối với một số dự án sử dụng vốn nhà nước là tiền của Nhà nước, các dự án BOT vay vốn ngân hàng là tiền của ngân hàng chứ không phải tiền doanh nghiệp. Mục tiêu thu phí là để hoàn trả cho Nhà nước, ngân hàng. Nếu doanh nghiệp tự bỏ tiền của mình để miễn phí cho tài xế là đáng khen nhưng không nên miễn phí một vài ngày rồi kéo dài thời gian thu phí để bù lại.

Tương tự, ông Mai Tuấn Anh – chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – nói việc xả trạm phục vụ người dân là tốt, nhưng xả trạm rồi kéo dài thời gian thu phí là câu chuyện cần cân nhắc.

“Chính sách phải tính tổng thể chứ không chỉ một vài trường hợp. Các nhà đầu tư BOT tư nhân dễ quyết định việc xả trạm hay không nhưng với VEC, vốn đầu tư các đường cao tốc là tiền nhà nước, thu phí nộp vào ngân sách nên VEC không thể tự quyết định” – ông Anh cho biết.

Theo ông Anh, nếu xả trạm trong dịp lễ tết rồi bù doanh thu thì chắc chắn Nhà nước không có nguồn để bù. Còn xả rồi kéo dài thời gian thu phí là việc cần cân nhắc vì không phải dự án nào cũng có thông số giống nhau, phải tính toán, rà soát từng dự án để đi đến thống nhất thu bù bao lâu.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng khoa vận tải – kinh tế Trường ĐH GTVT (chuyên gia độc lập tham gia đoàn giám sát dự án BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), về mặt tổng thể, việc xả trạm thu phí là quyền của nhà đầu tư chia sẻ với người dân trong dịp tết. Việc này nên khuyến khích chứ không nên ra chính sách bắt buộc thực hiện. Bởi vì mỗi dự án BOT có sự khác nhau về phương án tài chính, doanh thu, tăng trưởng phương tiện.

Theo ông Thái, phải có sự thỏa thuận với ngân hàng về việc xả trạm, thu bù khi đã có sự ràng buộc về trả lãi vay theo hợp đồng vay vốn.

Xả trạm BOT dịp tết: được không? - Ảnh 3.

Trạm thu phí số 1 quốc lộ 13, KP Long Hòa, TT Lái Thiêu, H.Thuận An, tỉnh Bình Dương – Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM: trạm An Sương – An Lạc xả trạm 3 ngày tết

Ông Nguyễn Hồng Ninh, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDUICO (chủ đầu tư dự án quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc), cho biết công ty này sẽ xả trạm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019.

Đối với trạm thu phí chính: xả trạm từ 14h ngày 4-2-2019 (tức 30 Tết Kỷ Hợi) và thu phí trở lại vào lúc 6h ngày 6-2-2019 (tức mùng 2 Tết Kỷ Hợi).

Đối với 5 trạm phụ (gồm Tân Kỳ Tân Quý, Hương lộ 2, Gò Mây, Bà Hom, trạm đường Số 7 và đường M1): xả trạm từ 14h ngày 4-2-2019 (tức 30 Tết Kỷ Hợi) và sẽ thu phí trở lại vào lúc 6h ngày 8-2-2019 (tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi).

Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN NHẬT:

Thuộc thẩm quyền của Chính phủ

Việc ra quy định xả trạm thu phí của các dự án BOT giao thông vào dịp lễ, tết là chính sách lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ vì liên quan đến cơ chế, cần giải pháp dựa trên sự đồng thuận của nhiều bộ ngành.

Vì vậy, cần tổng hợp, nghiên cứu để cơ chế đưa ra phải thuận lợi chứ chỉ giải quyết mấy ngày mà lại có nhiều bất lợi như tổ chức các đoàn đi tính toán, rà soát doanh thu từng trạm, rồi thỏa thuận với các bên để thống nhất thời gian thu bù thì không nên.

Hiện nay, Bộ GTVT đã quy định nếu ùn tắc quá 700m thì xả trạm. Lúc đó, nhà đầu tư không tự giác thì lực lượng giám sát như của Tổng cục Đường bộ, CSGT yêu cầu xả.

 

Theo Tuoitre.vn