Tấn công thị trường tỉnh phải chăng đang là bước đi chiến lược “dài hơi” của các doanh nghiệp BĐS?

Tấn công thị trường tỉnh phải chăng đang là bước đi chiến lược “dài hơi” của các doanh nghiệp BĐS?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, xu hướng doanh nghiệp địa ốc “đánh bắt xa bờ” không chỉ là nhất thời, đó là bước đi chiến lược đúng đắn, kịp thời khi mà quỹ đất và pháp lý tại Tp.HCM ngày càng khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng Khoa kinh doanh quốc tế – Marekting Đại học kinh tế Tp.HCM cho rằng, việc các doanh nghiệp BĐS tiến về vùng tỉnh để làm dự án đó là chiến lược dài hạn được chuẩn bị chu đáo. Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ trong năm 2019, là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, hoàn tất mục tiêu kinh doanh và duy trì bộ máy.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam dự báo, nguồn cung BĐS trong thời gian tới chủ yếu ghi nhận ở các tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu…xu hướng này ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ.

“Khi mà pháp lý khó khăn, quỹ đất không còn dồi dào thì xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp ra thị trường tỉnh là tất yếu, cũng là cách để doanh nghiệp nuôi quân và xây dựng quân số trong lâu dài”, bà Dung nhấn mạnh.

Tấn công thị trường tỉnh phải chăng đang là bước đi chiến lược “dài hơi” của các doanh nghiệp BĐS? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, BĐS liền thổ vẫn được giới đầu tư ưa chuộng và trở thành “thói quen” đầu tư lâu đời của đa số người Việt hiện nay. Đây chính là lợi thế cho các doanh nghiệp Tp.HCM có cơ hội tấn công thị trường tỉnh

Thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có những ông lớn BĐS đổ về tỉnh lân cận để phát triển các dự án quy mô ở hầu hết các phân khúc.

Chẳng hạn như, Tập đoàn Đất Xanh, vốn là doanh nghiệp chuyên làm dự án tại Tp.HCM cho biết, trong năm 2019 sẽ cung cấp ra thị trường dự án chung cư cao tầng tại Bình Dương. Cũng tại tỉnh này, Tập đoàn Trần Anh mới vừa công bố dự án Phúc An Garden tại huyện Bàu Bàng.

Him Lam Land cũng ghi dấu ấn khi lần đầu góp mặt tại thị trường Đồng Nai với kế hoạch ra mắt dự án chung cư 6.000 căn hộ tại TP. Biên Hòa.

Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, “ông lớn” Novaland đang công bố dự án NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) và NovaWorld Phan Thiết tại Bình Thuận, thu hút đông đảo giới đầu tư địa ốc. Hưng Thịnh cũng lần đầu đổ về Bình Định với dự án Medoly Quy Nhơn đang được chào sân ra thị trường.

“Làn gió mới” của BĐS phía Nam là Bình Phước cũng thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc về đây đầu tư. Điển hình như dự án quy mô hơn 92 ha của Tập đoàn Cát Tường đang chào bán các giai đoạn tại Tp.Đồng Xoài. Được biết, hiện dự án đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từng nền và đang bán phân khu thương mại Phú Thiên Kim có mức giá từ 998 triệu đồng/m2.  Hay, Asian Holding cũng đang chào thị trường dự án Asian Lake View với quy mô hơn 4,7ha.

Cùng khu vực, Tập đoàn Đại Nam đang triển khai dự án khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. FLC đã nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu đô thị kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Suối Cam với quy mô 986,5 ha tại TP. Đồng Xoài và đã được UBND tỉnh Bình Phước đồng thuận chủ trương.

Theo ghi nhận, nếu trước đây, thị trường tỉnh chỉ xuất hiện một vài dự án với quy mô nhỏ thì hiện tại nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu ráo riết tìm kiếm quỹ đất quy mô lớn hơn. Bên cạnh các quỹ đất 1 – 3ha thì hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp đã chuyển hướng sang quỹ đất 7 – 10ha, thậm chí 90 – 100ha, cao hơn có thể 200ha với các dự án khu đô thị lớn, bài bản.

Tấn công thị trường tỉnh phải chăng đang là bước đi chiến lược “dài hơi” của các doanh nghiệp BĐS? - Ảnh 2.

Việc các chủ đầu tư “mạnh tay” đầu tư vào tiện ích dự án và hạ tầng là yếu tố chính gia tăng tính thanh khoản cho dự án

Ông Lê Tiến Vũ, Phó TGĐ Điều hành Tập đoàn Cát Tường cho biết, những dự án khu đô thị được đầu tư bài bản về hạ tầng chính là yếu tố quan trọng giúp tăng tính thanh khoản cho dự án. Một dự án sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các tác động lên xuống của thị trường khi mà bản thân chủ đầu tư đó “chịu chi” cho hạ tầng và tiện ích nội khu. Chính yếu tố này mới kéo được khách mua có nhu cầu ở thực về dự án, giá trị sản phẩm vì thế mới tăng lên bền vững.

Theo ông Vũ, trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường địa ốc, việc các doanh nghiệp tiến về thị trường tỉnh, đó không chỉ là hoạt động “lấp chỗ trống” mà nằm trong chiến lược “dài hơi” của doanh nghiệp.

Thực tế, tiến về thị trường tỉnh lân cận, đầu tư vào dự án quy mô lớn đó cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp địa ốc. Mà thách thức lớn nhất đó là tính thanh khoản của thị trường. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải có hướng đi riêng, chiến lược bài bản ngay từ đầu, nghiên cứu kỹ và phát huy lợi thế vùng đất mà mình đang đầu tư, có như vậy mới có thể thu được hiệu quả.

“Làm bất cứ dự án nào, quy mô lớn, nhỏ hay vừa, tọa lạc ở đâu nếu không kéo được nhu cầu ở thực về sinh sống thì dự án đó không thể thành công”, ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hậu, TGĐ Công ty CP BĐS Asian Holding cho rằng, dù khu vực tỉnh có vị trí khá xa trục lõi trung tâm đô thị, nhưng trước thực trạng quỹ đất sạch tại các thành phố lớn ngày càng khan hiếm, xu hướng dồn về vùng trũng để tích lũy tài sản, tìm kênh trú ẩn an toàn hay chờ cơ hội tăng giá đang dần trở thành khẩu vị mới của nhiều NĐT hiện nay. Theo ông Hậu, không thể phủ nhận một điều, BĐS liền thổ vẫn được giới đầu tư ưa chuộng và trở thành “thói quen” đầu tư lâu đời của đa số người Việt hiện nay. Đây chính là lợi thế cho các doanh nghiệp Tp.HCM có cơ hội tấn công thị trường tỉnh.

Theo các chuyên gia, mặc dù hoạt động tìm quỹ đất ở các tỉnh ngày càng mạnh mẽ, BĐS tỉnh ngày càng gia tăng sức hút nhưng phải khẳng định rằng, đây là chiến lược dài hơi của doanh nghiệp BĐS chứ không phải trong “ngày một ngày hai”. Đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thì không đáng lo ngại nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc phát triển dự án quy mô tại thị trường tỉnh cần phải được khảo sát kỹ càng, sự chuẩn bị chu đáo, có chiến lược bài bản và thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong dài hạn.

Đặc biệt, câu chuyện về hạ tầng kết nối vùng cũng là bài toán cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư dự án tại vùng tỉnh. Theo các chuyên gia, bởi vì yếu tố này tác động rất lớn đến khả năng ra hàng, thanh khoản dự án và thu hút người mua thực về ở.

Khách quan mà nói, trên thị trường địa ốc hiện nay không nhiều chủ đầu tư triển khai được dự án quy mô ở vùng tỉnh, ở các vị trí kết nối thuận tiện với các khu vực lân cận, đặc biệt kết nối dễ dàng với Tp.HCM. Do đó, đây là một thách thức không hề nhỏ với các doanh nghiệp BĐS trước khi quyết định tấn công thị trường tỉnh lân cận Tp.HCM.

Theo Hạ Vy – Trí thức trẻ