Năm 2018, thị trường BĐS nóng lên khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thương mại đồng loạt rao bán nợ xấu bất động sản, với giá trị tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Giải phóng cục máu đông cho dòng vốn tín dụng nhưng VAMC và các ngân hàng (NH) cũng đang rất vất vả giải quyết một lượng lớn khoản nợ xấu tồn đọng. Bài học khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008 tác động vào Việt Nam đã làm lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng là câu chuyện chưa thể quên, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
Sau 7 tháng bị thu giữ, VAMC thông báo bán đấu giá cao ốc Saigon One Tower giữa trung tâm TP.HCM để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng. Saigon One Tower có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 5.000 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được khoảng 80% phần thô thì công trình này ngưng thi công đến nay. Dự án từng được kỳ vọng trở thành tòa nhà cao thứ ba tại Việt Nam với 5 tầng hầm và 42 tầng nổi, cao 195 mét.
Cao ốc nghìn tỷ dừng thi công trong thời gian dài |
Sau “phát súng” đầu tiên này, hàng loạt ngân hàng đã tiến hành thu giữ các tài sản đảm bảo khác để xử lý nợ xấu. Trong tháng 9/2018, Agribank và VietinBank cũng dồn dập rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Agribank dự tính tổ chức khoảng 10 đợt đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản, với tổng giá trị chào bán khởi điểm là hơn 470 tỷ đồng.
Agribank cũng vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Dư nợ gốc là hơn 352 tỷ và nợ lãi là hơn 356 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh có diện tích 6952,2m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và là toàn bộ giá trị xây dựng của dự án căn hộ Hạnh Phúc.
Liên quan đến Công ty Địa ốc Gia Phú, chủ đầu tư Chung cư Gia Phú, BIDV đã rao bán đấu giá khoản nợ tại công ty này để thu hồi khoản nợ tạm tính đến tháng 4/2018 là hơn 232 tỷ đồng, trong đó có 88,9 tỷ đồng nợ gốc.
BIDV cũng tìm tổ chức bán đấu giá khoản nợ gần 1.200 tỷ đồng được đảm bảo bởi dự án 584 Lilama SHB Plaza. Theo hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải giao nhà cuối năm 2012 cho khách hàng. Tuy nhiên, dự án đã nhiều lần chậm tiến độ và đến 31/12/2012 đã ngừng thi công.
Công ty cổ phần đấu giá Lam Sơn vừa thông báo đấu giá tài sản khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Tính đến 30/6/2018, khoản nợ này tại VAMC có tổng dư nợ hơn 1.905 tỷ đồng (dư nợ gốc hơn 939,1 tỷ đồng, lãi hơn 966 tỷ đồng); khoản nợ tại BIDV hơn 473,3 tỷ đồng (dư nợ gốc 269 tỷ đồng và lãi 204,3 tỷ đồng).
Việc toà tháp Tokyo Tower bị ngân hàng PVcomBank siết nợ đã trở thành hiện tượng hy hữu trên thị trường bất động sản. Toà tháp Tokyo Tower với tổng cộng 688 căn hộ toạ lạc trên khu đất 4.556m2 tại quận Hà Đông, Hà Nội và do liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Công ty CP Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư.
Lý do PVcomBank thu giữ tài sản là vì đơn vị phân phối cũng như chủ đầu tư dự án đã phát sinh nợ xấu tại ngân hàng. Sau khi thu giữ tài sản, PVcomBank hứa hẹn với khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này một lộ trình hoàn thành dự án và bàn giao nhà.
Lận đận những dự án dở dang
Năm 2018 cũng là năm mà nhiều dự án dở dang gặp khó với vấn đề tái cơ cấu. Tại dự án Bright City, hàng trăm khách hàng đang mòn mỏi đòi nhà. Dự án AZ Thăng Long vốn là một dự án nhà ở thương mại, nằm trên khu đất có diện tích 15.493m² bao gồm 4 tòa nhà chiều cao 35 tầng. Chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1-6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên.
Tuy nhiên, do thiếu vốn năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển Dự án này sang dự án nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng và được UBND TP Hà Nội ra quyết định đồng ý cho phép dự án chuyển từ thương mại sang làm nhà ở xã hội.
Người mua nhà gặp khó với các dự án dở dang |
Sau khi được chuyển đổi, chủ đầu tư ứng vốn tự có 20%, còn Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Hà Nội chấp nhận thông qua hạn mức vay là 1.100 tỷ đồng, doanh số giải ngân tối đa 420 tỷ đồng để triển khai dự án.
Tuy nhiên, khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai, BIDV mới cho vay được 300 tỷ đồng, khiến dự án rơi vào tình trạng xây dựng dở dang. Muốn có vốn triển khai tiếp, chủ đầu tư phải vay tiền với lãi suất thương mại, từ 9,2-9,3%/năm.
Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2017 và nhiều người mua nhà đã đóng được khoảng 70% giá trị căn hộ. Nhưng đến thời điểm bàn giao nhà, chủ đầu tư tuyên bố thanh lý hợp đồng vì không còn kinh phí để xây tiếp khiến những người mua nhà lo lắng.
VAMC cho hay sẽ xử lý 35.504 tỷ đồng nợ xấu và đến năm 2022 sẽ xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Tuy việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc giải quyết tài sản đảm bảo còn gặp không ít khó khăn liên quan đến cơ chế.
Mới đây, Công ty cổ phần bán đấu giá Lam Sơn một lần nữa phải hạ giá rao bán khoản nợ xấu của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân xuống 761,45 tỷ đồng.
Duy Anh
Theo Vietnamnet