Từng trải qua giai đoạn khó khăn khi khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, doanh nhân Chu Quần Phi đã rút ra những bài học quý giá để thành công từ xuất phát điểm thấp.
Với tài sản ròng 7,4 tỷ USD, Chu Quần Phi, 48 tuổi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Lens Technology, tiếp tục là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes.
Sinh ra trong một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam, miền Đông Trung Quốc, Chu trải qua tuổi thơ nhọc nhằn. Mất mẹ khi 5 tuổi còn cha thì bị mù và mất ngón tay trong một tai nạn ở nhà máy, Chu phải học cách tự sinh tồn từ khi còn nhỏ.
Năm 16 tuổi, Chu bỏ học lên thành phố Thâm Quyến làm việc trong một nhà máy sản xuất thấu kính. Sau đó, bà được thăng chức quản lý.
Năm 1993, với khoản tiền tiết kiệm hơn 2.500 USD, Chu và 8 thành viên gia đình đã thành lập xưởng in lưới thủ công trong căn hộ 3 phòng ngủ ở Thâm Quyến, nơi họ vừa làm việc vừa sinh hoạt.
Trong căn hộ này, Chu đã thành lập công ty sản xuất kính áp tròng đầu tiên và nhanh chóng phát triển thành nhà máy với 1.000 nhân công. Bước ngoặt xảy đến vào năm 2003 khi Chu nhận được đề nghị trở thành nhà cung cấp cho Motorola.
Sau thời gian phát triển kinh doanh quốc tế, CEO của Lens Technology đã xây dựng được một đế chế chuyên sản xuất thấu kính cho các gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple, Samsung và Huawei.
Sau 22 năm khởi nghiệp và trải qua nhiều thời điểm khó khăn, hiện tại, công ty của Chu có giá trị 11,4 tỷ USD với hơn 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC qua email, Chu đã chia sẻ 3 lời khuyên để thành công dành cho các doanh nhân.
1. Chuẩn bị tốt
Các doanh nhân luôn cần phải chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra. “Thứ nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của bạn. Thứ hai, bạn phải có tinh thần thép. Thứ ba, tăng cường hiểu biết về thị trường và đối thủ của bạn”, Chu nói.
Chu cho biết kinh nghiệm khi làm nhân viên trong dây chuyền lắp ráp và sau đó là người quản lý đã giúp bà có được sự tự tin, điều quan trọng để vượt qua những ngày đầu của Lens Technology. “Bạn phải có đủ can đảm để đối mặt với những thất bại”, Chu nói thêm.
Chu cho biết bà thường chuẩn bị một số kế hoạch dự phòng khi đến thăm khách hàng. “Tôi luôn nghĩ về những gì mình sẽ nói nếu họ từ chối đề xuất của tôi. Vì việc bị từ chối thường xảy ra nên bạn cần chuẩn bị tốt”, Chu nói.
2. Tinh thần học hỏi
“Các khách hàng sẽ không đưa ra mức giá cao hơn cho sản phẩm của bạn chỉ vì bạn có bằng cấp cao nhưng hiểu biết của bạn về kinh doanh sẽ duy trì tính cạnh tranh của công ty”, Chu nói. Trong thời gian làm công nhân nhà máy, bản thân Chu từng tham gia các khóa học bán thời gian và nhận bằng kế toán, sử dụng máy tính và thậm chí cả bằng lái xe tải.
“Khi bạn có khả năng học hỏi, bạn sẽ có khả năng tiếp tục phát triển”, Chu nói.
3. Không bao giờ bỏ cuộc dễ dàng
Chu cho biết nhiều người sẽ trải qua cú sốc lớn đánh vào sự tự tin khi gặp phải những trở ngại. Tuy nhiên, chìa khóa để thành công là kiên trì, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.
Để xây dựng tinh thần đồng đội, Chu từng đưa 20 lãnh đạo điều hành trong đội của mình đi leo núi Đại Vi cao hơn 1.500 m ở tỉnh Hồ Nam. Một số thành viên trong đội đã muốn từ bỏ khi lên được nửa đường. Tuy nhiên, Chu đã yêu cầu mọi người không dừng lại và đi tiếp.
“Khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không có can đảm để quay lại và bắt đầu lại từ đầu, rút cuộc bạn vẫn sẽ từ bỏ”, Chu nói. “Chỉ khi chúng ta kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc vì một chút thất bại”.
Theo 24h