[Doanhnhansaoviet] – Ngày 6 và 7/9/2017 vừa qua, tại Trường ĐHKHXH&NV (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q1, Tp Hồ Chí Minh), Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc phối hợp cùng Trường ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Hiện trạng và tương lai của dịch thuật và xuất bản văn học cổ điển Hàn Quốc ở châu Á.
Sau diễn văn khai mạc của PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV và lời chúc mừng của ông Kim Seong-gon, Viện trưởng Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, Hội thảo có 4 phiên với các báo cáo, tham luận của các dịch giả, các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, triển khai các khía cạnh về hiện trạng và tương lai của dịch thuật và xuất bản văn học ở châu Á.
PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TPHCM phát biểu chiều 6/9
“Thuật ngữ ‘cổ điển -古典’ trong ‘văn học cổ điển’ tại Hàn Quốc thường được sử dụng để gọi chung văn học trước thời kỳ cận đại hơn là dùng với ý nghĩa ‘classic – kinh điển’ để chỉ các kiệt tác hay các danh tác. Nói cách khác, đó là một phạm trù thời gian được sử dụng để phân biệt với ‘cận đại’ trong ‘văn học cận đại’. ‘Văn học cổ điển’ tại Trung Quốc và Nhật Bản cũng sử dụng với nghĩa này. Tuy nhiên, khi nhắc đến ‘văn học cổ điển’ ở khía cạnh là đối tượng biên dịch thì có thể nói đó là văn học của thời kỳ trước cận đại về mặt thời gian, đồng thời cũng mang ý nghĩa là ‘kiệt tác’, ‘danh tác’. Điều này phù hợp bởi lẽ khi nền văn học của một nước được giới thiệu thông qua việc dịch thì phần lớn đối tượng dịch là các danh tác hoặc kiệt tác. Do đó, ‘văn học cổ điển’ trong tên của Hội thảo này được sử dụng để chỉ các tác phẩm văn học được đánh giá là các danh tác trong văn học thời kỳ trước cận đại” – trích báo cáo của GS. Kim Jong Cheo.
PGS.TS. Phan Thu Hiền – Trưởng Khoa Hàn Quốc Học – Trường ĐHKHXH&NV TPHCM
Văn học cổ điển Hàn Quốc (cũng như văn học cổ điển Việt Nam/Nhật Bản) có hai bộ phận là Văn học chữ Hán và văn học quốc ngữ. Dịch thuật và xuất bản văn học cổ điển Hàn Quốc ở châu Á (nhất là Đông Á), vì vậy có những đòi hỏi riêng, những khó khăn và thuận lợi đặc thù. Các báo cáo, thảo luận đã từ phân tích hiện trạng đi đến khơi gợi phương hướng nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả của dịch và xuất bản văn học cổ điển Hàn Quốc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Mông Cổ nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận của các nhà văn, dịch giả, nhà phê bình, nhà báo, đại diện các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các dịch giả, nhà nghiên cứu chụp hình lưu niệm
Chiều ngày 7/9, sau phiên cuối của Hội thảo là phần biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc và Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, danh ca Yoo Young Ae và nghệ sĩ chơi trống Lee Myeong Sik sẽ trình diễn Pansori, loại hình nghệ thuật biểu diễn xuất hiện từ thế kỷ 17. Trong nghệ thuật Pansori, danh ca hát kể nội dung câu chuyện hòa cùng nhịp phách của người chơi trống, đồng thời thể hiện hành động của nhân vật bằng các động tác hình thể khi cần thiết. Tác phẩm được thể hiện là Xuân Hương ca, tác phẩm nổi tiếng nhất trong số 12 tác phẩm Pansori.
Phần biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc
Về phía Việt Nam, các nghệ sĩ Câu lạc bộ Trúc Xinh, Nhà Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã trình diễn những loại hình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, trong đó, Dân ca quan họ, Ca trù, Chầu văn đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Hát xẩm đang làm hồ sơ trình để được công nhận.
Phần biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam
Các nghệ nhân giao lưu ở cuối chương trình
Lăng Đức Lợi