Đà giảm của cổ phiếu ROS liên tục cả tuần khiến đại gia Trịnh Văn Quyết mất hơn 8.000 tỷ đồng và đánh mất vị trí người giàu thứ 2 sàn chứng khoán vào tay nữ tỷ phú Phương Thảo.
Thị trường chứng khoán Việt tuần này đối mặt với 2 phiên điều chỉnh sâu khiến hàng tỷ USD “bốc hơi”, nhiều đại gia đã mất hàng nghìn tỷ đồng và danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt cũng xáo trộn vị trí.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (13/4), dù sắm vai đầu tàu kéo thị trường đi lên với đà tăng 7%, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros vẫn đóng cửa với giá thấp hơn đầu tuần. Trong 5 phiên giao dịch tuần vừa qua, cổ phiếu ROS giảm sàn tới 4 phiên liên tiếp, thị giá rơi từ mức 132.000 đồng vào đầu tuần xuống 107.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần, tương đương gần 20%.
Đáng nói, ROS là cổ phiếu đóng góp chính vào khối tài sản hàng chục nghìn tỷ của đại gia Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC), người đồng thời là Chủ tịch tại FLC Faros.
Tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia này đã “bốc hơi” hơn 8.000 tỷ chỉ trong một tuần, xuống còn 35.722 tỷ, mất vị trí người giàu thứ 2 sàn chứng khoán vào tay nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air (mã chứng khoán VJC).
Nếu tính trong vòng 6 tháng gần đây, thị giá ROS đã giảm hơn 50%, từ mốc gần 220.000 đồng/cổ phiếu rớt xuống giá hiện tại. Mức giảm này tương đối khối tài sản của đại gia họ Trịnh giảm một nửa, từ hơn 70.000 tỷ đồng xuống còn hơn 35.700 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).
Thời gian qua, Tập đoàn FLC cũng đã hoàn tất ký hợp đồng thỏa thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO với hãng Airbus.
Theo đó, FLC đã hoàn thiện việc đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay này. Dự kiến, việc bàn giao và tiếp nhận máy bay phục vụ hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways sẽ thực hiện cho đến năm 2025.
Trước đó, quyết định tham gia vào ngành hàng không của FLC khiến giới đầu tư trong nước bất ngờ, khi thị trường này hầu như đã nằm trong tay Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Hiện tại, Bamboo Airways – hãng hàng không do FLC thành lập, vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ thông qua. Công ty cũng có kế hoạch sau khi xin được giấy phép sẽ tiếp tục đặt mua thêm 26 máy bay thân rộng Airbus A321 LR, để mở rộng đội bay, nâng tổng số phi cơ lên 50 chiếc.
Trong khi đại gia Trịnh Văn Quyết mất hàng tỷ USD chỉ trong vài tháng thì đại gia Phạm Nhật Vượng lại có đà tăng tài sản chóng mặt.
Cụ thể, tính từ giữa năm 2017 đến nay, tài sản từ cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 43.000 tỷ đồng lên hơn 92.378 tỷ đồng hiện nay. Nhưng đây chỉ là 60% trong tổng số hơn 7 tỷ USD tài sản ròng của ông theo thống kê từ Tạp chí Forbes.
Đà tăng tài sản ròng của vị tỷ phú này ngoài việc đến từ các dự án bất động sản sở hữu, các lĩnh vực kinh doanh mới như sản xuất ôtô, dược phẩm… còn đến từ đà tăng của cổ phiếu VIC.
6 tháng qua, thị giá VIC đã tăng mạnh từ mức trên 50.000 đồng/cổ phiếu lên 127.600 đồng hiện tại (ngày 13/4), tương đương hơn 155%. Điều này không chỉ giúp ông chủ doanh nghiệp gia tăng khối tài sản ròng hàng tỷ USD, mà còn giúp tập đoàn này “soán ngôi” Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán VNM) trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Vingroup đang có vốn hóa lên tới 336.570 tỷ đồng, tương đương hơn 14,8 tỷ USD, hơn Vinamilk 2,3 tỷ USD. Chỉ riêng vốn hóa của Vingroup đã chiếm 10,68% tổng vốn hóa toàn sàn HOSE.