Với hơn 7 tỷ USD tài sản ròng, ông chủ Tập đoàn Vingroup hiện xếp thứ 238 thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, ông xếp thứ 12 trong danh sách những tỷ phú USD giàu nhất.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Forbes cho biết tính đến ngày 6/4, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), đã cán mốc 7 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với ngày trước đó.
Còn nhớ chỉ cách đây hơn 1 tháng, khi Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2018, tài sản ròng của ông Vượng mới ước tính khoảng 4,3 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng, khối tài sản của vị đại gia giàu nhất Việt Nam đã tăng tới 2,7 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi ngày tăng hơn 90 triệu USD.
Với hơn 7 tỷ USD tài sản ròng, ông chủ Vingroup đang xếp vị trí thứ 238 trong danh sách tỷ phú USD thế giới, là đại gia giàu có nhất Việt Nam, bỏ xa nữ tỷ phú xếp thứ 2, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, với 3,7 tỷ USD tài sản ròng.
Tại Đông Nam Á, ông Phạm Nhật Vượng đã xếp thứ 12 trong tổng số 110 tỷ phú USD có tên trong danh sách cập nhật của Forbes.
Xếp ngay trên ông Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỷ phú Đông Nam Á là tỷ phú Sri Prakash Lohia (Indonesia) và tỷ phú Quek Leng Chan người Malaysia, cùng sở hữu khối tài sản ròng 7,3 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong khi khối tài sản của các tỷ phú giàu nhất các quốc gia Đông Nam Á khác như đại gia R. Budi Hartono (Indonesia); ông Robert Kuok (Malaysia) hay Henry Sy (Philippines)… có xu hướng giảm từ đầu năm 2018 đến nay, thì tài sản của tỷ phú Vượng không ngừng tăng lên.
Ông Vượng chính là tỷ phú có tốc độ giá tăng tài sản ròng nhanh nhất trong số 110 tỷ phú USD Đông Nam Á tính từ đầu năm 2018, với đà tăng hơn 2,7 tỷ USD.
Khối tài sản của ông Vượng vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày khi cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup (nguồn đóp góp 60% tổng tài sản ròng) liên tục phá đỉnh mới. VIC hiện được giao dịch với giá trên 132.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 723,96 triệu cổ phiếu nắm giữ, chỉ riêng giá trị thị trường của khối cổ phiếu này ông Vượng đã có hơn 98.600 tỷ đồng, tương đương hơn 4,2 tỷ USD.
Tính từ đầu tháng 3, thị giá VIC đã tăng hơn 35%, từ mức giá 95.000 đồng/cổ phiếu. Còn nếu tính từ tháng 9/2017, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 160%, từ mức giá 50.000 đồng lên trên 132.000 đồng như hiện tại.
Đà tăng của cổ phiếu VIC không chỉ giúp ông chủ của tập đoàn này cạnh tranh tốp các tỷ phú USD giàu nhất Đông Nam Á mà còn giúp Tập đoàn Vingroup “soán ngôi” doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM). Hiện vốn hóa của Vinamilk là 286.334 tỷ đồng, tương đương 12,6 tỷ USD; vốn hóa của Vingroup đã tăng lên tới 345.540 tỷ đồng, tương đương 15,2 tỷ USD.
Mới đây, Công ty Cổ phần Vinhomes, đơn vị kinh doanh mảng bất động sản căn hộ, biệt thự của Vingroup, nguồn đóng chính vào doanh thu của tập đoàn này, đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Sau khi Vinhomes lên sàn, hệ thống của Vingroup sẽ có 3 doanh nghiệp niêm yết, gồm Vingroup, Vincom Retail (VRE) và Vinhomes.
Theo Zing