Trong khi Bộ Công thương muốn xây dựng nên các ông lớn ngành bán lẻ Việt Nam quy mô lớn để “dẫn dắt thị trường” với tỉ trọng chiếm đến 80%, thì doanh nghiệp lại cho rằng thu hút đầu tư bán lẻ là “không thông minh”.
Chiều 18-12, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thương mại hàng hóa trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian.
Thương mại nội địa còn yếu
Hệ thống phân phối chưa bền vững, cơ sở hạ tầng còn yếu kém; chất lượng mạng lưới giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt, sự tham gia thị trường của các nhà phân phối nước ngoài làm cho áp lực cạnh tranh…
“Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu kiểm soát mặt trái của thị trường, bộ máy còn chồng chéo, thiếu phối hợp. Lực lượng mỏng, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt, cung cấp thông tin không đầy đủ còn diễn ra phổ biến; tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường; an toàn, vệ sinh thực phẩm bất cập” – ông Đông cho hay.
Trong dự thảo, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu từ 2021-2025, thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5%. Đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; cơ cấu này thay đổi mức 80%-20% đến năm 2030.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu từ 2021-2025, thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% GDP và tăng lên 15% năm 2026 – 2030.
Đặc biệt là tăng tỉ trọng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; cơ cấu này thay đổi mức 80%-20% đến năm 2030….
Lý giả về cơ cấu này, ông Đông cho rằng không phải thị trường bán lẻ bị doanh nghiệp FDI thâu tóm hoàn toàn mà các doanh nghiệp trong nước cũng đang trong quá trình M&A để lấy lại thị phần bán lẻ. Do đó, chiến lược phát triển thị trường trong nước cần có các ông lớn là doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt.
Khó khả thi!
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Đoàn – chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, hiện nay thị trường thay đổi rất nhanh, nên xây dựng chiến lược đến năm 2035 là rất khó. Trong khi đó, thực trạng các doanh nghiệp phân phối (gồm cả cửa hàng tiện ích) đa số là lỗ.
“Có doanh nghiệp lỗ vài nghìn tỉ, do giằng xé nhau lấy thị phần, nên khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam lao đầu vào làm là chưa phải thông minh. Thực tế có doanh nghiệp nội làm thương mại điện tử lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng thì lấy tiền đâu ra” – ông Đoàn cho hay.
Hay dẫn chứng từ liên minh gồm Satra, Hapro, Phú Thái và Saigon Co.op thành lập với kỳ vọng “đấu doanh nghiệp bán lẻ”. Tuy nhiên, ông Đoàn cho rằng rất khó khăn bởi các chính sách đưa ra đều không khả thi, khi xuống các địa phương đều mời gọi doanh nghiệp ngoại.
Cho rằng kế hoạch này chưa đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp, nên nếu đưa ra sẽ khó có thể phát triển, ông Đoàn đề xuất Bộ Công thương cần tập hợp các nhà phân phối, bán lẻ trong cả nước để thảo luận về việc “cần làm gì”, “vấn đề nào khả thi” để xây dựng chiến lược.
Ông Đào Văn Hùng, Học viện Chính sách phát triển, thì cho rằng mọi khái niệm đang “đảo lộn” do sự thay đổi của thế giới. Dẫn chứng là tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Alibaba lại không có cửa hàng bán lẻ nào, hay hãng taxi như Uber lại chẳng sở hữu chiếc xe nào.
Do đó, chiến lược đưa ra phải tiên đoán được, đặc biệt là sự thay đổi và tác động công nghệ với chính sách. Trong khi dự thảo chưa thấy “lo lắng về thay đổi công nghệ với thị trường, khả năng dư thừa lao động có thể xảy ra. Đồng thời đưa ra cảnh báo xu hướng cạnh tranh bán lẻ nước ngoài trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mối.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, thực tế đã có sự lo lắng nhất định khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, khiến doanh nghiệp nội không có cơ hội, thậm chí bị thâu tóm. Đặc biệt là hàng hóa Việt Nam khó có cửa vào siêu thị ngoại.
Tuy nhiên, ông Hải khẳng định hàng Việt Nam vẫn được bán trong các siêu thị, khi tỉ lệ khảo sát mà bộ này thực hiện lên tới 90%, thậm chí là 95% ở một số siêu thị.
Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp để có định hướng phù hợp cho phát triển thương mại nội địa gắn với sản xuất.
Theo tuoitre.vn