Chuyên gia lo Mỹ, Trung ‘sứt đầu mẻ trán’ vì chiến tranh thương mại

Từ thuế quan đến cuộc chiến công nghệ, Mỹ đang xoáy sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc đấu mà cả hai bên đều “sứt đầu mẻ trán”.

Chuyên gia lo Mỹ, Trung sứt đầu mẻ trán vì chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) hồi 9-11-2017 – Ảnh: AFP

Doanh nghiệp của cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu đựng bầu không khí bất an khi diễn biến chiến tranh thương mại không có dấu hiệu dịu đi.

Doanh nghiệp Mỹ rụt tay

Theo Wall Street Journal, các doanh nghiệp Mỹ đang cắt giảm chi tiêu cho nhà xưởng, trang thiết bị và các tài sản vốn hóa khác trong quý I-2019. Điều này chứng tỏ giới đầu tư thật sự lo lắng về các động lực tăng trưởng kinh tế đang dần biến mất.

Cho tới ngày 8-5, chi tiêu vốn quý I-2019 của 356 công ty niêm yết tại S&P 500 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích của Wall Street Journal từ dữ liệu của Calcbench. Mức tăng này thấp hơn hẳn so với con số 20% của năm ngoái, cũng theo số liệu của những công ty trên.

Tính riêng 10 doanh nghiệp chi tiêu vốn nhiều nhất đã bỏ ra 38,2 tỉ USD đợt này, ít hơn so với 40,7 tỉ USD vào thời điểm một năm trước.

Alphabet, công ty mẹ của Google, là doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất của S&P 500 năm 2018. Alphabet đã cắt giảm chi tiêu hơn 1/3 trong quý I-2019, còn 4,6 tỉ USD. Trong khi đó, Apple cũng cắt giảm 1,8 tỉ USD so với quý I-2018.

Chuyên gia lo Mỹ, Trung sứt đầu mẻ trán vì chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Văn phòng Google tại Bắc Kinh, Trung Quốc – Ảnh REUTERS

Các chuyên gia và nhà đầu tư xem các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp lớn là nguồn động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Khối doanh nghiệp này sẽ kéo theo cả đối tác và nhà cung ứng của họ chi tiêu đầu tư, dần dần nâng cao năng xuất lao động và kéo cả nền kinh tế đi lên.

Tuy là một chu kỳ tất yếu sau 10 năm kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục, xu hướng cắt giảm chi tiêu của doanh nghiệp lại đến đúng lúc các bất ổn thương mại không ngừng gia tăng, trong khi hiệu ứng từ đợt cắt giảm lãi suất 2017 đang phai dần.

Hiểm họa bủa vây Trung Quốc

Cắt giảm chi tiêu ở khối doanh nghiệp Mỹ đang khiến giới chuyên gia lo ngại tình hình có thể chuyển biến xấu đi. Cùng lúc đó, các nhà kinh tế đã vẽ ra viễn cảnh xấu nhất cho kinh tế Trung Quốc khi đứng trước giai đoạn căng thẳng.

Các tập đoàn tài chính lớn như Bank of America, Morgan Stanley and UBS Group AG đều dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, chỉ đạt dưới 6% trong bối cảnh Washington liên tục tung cả rào cản thuế quan lẫn phi thuế quan về phía Bắc Kinh.

Với cương vị trung tâm cung ứng toàn cầu, Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn vì nhà đầu tư nước ngoài lần lượt tháo chạy, theo Bloomberg.

Bloomberg cảnh báo vòng xoáy nợ nước này còn được cảnh báo gần cán mốc 300%. Hãng tài chính Societe Generale SA cho rằng mức thuế quan 25% do Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc gần như đạp đổ nỗ lực cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và ổn định nợ của Bắc Kinh.

Nợ càng tăng cao sẽ gây ra nhiều hiểm họa đối với toàn hệ thống tài chính.

Chuyên gia lo Mỹ, Trung sứt đầu mẻ trán vì chiến tranh thương mại - Ảnh 3.

Việc nhắm vào Huawei được đánh giá chỉ là điểm khởi đầu của Mỹ khi nhắm vào ngành công nghệ Trung Quốc – Ảnh: REUTERS.

Bên cạnh đó, việc Mỹ nhắm vào Huawei được xem như bước đi đầu tiên cho một cuộc tấn công vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Công nghệ vốn được Bắc Kinh xem như ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai.

Trung Quốc từ lâu đã mong muốn dựa vào phát triển công nghệ để chuyển đến những vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng. Vậy nên, Bắc Kinh sẽ không thể đạt được những gì họ muốn khi đầu tư và tiếp cận thị trường công nghệ Mỹ bị giới hạn đủ đường, theo nhà kinh tế Zhuang Bo của hãng TS Lombard.

Tổng hòa của tất cả các vấn đề đó được ông Michael Every, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường của Rabobank, ví von như một cuộc chiến kinh tế Mỹ “châm ngòi cho Trung Quốc nổ tung”.

“Trung Quốc sẽ bị chặn khỏi thị trường phương Tây, các ý tưởng, công nghệ, cũng như dòng đôla của Mỹ rất lâu trước khi nước này sẵn sàng để thực sự thay thế Mỹ”, ông Every nhấn mạnh.

Đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục mất giá

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn dĩ đang tơi tả vì xung đột thương mại với Mỹ, sẽ sớm có chất xúc tác để tiếp tục sụt giá.

Các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài sẽ bán nhân dân tệ để mua tiền ngoại, và gây quỹ cho lượng cổ tức 18,8 tỉ USD phải trả từ tháng 6 tới tháng 8, theo tính toán của Bloomberg.

Đây là mức thấp hơn so với con số 19,6 tỉ USD hồi năm ngoái, nhưng các khoản phải trả này dồn ngay thời điểm nhạy cảm: nhân dân tệ đang có giá thấp nhất năm nay và tình trạng đầu cơ sẽ khiến nó rớt xuống mốc đổi lấy 1 tệ lấy 7 USD.

Nhân dân tệ đã rớt giá 2,5% trong tháng 5, và là một trong những đồng tiền có diễn biến hiệu suất kém nhất thế giới giai đoạn trên.

Theo Nguyên Hạnh – Tuổi trẻ