Đề xuất thu phí khí thải: Phí chồng phí, xe máy ô tô gánh thêm phí mới?

Việc Bộ Tài chính đề nghị một số Bộ ngành xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “thuế chồng thuế, phí chồng phí”….

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị một số Bộ ngành xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Theo đó, cần làm rõ đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí…

Các đề xuất xây dựng đề án sẽ được gửi về bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

Chuyên gia lo ngại đề xuất thu phí môi trường đối với khí thải sẽ gây ra tình trạng “phí chồng phí”… và cần có sự đồng tình của người dân thì thu thuế mới có kết quả.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, từ ngày 1/1/2019 sẽ bắt đầu áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần, nếu thêm phí khí thải nữa thì sẽ gây ra những tác động nhất định cho toàn xã hội.

Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay: Với sản lượng dầu thô giảm sút, với việc ký nhiều Hiệp định thương mại tự do thì thuế nhập khẩu sẽ về 0 đến 5% thì nguồn thu ngân sách sẽ giảm đáng kể.

“Bộ Tài chính có nhu cầu cần bổ sung nguồn thu khác nhưng theo tôi việc bổ sung đó phải hợp lý và có sức thuyết phục đối với người dân. Trong trường hợp này tôi thấy chưa thuyết phục. Tôi đề nghị cần xem xét….”, ông Doanh  nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, các tổ chức, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các Hiệp hội khác cần tổ chức các hội thảo để lên tiếng và đóng góp ý kiến, tránh việc gây tiền lệ “thuế chồng thuế, phí chồng phí”.

“Trước đây đã đánh thuế vào các nhiên liệu rồi nên xem xét lại một cách có hệ thống để xem chúng ta đã thu cái gì, cái gì hợp lý… chứ không nên thu phí chồng phí. Tôi đề nghị nên làm một thống kê tất cả các loại phí đánh vào xăng dầu và phân tích rõ ràng để trên cơ sở đó đưa ra thảo luận để có thể thuyết phục được người dân. Cần có sự đồng tình của người dân thì thu thuế mới có kết quả”, ông Doanh nêu quan điểm.

Tương tự, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện chúng ta có rất nhiều loại phí đối với môi trường rồi. Trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu thu thêm phí khí thải nữa thì sẽ “phí chồng phí”.

Cũng theo ông Long, từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần trong khi thu nhập của người dân chưa cao nhưng lại phải gánh nhiều loại thuế, phí thì rất khó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Vũ Trung Kiên cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã ở mức báo động và việc đưa ra các biện pháp hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa ra một loại phí mới cần xem xét cặn kẽ từ các quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước.

Theo infornet