Năm 2018 khối ngoại bơm ròng hơn 43.700 tỷ đồng nhưng…..

Khối ngoại đã bơm vào hơn 43.700 tỷ đồng trong năm 2018 trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng qua phương thức giao dịch khớp lệnh khối ngoại đã bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng.

Năm 2018 khối ngoại bơm ròng hơn 43.700 tỷ đồng nhưng…..
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2018 với chỉ số VN – Index chốt ở mức 892,54 điểm, giảm 91,7 điểm, tương đương giảm 9,32%; HNX – Index chốt ở mức 104,23 điểm, giảm 12,63 điểm, tương đương giảm 10,81% so với cuối năm 2017; UPCOM-Index có mức giảm 3,79% xuống 52,83 điểm.
Mặc dù, chốt phiên giao dịch cuối năm 2018, các chỉ số Index biến động giảm khoảng 10% so với so với phiên giao dịch cuối năm 2017, nhưng năm 2018 là một năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index đã phá vỡ đỉnh cũ, lập đỉnh cho cả thời kỳ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt mức 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018, nhưng cũng từ đây đến phiên cuối năm 2018, thị trường đã có các đợt điều chỉnh mạnh, lập nên xu hướng đi xuống và VN-Index đã mất đến 25,9% so với đỉnh lịch sử.

Khối phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới nhất “Chiến lược đầu tư năm 2019 – Cẩn trọng nhưng đừng bi quan” cho rằng, hiện tại VN-Index đang được giao dịch ở mức 16 lần là điểm tích cực vì thị trường đã về mức hợp lý hơn.
Năm 2018, khối ngoại bơm ròng 43.705,5 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng đến 64% so với năm 2017 nhưng phần lớn số tiền này chỉ đổ vào một số thương vụ lớn qua giao dịch thỏa thuận như của Novaland (mã NVL) với giá trị 3.500 tỷ đồng, Vinhomes (mã VHM) trị giá 28.500 tỷ đồng và MSN trị giá 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, qua phương thức khớp lệnh, khối ngoại bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. VDSC cho rằng, khối ngoại bán ròng thường xuyên qua phương thức giao dịch khớp lệnh phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung.

Chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu không phải là điều tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi về những thị trường phát triển. Dù vậy, VDSC cho rằng quá trình rút vốn ồ ạt khỏi chứng khoán, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi đã diễn ra trong năm 2018.

Thông báo gần đây từ FED khiến VDSC tin rằng lãi suất sẽ khó có thể tăng mạnh. Điều này có thể giúp cải thiện tâm lý của thị trường. Dòng vốn có thể sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sẽ cần thời gian vì nhà đầu tư cần hồi phục sau một năm 2018 “bão tố”.

Theo bizlive.vn